18/05/2017 14:07 GMT+7

Hội An đối thoại để tìm cách giữ rừng dừa

THANH BA
THANH BA

TTO - Làm sao để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển rừng dừa Cẩm Thanh và vùng cửa sông Thu Bồn quan tâm chung của 4 bên nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng ở Hội An.

Đối thoại xoay quanh vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững rừng dừa Bảy Mẫu - Ảnh: Thanh Ba

Cuộc đối thoại với chủ đề “Quan điểm của các bên liên quan tới sự hài hòa giữa bảo tồn - phát triển rừng dừa Cẩm Thanh và vùng cửa sông Thu Bồn” hướng tới các vấn đề nóng và nổi cộm liên quan trực tiếp đến việc khai thác, phát triển rừng dừa nước Cẩm Thanh thời gian qua.

Cuộc đối thoại do UBND TP Hội An và Ban Quản lí khu dự trữ sinh quyển (BQLKDTSQ) Cù Lao Chàm đồng chủ trì đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện 4 bên: cơ quan quản lí nhà nước, nhà khoa học (chuyên môn), doanh nghiệp và cộng đồng.

Rừng suy giảm đáng kể

Theo đại diện BQLKDTSQ Cù Lao Chàm, sự đa dạng sinh học tại lưu vực sông Thu Bồn, trong đó có rừng dừa Bảy Mẫu, đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ riêng với Hội An mà cả vùng biển Cù Lao Chàm.

Tuy nhiên, theo ông Lê Nhương, đại diện cộng đồng, diện tích rừng dừa Bảy Mẫu thời gian qua đã suy giảm đáng kể.

“Cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhân giống dừa nước, từ đó quy hoạch cụ thể vùng sẽ triển khai nhân rộng. Thực tế, bấy lâu nay nguồn cung ứng dừa nước phục vụ mở rộng diện tích chủ yếu nhập từ bên ngoài. Người dân ở đây cần sự sẻ chia lợi ích từ các doanh nghiệp vì bà con đóng góp công sức trong việc giữ gìn di sản rừng dừa ông cha ngày trước đã gầy dựng”, ông Nhương nói.

Phía doanh nghiệp bày tỏ sẵn sàng tham gia bảo vệ môi trường và đưa ra nguyện vọng được giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng tại khu rừng dừa đang bị xuống cấp.

Lo đánh bắt tận diệt

Trong khi đó, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, đại diện các nhà khoa học, hướng sự chú ý đến công tác khai thác, bảo tồn nguồn thủy hải sản.

Theo ông Trinh, tại vùng đệm Bảy Mẫu có tổng cộng 92 loài thủy sản. Trong đó, nổi bật nhất là cá chình và mòi cờ. Hằng năm, sau mùa sinh sản, không ít loài ở vùng đệm này di cư ra vùng lõi Cù Lao Chàm và góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học cho khu dự trữ sinh quyển thế giới.

“Tuy nhiên, việc khai thác theo kiểu tận diệt bằng cách dùng xung điện đánh bắt đã phá vỡ hệ sinh thái vốn có nơi đây. Đã đến lúc, cơ quan nhà nước cần đưa ra định hướng phát triển nguồn thủy hải sản, bởi đây là một phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của rừng dừa Bảy Mẫu”, ông Trinh nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan quản lí, ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An, lên tiếng: Chính quyền địa phương sẽ tổ chức khoanh vùng quản lí rừng dừa nước.

Chính quyền cũng sẽ đề ra quy chế xây dựng phù hợp với Cẩm Thanh (quy định cụ thể hoạt động nào cho phép và bị cấm tại rừng dừa), ông Hùng cho biết.

“Việc khoanh vùng quản lí chắc chắc phải thực hiện. Còn phần xây dựng quy chế, lãnh đạo thành phố cần báo cáo UBND tỉnh xem xét và phê duyệt thì mới xúc tiến”, phó chủ tịch UBND TP Hội An nói.

Một tuyên bố chung về bảo tồn và phát triển rừng dừa nước Cẩm Thanh và vùng cửa sông Thu Bồn đã được ký sau cuộc đối thoại.

Tập trung phát triển vùng đệm Bảy Mẫu

Trưa 18-5, trao đối với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Hồng Thúy (giám đốc Ban Quản lí khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) chia sẻ: “Thời gian qua, đơn vị đã dồn rất nhiều công sức vào vùng lõi Cù Lao Chàm. Bây giờ, đã đến lúc chúng tôi tập trung phát triển vùng đệm.

Từ trước đến nay, rừng dừa Bảy Mẫu được xem là lá phổi che chắn ô nhiễm. Buổi đối thoại hôm nay sẽ là tiền đề thúc đẩy công tác bảo tồn và phát triển bền vững rừng dừa”.

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên