![]() |
Cán bộ coi thi đối chiếu ảnh dự thi của thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Luật Hà Nội sáng 8-7 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 - Ảnh: Lan Hương |
Điểm chuẩn ĐH-CĐ năm 2008Thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009Điểm chuẩn ĐH, CĐ năm 2007, 2006, 2005Ngành gì? Trường gì? Làm gì?Hộp thư tư vấn tuyển sinhThi tốt nghiệp THPT năm 2009
* Em muốn đăng ký học để làm một phát thanh viên ở đài phát thanh - truyền hình thì em có thể đăng ký dự thi vào trường nào, khối nào? Và có đòi hỏi những điều kiện gì không? Điểm chuẩn của ngành này những năm trước là bao nhiêu? (Hoàng Ngọc Thanh, thanhhn91@...)
- Muốn làm phát thanh viên, bạn cần có giọng chuẩn và có ngoại hình, có trình độ tiếng Anh tốt, có kiến thức kinh tế - văn hóa - xã hội vững, thành thạo kỹ năng sử dụng vi tính...
Bạn cần học chuyên ngành báo chí hoặc các ngành liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn tại các trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM): điểm chuẩn ngành báo chí khối C 20, khối D1: 19; Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế): khối C 16; Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội): khối C 19,5, khối D: 19; Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội: ngành báo phát thanh (C:20, D1:16), báo truyền hình (C:21,5, D1:19), báo ảnh (C:19, D1:18), báo in (C:21, D1:15,5), báo mạng điện tử (C:21, D1:18,5)...
Ngoài ra bạn có thể học ngành báo chí của trường CĐ Phát thanh truyền hình 2, CĐ Phát thanh truyền hình 1, CĐ Truyền hình.
* Nếu em học ngành xây dựng đường sắt - metro của Trường ĐH giao thông vận tải TP.HCM thì sau này ra trường em sẽ làm gì và làm việc ở đâu? Cho em biết điểm chuẩn của ngành này các năm qua? (Nguyễn Hoàng Vĩnh Thụy, judas2406@...)
- Ngành xây dựng đường sắt - metro (mã ngành 120) là ngành mới tuyển sinh năm 2008 của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Năm ngoái điểm chuẩn ngành này là 15, năm nay có chỉ tiêu là 70.
Sau khi sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo, sản xuất và quản lý nhà nước liên quan đến chuyên môn, có khả năng khảo sát thiết kế, quản lý và tổ chức thi công, phân tích đánh giá dự án đầu tư, có khả năng tham gia nghiên cứu và giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật xây dựng đường sắt và metro.
* Cho em biết khối S thi những môn nào và thi ngày mấy, có thi cùng khối B, C, D không? Em thuộc diện ưu tiên 2 và khu vực 1, khi em dự thi ĐH, CĐ thì em được cộng bao nhiêu điểm? (rita_dennis2224@...; hamen89@...)
- Khối S thi văn và hai môn năng khiếu điện ảnh. Khối S thì cùng đợt với khối B, C, D (đợt 2) ngày 9 và 10-7; còn hệ CĐ sẽ thi từ 15 và 16-7 (hệ CĐ thi cùng đợt các khối A, B, C, D).
Theo quy chế, hiện tại không còn tính ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú mà tính theo thời gian thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Do đó, nếu bạn thuộc ưu tiên khu vực 1, nhóm đối tượng ưu tiên 2 thì theo khung điểm ưu tiên sẽ được giảm 2,5 điểm so với các thí sinh thuộc khu vực 3 và không được ưu tiên đối tượng. Nghĩa là điểm chuẩn là 18 điểm thì bạn chỉ cần đạt 15,5 điểm là trúng tuyển.
* Nhà em ở Khánh Hòa nhưng hiện em đang ở TP.HCM và đã nhập hộ khẩu TP.HCM theo diện KT3. Năm nay em làm hồ sơ thi ĐH thì có thể đem hồ sơ đi xác nhận tại TP.HCM không hay phải đem về Khánh Hòa? (rongviet932004a@...)
- Khi nộp hồ sơ ĐKDT thì phải có đóng dấu giáp lai. Do đó, nếu bạn không có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng đã đăng ký tạm trú dài hạn (diện KT3) tại TP.HCM thì được chứng nhận hồ sơ ĐKDT tại công an phường nơi bạn tạm trú dài hạn, không phải về quê chứng nhận.
Nếu bạn chưa có KT3, hồ sơ phải được chứng nhận tại công an xã, phường nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Nếu không về quê được, bạn có thể gửi hồ sơ (sau khi điền đầy đủ) nhờ người thân đi chứng nhận giúp và gửi vào TP.HCM để nộp.
* Em định thi Trường ĐH Luật TP.HCM ngành luật quốc tế. Em không hiểu rõ lắm về ngành học này, có thể nói rõ thêm về điểm chuẩn, tỉ lệ “chọi”, chương trình học, cơ hội nghề nghiệp... Em thì không nhanh nhẹn và nhạy bén lắm, như vậy có thể theo đuổi luật được không? (Ngọc Lan, katty_katty_16@...)
- Ngành luật quốc tế (mã ngành 505, khối A, C, D1, D3) của Trường ĐH Luật TP.HCM đào tạo ba khối kiến thức cơ bản: khối kiến thức về lĩnh vực công pháp quốc tế; khối kiến thức về lĩnh vực tư pháp quốc tế và khối kiến thức về luật so sánh, luật thương mại quốc tế.
Mục tiêu đào tạo của ngành này là trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản liên quan đến chức năng đối ngoại của nhà nước trong quan hệ quốc tế, về kỹ năng lựa chọn và vận dụng pháp luật của các quốc gia, đàm phán hợp đồng ngoại thương, giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài...
Tỉ lệ “chọi” ngành này hằng năm vào khoảng 1 “chọi” 6. Điểm chuẩn năm 2008 khối A-C: 16,5, khối D1-D3: 15; năm 2007 khối A: 18, C: 16, D1: 15,5; năm 2006 khối A-D1: 17,5, C: 16,5; năm 2005 khối A: 17, C: 15…
Để trở thành một luật sư thực thụ, bạn cần phải có óc phán đoán, nhạy bén, logic trong mọi công việc… Theo Luật luật sư năm 2006, điều 12 quy định, người có bằng cử nhân luật được đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư, thời gian được quy định là sáu tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư. Hiện nay cơ sở đào tạo nghề luật sư là Học viện Tư pháp.
Sau khi có được giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư, người đó sẽ được tập sự hành nghề luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư trong mười tám tháng. Khi hết thời gian tập sự, luật sư hướng dẫn nhận xét kết quả tập sự của người tập sự hành nghề luật sư bằng văn bản và gửi đến Đoàn luật sư nơi người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự.
Sau đó, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với tổ chức luật sư toàn quốc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Khi có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, để có được chứng chỉ hành nghề luật sư, tức luật sư thực thụ, người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải có hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự và nơi này sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Theo Luật luật sư, cũng có những trường hợp được quy định là miễn đào tạo hay giảm thời gian tập sự, nhưng sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật không thuộc những đối tượng này.
Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009, thắc mắc các ngành học, quy chế... có thể gửi email đến Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: tuyensinh@tuoitre.net.vn. Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ Unicode). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận