27/04/2022 09:04 GMT+7

Học thật - Làm thật - Mau có nghề: Xu hướng thu hút người trẻ 2k4

T.D.V - MAI HƯƠNG
T.D.V - MAI HƯƠNG

Một mùa tuyển sinh mới lại đến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây nhiều băn khoăn cho các bạn trẻ khi quyết định chọn ngành, chọn trường. Hiểu rõ bản thân, nắm bắt tốt xu hướng thị trường lao động là chìa khóa vàng để chọn ngành nghề phù hợp.

Học thật - Làm thật - Mau có nghề: Xu hướng thu hút người trẻ 2k4 - Ảnh 1.

Chương trình tọa đàm trực tuyến "Thực học- Thực nghiệp"- Xu hướng chọn ngành, chọn trường của 2K4

Mới đây, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thực học, thực nghiệp - Xu hướng chọn ngành, chọn trường của 2K4".

Tham dự có ông Trần Vân Nam - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Giám đốc FPT Polytechnic TP.HCM; Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm đào tạo và hướng nghiệp 4.0 Jobway; Bà Lê Thị Hải Châu - Phó Tổng Giám đốc phụ trách phía Nam MIK Group, Giám đốc Điều hành chuỗi tổ hợp Movenpick Resort Warely, Crowne Plaza, Sol By Melia tại Phú Quốc.

Chương trình đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho phụ huynh, học sinh.

Ngành nghề "thực chiến", đào tạo ngắn hạn hút người học

"Đại dịch COVID-19 khiến người trẻ e dè hơn trong chọn ngành. Ngành nghề có tính chất ‘thực chiến’, thời gian đào tạo ngắn, ra trường có nghề ngay đang được nhiều bạn quan tâm"- Tiến sĩ Đào Lê Hòa An đưa ra nhận xét dựa trên các khảo sát, thống kê thời gian qua.

Học thật - Làm thật - Mau có nghề: Xu hướng thu hút người trẻ 2k4 - Ảnh 2.

Thế hệ GenZ rất quan tâm đến việc chọn học những ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn, mang tính ứng dụng cao

Theo ông An, thế hệ GenZ (những bạn trẻ sinh từ năm 1995- 2015-PV), đặc biệt là lứa 2k4 (người sinh năm 2004) với tính chất năng động của mình có xu hướng không muốn chỉ biết một nghề mà muốn vừa có nghề tay phải, vừa có nghề tay trái để phát huy hết khả năng bản thân.

Trải qua hai năm đại dịch, các nghề liên quan đến công nghệ, nghề có thể làm từ xa, làm mọi lúc mà không bị ràng buộc, giới hạn về không gian, thời gian đang là đích nhắm của nhiều bạn trẻ.

Ông Trần Vân Nam thông tin thêm: "Hiện nay, Việt Nam có lợi thế trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và hiện đang là mắt xích quan trọng trong chuỗi logistic toàn cầu. Do vậy, các ngành nghề liên quan đến sản xuất cơ bản, các ngành dịch vụ đều có cơ hội phát triển".

"Nhóm ngành dịch vụ vẫn như một ‘cục than hồng’ rất nóng bỏng và thu hút, đại dịch chỉ phủ lên một lớp màng rất mỏng, và đến thời điểm hiện tại thì cục than vẫn rất hồng"- ông Nam ví von.

Dẫn chứng thêm về độ "hot" của du lịch, bà Lê Thị Hải Châu cho biết dự kiến năm 2022, Việt Nam đón khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa và 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Do vậy, cơ hội tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch sẽ rất lớn.

Chọn ngành: Phù hợp hơn hào nhoáng

Một bạn đọc gửi câu hỏi đến chương trình: "Em học đều các môn nhưng thực sự không rõ mình thích cái gì nhất, vậy thì làm sao để chọn được ngành?".

Chia sẻ với lo lắng này, tiến sĩ Hòa An cho rằng ngoài kiến thức từ các môn học, bạn trẻ cần tham gia nhiều hoạt động xã hội, lắng nghe bản thân, tăng cường giao tiếp nhiều hơn để biết được ưu, nhược điểm của mình.

Học thật - Làm thật - Mau có nghề: Xu hướng thu hút người trẻ 2k4 - Ảnh 3.

Sinh viên chuyên ngành Quản trị khách sạn Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thực hành pha chế tại khu vực mô phỏng quầy bar

"Nhiều bạn chỉ chăm chăm học đêm học ngày mà không có thời gian để giao tiếp, để lắng nghe, để định vị bản thân thì rất khó để biết ngành nghề nào phù hợp với mình nhất" - ông An nói

"Chọn ngành nghề cũng như ‘chọn người yêu’. Có thể ấn tượng ban đầu hào nhoáng sẽ làm bạn choáng ngợp, nhưng chưa chắc đó là ‘nửa kia’ thích hợp với bạn" - tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An đưa ra so sánh rồi đúc kết: "Muốn chọn ngành, trước hết các bạn phải có 3 cái hiểu: hiểu về mình, hiểu về nghề và hiểu về thị trường lao động trong tương lai".

Có cùng quan điểm này, bà Lê Thị Hải Châu chia sẻ rằng khi tuyển lao động hay chọn sinh viên thực tập giữ lại cộng tác lâu dài, doanh nghiệp không nhất thiết chọn những sinh viên xuất sắc có bảng điểm cao hay đến từ các trường danh giá nhất, mà chú trọng chọn những người có tố chất, kỹ năng và xu hướng phát triển thật sự phù hợp với vị trí công việc đang cần.

Thực học, thực nghiệp ngay khi còn trên ghế nhà trường

Trả lời câu hỏi bạn đọc gửi đến buổi giao lưu: đâu là cơ sở để đánh giá một ngôi trường tốt?

Ông Trần Vân Nam đưa ra hình ảnh so sánh giữa kim cương và than đá. Tại sao có cùng thành phần hóa học mà kim cương lại quý hơn than đá? Tất cả nằm ở môi trường hình thành.

Học thật - Làm thật - Mau có nghề: Xu hướng thu hút người trẻ 2k4 - Ảnh 4.

Sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thực tập tại doanh nghiệp liên kết với nhà trường

Theo ông Nam, hiện nhiều đơn vị đào tạo đưa ra khung chương trình rất tốt, có triết lý giáo dục rất hay, nhưng quan trọng là thực tế triển khai giảng dạy.

Giới thiệu thêm về trường Cao đẳng FPT Polytechnic, ông Nam cho biết một năm học tại trường gồm 3 học kỳ, mỗi học kỳ 4 tháng, sinh viên không nghỉ hè mà mỗi kỳ nghỉ cũng giống như kỳ nghỉ phép của nhân viên các công ty.

Trong quá trình học, sinh viên có cơ hội được đào tạo như một nhân viên đã đi làm thực thụ. Sau 2 năm 4 tháng, sinh viên có thể ra trường tìm việc và hòa nhập nhanh vào môi trường mới.

Khi doanh nghiệp liên kết đào tạo với trường Cao đẳng FPT Polytechnic, ban ngày, sinh viên thực tập được làm việc trong môi trường doanh nghiệp, buổi tối, các bạn có thể tham gia lớp học với giảng viên nhà trường bằng hình thức học online

Bà Lê Thị Hải Châu cho biết

Việc kết hợp song song thực tập và đào tạo vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp người học có thể "thực nghiệp" ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có thêm kinh nghiệm để tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

T.D.V - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên