Khai giảng trong mưa
Bất chấp mưa lớn, lễ khai giảng ở Trường dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kim Nọi (xã Kim Nọi) vẫn diễn ra tưng bừng...
Năm học mới ở vùng lũ đã sẵn sàng
5h sáng 5-9, khi những cơn mưa xối xả đổ xuống thì gần 250 học sinh bán trú ở trường đã dậy để ăn sáng, và chuẩn bị cho năm học mới.
Các em được ăn mì gói trong bát to bằng inox. Ăn xong, các học sinh dù lớp 1 hay lớp 9 đều tự giác cầm bát đũa của mình ra bể nước ở góc sân rửa, rồi nhanh chóng về phòng thay những bộ quần áo mới nhất, tươm tất nhất mà mình có.
Cũng lúc này, một số phụ huynh trong bản đã xuống trường đem theo những bộ quần áo mới tinh, những bộ váy Mông sặc sỡ nhất.
Mang 2 bộ quần áo, váy xuống cho cháu nội đang trọ học tại trường, bà Mùa Thị Chư (60 tuổi), cho biết nhà bà ở bản La Phu Khơ cách trường cả tiếng đồng hồ đi bộ, và bà đã phải dậy từ 4h sáng để xuống trường thay đồ cho 2 cháu.
Bà Chư được xếp vào hàng "có điều kiện". Những người "có điều kiện" như vậy ở đây không nhiều. Hầu hết học sinh đang ở trọ ở trường đều phải "tự lập". Các em phải tự lo mọi thứ, từ sinh hoạt cá nhân, ăn uống...
Học sinh tự rửa bát
Ngay gần cổng trường có hai ngôi nhà mới được dựng lên, họ là những gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, có người mất trong trận lũ quét sáng 3-8, vừa được xã, huyện di dời về.
Trong ngôi nhà gỗ vừa dựng xong, ông Mùa A Dống (50 tuổi, bản Dào Xa) cũng đang mặc quần áo cho 4 đứa con bên cạnh bếp lửa ở góc nhà. Trên bếp, một nồi cơm trắng đang cạn nước sắp chín, một nồi nước đang sôi. Ông Dống bảo nồi nước sôi để pha mì tôm làm canh cho 4 đứa trẻ ăn cùng cơm.
Nhà ông trước ở bản Kháo Dống cũng nghèo, cả nhà chỉ có một con trâu, ông lấy vợ muộn nên giờ đứa lớn mới vào lớp 7, còn đứa thứ tư mới vào lớp 2.
Trận lũ không cuốn nhà ông đi, nhưng cũng làm nó sập đổ, thuộc diện phải di dời khẩn cấp.
Chính quyền và gia đình cũng vừa hoàn thành việc di chuyển, dựng và dọn về nhà mới được mấy bữa nay. Trong nhà không có đồ đạc, tài sản gì ngoài 1 đống ngô khô ở giữa nhà, mấy cái thùng nhựa đựng nước ở góc nhà và ít bát đũa, nồi niêu cũ...
"Nhà nghèo khó lắm, nhưng trước ở bản Kháo Dống vẫn để mấy con đi học. Giờ về ngay gần trường thì vẫn cho bọn nó đi học thôi. Nhà cũng không có trâu mà phải bắt chúng nghỉ học đi chăn trâu. Bọn nó còn nhỏ quá, chưa làm được việc gì giúp vợ chồng mình, cho nó đi học được mà" - ông Dống gãi đầu gãi tai nói về sự khó khăn, thiếu thốn của gia đình.
Tranh thủ trú mưa sửa soạn váy áo cho con
Học sinh sẽ đến trường đủ
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, quyền hiệu trưởng Trường dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kim Nọi, cho biết chính quyền huyện, xã và nhà trường quyết tâm vận động, đưa đủ số học sinh thuộc diện đến trường đầy đủ.
"Trận lũ vừa qua diễn ra vào dịp hè, nó làm 4 học sinh của trường ra đi mãi mãi. Đây là mất mát của gia đình các em, và cũng là mất mát của trường. Thầy cô sẽ làm mọi việc tốt nhất cho học sinh, để tất cả các em yên tâm học hành" - cô Oanh nói.
Theo cô Oanh, trong trận lũ sáng 3-8, bốn học sinh của trường đều là anh em ruột, anh em họ hàng đi chăn trâu, và tối ngủ lại lều canh nương. Ai ngờ lũ ống bất ngờ cuốn trôi cả 4 học sinh Giàng A Phai (lớp 2A), Giàng A Tám (lớp 5B), Giàng A Lu (lớp 5B), Giàng A Phứ (lớp 9B). Đến nay mới chỉ tìm thấy thi thể 1 em.
Ngay sau lũ, nhà trường đã thu xếp chỗ để đón 4 hộ gia đình có nhà bị lũ cuốn đến ở trong thời gian chờ dựng nhà mới.
Các thầy cô còn thăm, động viên, hỗ trợ 12 hộ gia đình phải di dời để các gia đình không giữ con ở nhà làm việc.
"Việc vận động, kêu gọi học sinh đến trường thì trước đây khi trường có 3 điểm trường lẻ ở các bản xa nhất vẫn phải làm thường xuyên. Tuy nhiên một hai năm nay khi xóa các điểm trường để đưa về điểm trường chính thì việc vận động có giảm.
Việc vận động tưởng đơn giản, nhưng với đồng bào người Mông, thuyết phục họ rất khó. Học sinh nữ mới học sang cấp THCS là gia đình đã nhăm nhe giữ ở nhà để gả chồng. Học sinh nam thì gia đình giữ lại nhà để làm việc. Thành ra, cứ dịp cuối hè là các thầy cô lại cùng các đoàn thể đi tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp...".
Bà Mùa Thị Chư từ bản mang áo mới cho 2 cháu
Quyền hiệu trưởng cũng cho biết do năm nay mưa lớn kéo dài cả tháng nên từ ngày 20-8, khi học sinh tập trung, thì từ đó đến nay nhà trường "tạm giữ" ở trường luôn đến tận ngày khai giảng. Một phần vì mưa, đi lại khó khó khăn, chỉ sợ học sinh đi lại sẽ xảy ra chuyện gì. Một phần sợ học sinh về nhà đến ngày khai giảng sẽ "rơi rụng" một số em do gia đình giữ lại.
"Thầy cô đã làm mọi cách và đến ngày khai giảng hôm nay, gần như 100% học sinh trong tổng số 384 học sinh của trường có mặt, chỉ trừ gần chục học sinh xin nghỉ vì ốm".
Báo cáo trước thềm năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết ngay sau lũ, phòng đã huy động giáo viên các trường trong huyện cùng hỗ trợ, giúp đỡ các trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Do tích cực khắc phục, cộng thêm được sự hỗ trợ của các đoàn thể, chính quyền nên công tác chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018 đã cơ bản theo đúng kế hoạch. Không có trường hợp nào vì ảnh hưởng mưa lũ mà phải thay đổi kế hoạch khai giảng. Trong sáng 5-9, đồng loạt các trường trên địa bàn huyện đều tổ chức khai giảng năm học mới.
Thậm chí năm học mới này, mọi cấp học của huyện đều tăng. Hệ mầm non tổng số 174 nhóm lớp, với 5.264 cháu (tăng 15 nhóm lớp, tăng 451 cháu so với năm học 2016-2017). Cấp tiểu học có 247 lớp, 8.382 học sinh (tăng 2 lớp, tăng 151 học sinh). Cấp Trung học cơ sở có tổng số 145 lớp, 5.320 học sinh (tăng 16 lớp, tăng 724 học sinh).
Người thân đem quần áo lên cho các em
Ngồi trú mưa chờ khai giảng
HS Giang Thi Dơ - lớp 2B
Mua A Chơ- lớp 5B tìm quần áo
Ngay sau lễ khai giảng, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tỉnh đoàn Yên Bái, Thành đoàn TP.HCM và Tỉnh đoàn Lâm Đồng cùng phối hợp tổ chức "Ngày hội cùng em tôi đến trường".
Tại đây, Ban tổ chức đã trao tặng kinh phí 200 triệu đồng để xây dựng "Nhà bán trú cho em" cho học sinh Trường dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kim Nọi; trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi (2 triệu đồng/suất); trao 124 suất học bổng cùng em tôi đến trường cho học sinh vùng lũ (500.000 đồng/suất); tặng 80 bộ bàn ghế học sinh (40 triệu đồng).
Ban tổ chức cũng tặng học sinh vùng lũ các bộ trống nghi thức Đội, quần áo rét và nhiều phần quà cho học sinh vùng lũ Mù Cang Chải.
Anh Nguyễn Phi Long, bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN và ông Nguyễn Văn Khánh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) tặng học bổng "cùng em tôi đến trường" cho 124 HS vùng lũ Mù Cang Chải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận