Đó là chia sẻ của TRẦN THỊ THU HIỀN (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), nữ sinh đứng đầu đợt xét tốt nghiệp sớm của Trường đại học Ngoại thương với điểm trung bình 3,99/4.
Bất ngờ
* Cảm xúc của bạn khi đạt danh hiệu thủ khoa đợt tốt nghiệp sớm với số điểm tích lũy gần tuyệt đối 3,99/4?
- Thật sự tôi khá bất ngờ khi biết tin mình có số điểm cao nhất ở đợt tốt nghiệp thứ nhất năm 2023 của Trường đại học Ngoại thương. Bản thân tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu phải là thủ khoa tốt nghiệp. Với tôi, học là để hiểu và cố gắng hết khả năng của mình.
Mục tiêu ban đầu của tôi khi bước chân vào Trường đại học Ngoại thương chỉ là phải ra trường sớm để mở rộng cơ hội việc làm, giảm cạnh tranh so với thời điểm sinh viên tốt nghiệp đồng loạt. Các anh chị đi trước có thể ra trường sớm thì tôi cũng hoàn toàn có thể làm được.
* Không những hoàn thành mục tiêu ra trường sớm mà còn đạt thành tích khủng, vậy bạn đã có những chiến thuật đặc biệt nào trong học tập?
- Những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, tôi luôn tự ti khi xuất phát điểm của tôi đến từ một trường THPT ở huyện chứ không phải trường chuyên. Khi thi vào ngành kinh tế đối ngoại của trường tốp đầu cả nước và đậu với số điểm 27,25 khối A1, ngưỡng điểm cũng chỉ nhỉnh hơn một ít so với điểm chuẩn năm đó.
Đứng giữa một tập thể hội tụ những sinh viên xuất sắc, tôi bắt đầu đặt mục tiêu rút ngắn thời gian ra trường trong 3,5 năm. Tôi xác định mình cần hoàn thành bao nhiêu tín chỉ, sau đó phân bổ theo các kỳ học để có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Ở những kỳ đầu, chương trình học gồm những môn đại cương và cơ sở ngành nên tôi đăng ký nhiều môn hơn, dao động từ 8 - 11 môn, tương đương khoảng 26 - 27 tín chỉ, học kỳ nhiều nhất lên đến 31 tín chỉ.
Các kỳ cuối với các môn chuyên ngành, khối lượng kiến thức phải học nặng và đây cũng là nội dung mình cần học kỹ, vì vậy những kỳ cuối tôi đăng ký ít hơn, chỉ khoảng 7 môn/học kỳ.
Đến những kỳ thi, tôi phân bổ thời gian ôn thi mỗi môn trước ít nhất một tuần để không bị dồn và tránh gấp gáp khi có những môn thi gần kề nhau. Tôi ôn thi bằng sơ đồ tư duy, vẽ sơ đồ tư duy cho các chương trong môn học và từng phần nhỏ trong từng chương.
Tập trung hơn ở một số phần mà thầy cô nhấn mạnh, nhưng bắt buộc phải đọc qua tất cả các nội dung một lượt chứ không bỏ sót bất cứ phần nào, tức là nói không với học tủ. Với một số môn thi theo hình thức vấn đáp thì tôi sẽ luyện tập với bạn bè nhiều hơn.
Đại học để "đi đường dài"
* Vài năm trở lại đây tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chiếm tỉ lệ rất lớn, có trường đạt trên 80%. Theo bạn, có phải người trẻ bây giờ đang giỏi lên rất nhiều?
- Tôi nghĩ rằng hiện nay sinh viên đang có những cơ hội học tập tốt hơn rất nhiều khi Internet phát triển mạnh mẽ, tiếng Anh khá phổ biến, do vậy ngoài việc tiếp cận với những nguồn tư liệu tiếng Việt, sinh viên có thể dễ dàng đọc thêm tài liệu nước ngoài để phục vụ cho học tập.
Bên cạnh đó, những năm gần đây các bạn học sinh được mở rộng cơ hội chọn trường, chọn ngành, được học đúng nguyện vọng và đam mê. Đó là một trong số nhiều lý do có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
* Đang có những tranh cãi "có cần phải học đại học không trong khi nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp?", quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này?
- Có nhiều cách để chuẩn bị cho sự nghiệp của mình, nhưng đối với tôi, có một tấm bằng đại học sẽ là lựa chọn tốt nếu muốn đi đường dài.
Thứ nhất, hiện nay bằng đại học cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc cho nhiều vị trí tuyển dụng. Vì vậy, bằng đại học sẽ là tấm vé thông hành cho chúng ta để đạt tới những công việc như thế.
Thứ hai, khi làm việc đến một vị trí nhất định đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức tổng quan nhiều mảng, với các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, kiến thức ở trường học sẽ là nền tảng quan trọng. Nó có thể không phục vụ trực tiếp cho công việc, nhưng ít nhất chúng ta sẽ biết mình cần bổ sung phần kiến thức gì và cần tìm học những kiến thức ấy ở đâu.
Thứ ba, hơn thế nữa, tại môi trường đại học, chúng ta có cơ hội tiếp xúc và tạo mối quan hệ với nhiều người giỏi. Đó có thể sẽ là những người bạn, những người đồng nghiệp sau này để mình học hỏi và nếu cùng chí hướng sẽ cùng nhau tiến xa hơn trong sự nghiệp.
"Cực kỳ lì"
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình - trưởng Ban quản lý khoa học và hợp tác phát triển (Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế) - từng là giáo viên bộ môn, giảng viên hướng dẫn Trần Thị Thu Hiền tham gia cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học và khóa luận tốt nghiệp.
Cô Bình nhận xét học trò là một cô gái nhỏ bé, bên ngoài không nổi bật, nhưng bên trong nội lực rất lớn. Hiền đã quyết tâm làm gì thì sẽ làm tới cùng.
"Ấn tượng nhất bạn này là cực kỳ lì. Có những kiến thức mới rất thách thức với sinh viên, đòi hỏi sinh viên cần phải bỏ rất nhiều công sức tìm hiểu tài liệu và đọc các mô hình lượng hóa, dù nhiều bạn đã nản nhưng Hiền rất kiên trì. Hiền không nói nhiều, không hay phát biểu thể hiện quan điểm mà lặng lẽ làm việc rất chuyên nghiệp và hiệu quả" - cô Bình nói.
Kết quả, nhóm Hiền đã đoạt giải trong cuộc thi khoa học năm đó. Từ đề tài, cô trò phát triển và công bố một bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận