Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhận định trên được ban tổ chức Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất đưa ra khi đánh giá, xếp hạng quản lý đô thị trên địa bàn cả nước.
Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia (VUPA) lần đầu tiên tại Việt Nam do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã công bố tối 25-4 tại Hà Nội.
64 giải thưởng quy hoạch quốc gia lần thứ nhất đã trao cho 4 hạng mục: đồ án quy hoạch xây dựng, các khu vực đô thị đã được đầu tư xây dựng, ấn phẩm quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị.
3 giải đặc biệt quy hoạch đô thị
Ba giải đặc biệt được trao cho ba dự án có quy hoạch xây dựng tốt nhất. Đó là trung tâm đi bộ hồ Hoàn Kiếm, với không gian văn hóa, ẩm thực Hà Nội, nơi giao lưu văn hóa với các nước đang được khách du lịch đánh giá cao. Khách sạn Sheraton (TP Đà Nẵng), nơi tổ chức Hội nghị APEC năm 2017 và Vinpearl Nam Hội An cũng được giải thưởng đặc biệt.
Hai cá nhân xuất sắc được tặng giải thưởng là bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG, bỏ tiền túi làm quy hoạch đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài đã được Thủ tướng phê duyệt và ông Nguyễn Bá Dương, người chỉ đạo thi công tòa nhà Landmark 81 tầng tại TP.HCM. Đây là tòa nhà do người Việt Nam tự thiết kế, tự thi công, là niềm tự hào của người Việt trong thi công xây dựng đô thị.
Cả nước hiện có khoảng 810 đô thị. Giải thưởng này hướng đến tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc trong quá trình quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Thông qua giải thưởng này, ban tổ chức khuyến khích xây dựng, phát triển đô thị theo hướng xanh, tiện ích cho cư dân, giải quyết các vấn đề như kẹt xe, ùn tắc giao thông...
Nghịch lý đô thị
Bốn thành phố vừa và nhỏ: Hội An, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Sa Đéc được đánh giá có đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý phát triển đô thị tốt hơn các đô thị hàng đầu như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Nhận định trên được ban tổ chức Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất đưa ra khi đánh giá, xếp hạng quản lý đô thị trên địa bàn cả nước.
Nghịch lý trên được ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, giải thích: một số đô thị lớn không đoạt giải một phần vì họ không dự thi, nhiều thành phố cũng thấy phải làm tốt hơn công tác đô thị thì mới tham dự giải.
Ông Chính chia sẻ nếu nói toàn bộ quy hoạch đô thị thủ đô Hà Nội được quản lý xuất sắc rất khó vì còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được như kẹt xe, úng ngập, vi phạm trật tự xây dựng. Với TP.HCM cũng vậy, khu vực đường hoa Nguyễn Huệ đang tiến hành cải tạo, sửa chữa nên không dự thi.
Dù bộ mặt đô thị cả nước thể hiện qua hai thành phố này, nhưng theo ông Chính, nếu xét theo tiêu chí chấm giải quy hoạch đô thị quốc gia thì nhiều thứ không đạt. Trong khi ở một phạm vi nhỏ hơn, các đô thị như Hội An dễ đoạt giải hơn.
Riêng với TP Đà Nẵng, một đô thị được coi là đáng sống nhất cả nước hiện nay, một vị đại diện ban tổ chức giải nói dù quy hoạch thành phố rất tốt nhưng lại tồn tại nhiều vấn đề trong quản lý quy hoạch đô thị như khu vực bán đảo Sơn Trà chưa giải quyết xong, hay các vấn đề sai phạm đất đai, dự án lấn sông, lấn biển thời gian qua nên TP Đà Nẵng đã chủ động rút không tham dự giải.
Tương tự, TP Đà Lạt sau những lùm xùm quy hoạch khu Hòa Bình, dinh tỉnh trưởng cũng xin rút không tham gia Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia. "Thực chất thì hội đồng cũng không dám chấm giải khi đô thị có những bất cập quy hoạch như vậy" - ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Lý giải về việc các đô thị lớn không được xếp hạng có quy hoạch tốt, ông Trần Thanh Tùng, chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói điều này phụ thuộc vào tiêu chí chấm giải. Còn một đô thị tốt phải đạt yêu cầu về mật độ dân cư, tỉ lệ diện tích cây xanh, làm tốt công tác quản lý đô thị, và người dân cảm nhận đó là môi trường sống tốt.
Các tiêu chí quản lý phát triển đô thị như tổ chức không gian, cảnh quan đô thị, mật độ xây dựng, không gian mặt nước, quản lý trật tự xây dựng, hiện tượng sai phạm xây dựng được đưa vào xét giải thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng khó đáp ứng - ông Trần Thanh Tùng khẳng định.
Hội đồng giám khảo VUPA gồm các chuyên gia quy hoạch hàng đầu từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và châu Âu... Các dự án đoạt giải phải có sự đột phá về ý tưởng sáng tạo, khai thác tốt địa hình cảnh quan, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, xã hội; có giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, phát triển hệ thống hạ tầng hợp lý, bảo đảm môi trường sống, phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn theo hướng bền vững, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội đồng đã trao tổng cộng 64 giải thưởng. Trong đó có 3 giải đặc biệt, 14 giải vàng, 10 giải bạc, 19 giải đồng cho hai hạng mục đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch các khu vực đô thị đã đầu tư xây dựng; 10 giải cho các ấn phẩm quy hoạch đô thị; 8 danh hiệu xuất sắc cho hạng mục quản lý đô thị.
Vingroup đoạt 3 giải thưởng
Vingroup đã lập "hattrick" ở cả 3 hạng mục Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia.
Trong đó, Vinpearl Nam Hội An được đánh giá cao nhất về sự sáng tạo. Bên cạnh lợi thế về vị trí (gần phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm), Vinpearl Nam Hội An đặc biệt gây ấn tượng về khả năng khai thác yếu tố cảnh quan và văn hóa lịch sử vào kiến trúc tổng thể, mang tinh thần di sản, lưu giữ các yếu tố tự nhiên và sinh thái.
Giải vàng hạng mục "Đồ án quy hoạch xây dựng" thuộc về Vinhomes Ocean Park (Hà Nội) với mô hình đại đô thị đồng bộ tiện ích được đánh giá là có ý tưởng thiết kế đột phá và đắt giá nhất, không gian kiến trúc kết nối hài hòa, không gian xanh hợp lý.
Công ty cổ phần Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup cũng được vinh danh là "Tổ chức tham gia quản lý phát triển đô thị xuất sắc tiêu biểu" với việc quản lý và vận hành thành công 17 khu đô thị, hơn 44.000 căn nhà với hơn 200.000 cư dân…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận