Sau 8 tháng nghiên cứu, nhóm học sinh lớp 11B17 Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TP.HCM) gồm: Nguyễn Phương Vy, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Thị Thúy Linh, Trương Trọng Nghĩa, Bùi Nguyễn Minh Trâm đã điều chế ra bộ sản phẩm dầu gội và dầu xả với tên gọi Danville.
Dầu gội từ thiên nhiên
Nguyên liệu mà nhóm sử dụng điều chế dầu gội gồm có rau càng cua, chiết xuất bồ kết, bồ hòn, hương nhu, cỏ ngũ sắc, tinh dầu chanh, xả và bưởi. Ngoài ra còn có thêm chất bảo quản và chất tạo bọt.
Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết rụng tóc không chỉ ở người lớn, mà còn là nỗi lo của các bạn trong lứa tuổi học sinh.
"Rau càng cua là loại rau dễ tìm, giá thành rẻ nên chúng tôi dùng làm nguyên liệu chính để chế tạo dầu gội và dầu xả. 30g rau càng cua làm ra 330ml dầu gội, với các công đoạn như chuẩn bị nguyên liệu, nấu rau càng cua, khuấy trộn nguyên liệu theo tỉ lệ nhất định, thêm chất bảo quản, chất tạo bọt, tinh dầu giúp sản phẩm có mùi hương và đóng gói sản phẩm", Ngọc Anh nói.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm gặp không ít khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin, tài liệu nước ngoài. Nhờ có sự hỗ trợ của cô giáo, sau nhiều lần thực hành, nhóm cũng rút ra được kinh nghiệm.
"Chúng tôi được mượn phòng thí nghiệm của khoa công nghệ hóa, Trường đại học Công Thương TP.HCM để thực hiện dự án. Với niềm đam mê, chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia nghiên cứu", Ngọc Anh chia sẻ.
Cô Chu Thị Kim Hương (giáo viên Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú) đánh giá sản phẩm của các bạn có khả năng thương mại hóa cao.
"Sản phẩm dầu gội và dầu xả của nhóm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường và phù hợp với da đầu người dùng. Khi tôi dùng thử, sản phẩm có độ mềm mượt và mùi thơm dễ chịu. Do các em dùng chất nền thân thiện với môi trường nên trong lần gội đầu tiên có thể người dùng sẽ thấy không quen, hơi khó chịu", cô Hương nói.
Cô Hương cũng cho biết nhóm đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm và nhận về kết quả lành tính.
Thực hành tại phòng thí nghiệm của trường đại học
Ngoài dòng sản phẩm từ rau càng cua và các loại thảo dược, nhóm cũng làm thêm bộ dầu gội và dầu xả từ lá nem và lá muồng trâu.
Bạn Phương Vy chia sẻ: "Chúng tôi ứng dụng nhiều kiến thức môn học vào nghiên cứu như môn hóa để tìm công thức chính xác. Ngoài ra còn có môn sinh học, tin học, ngoại ngữ và toán học để tính giá tiền, tham khảo tài liệu nước ngoài, thiết kế bao bì sản phẩm.
Nhóm muốn giúp người đang có vấn đề với mái tóc, giúp cải thiện và phục hồi tóc để họ tự tin với tóc mình hơn. Nhóm cũng muốn học hỏi, được nghiên cứu và thực hành nhiều hơn, biết thêm nhiều lý thuyết trong sách và thực tế".
Chia sẻ về dự định tương lai, nhóm nói sẽ tiếp tục phát triển dự án, hoàn thiện thêm một số sản phẩm để tiếp tục tham gia các cuộc thi dành cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hồng Anh (trưởng bộ môn công nghệ hữu cơ mỹ phẩm, Trường đại học Công Thương TP.HCM) cho biết khi biết mục đích các bạn làm đề tài, cô đã xin ý kiến khoa hỗ trợ cho mượn dụng cụ nghiên cứu và phòng thí nghiệm.
"Tôi thấy các bạn học sinh rất giỏi và nhiệt huyết với hoạt động nghiên cứu. Đến phòng thí nghiệm, các bạn thay nhau mày mò, tập làm và kết quả tốt hơn từng ngày. Qua đó các bạn có thể trau dồi thêm nhiều kỹ năng, hoàn thiện bản thân hơn", cô Hồng Anh nói thêm.
Đoạt nhiều giải thưởng
Vừa qua, nhóm đã đoạt giải nhì bình chọn ở cuộc thi Học sinh - sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức. Nhóm còn đoạt huy chương đồng cuộc thi Thiết kế chế tạo ứng dụng, do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận