Trong bài 19 sách giáo khoa Lịch sử - Địa lý (bộ sách Chân Trời Sáng Tạo do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành), trang 77 có một hình ảnh về "mộc bản" của triều Nguyễn. Học đến bài này, nhìn thấy hình "kỳ kỳ", một số học sinh lớp 8 tại TP.HCM đã so sánh với chữ viết tiếng Trung hiện đại và thấy chữ bị trái chiều.
Theo ghi nhận, trang 77 sách Lịch sử - Địa lý 8 bộ Chân Trời Sáng Tạo thuộc bài 19, mục 4. Tình hình văn hóa. Trong đó, dưới hình 19.9 ghi: "Châu bản và mộc bản. Châu bản: Bản dụ năm 1835 của Minh Mạng về thưởng phạt những người đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ vẽ bản đồ. Mộc bản: Bìa bộ Hoàng Việt luật lệ năm 1813".
Hình 19.9 gồm hai hình liền nhau đều bằng chữ Hán, trong đó một hình chụp lại như một tấm gỗ được khắc 4 chữ Hán mà nhiều học sinh cho là "sách giáo khoa in ngược hình vì chữ bị trái".
"Em nghĩ sách giáo khoa in hình ngược nên hỏi cô giáo có phải không? Hình này có nghĩa là gì? Cô giáo xác nhận nó bị ngược nhưng cô nói để cô trả lời về ý nghĩa sau" - một học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở TP.HCM nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ và cho biết nhiều học sinh ở lớp em hoàn toàn không hiểu gì về hai hình ảnh bằng chữ Hán được đăng tải ở trang 77 này.
"Em học tiếng Trung nên khi nhìn hình em băn khoăn tự hỏi sao chữ Hán này nó bị ngược vậy. Ở nhà đọc sách mãi nhưng em cũng không hiểu, đến lớp em hỏi nhiều bạn thì các bạn đều nói hình này bị ngược và chúng em đều không hiểu gì cả", một học sinh khác nói thêm.
Một giáo viên THCS dạy môn lịch sử nhận xét: "Với hai hình vẽ về các chữ ngày xưa (chữ Hán) và chú thích kiểu đó, nói thật ngay cả giáo viên chúng tôi cũng không hiểu gì. Học sinh hỏi tôi cũng "ngớ người" luôn.
Đã là sách giáo khoa thì phải tường minh, chú thích rõ ràng nhưng ở đây học sinh và giáo viên cũng không biết hình nào với hình nào, châu bản là gì, mộc bản là gì. Vì thiếu chú thích như vậy nên học sinh và cả giáo viên đều tưởng sách giáo khoa in bị lỗi, bị ngược".
Trả lời Tuổi Trẻ, TS Vũ Thị Thanh Trâm, giảng viên bộ môn Hán Nôm - khoa văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết hình ảnh 19.9 bị học sinh cho là ngược chính là hình mộc bản của bìa bộ "Hoàng Việt luật lệ" dưới triều Nguyễn.
"Hình 19.9 phía phải trong sách giáo khoa lịch sử lớp 8 nói trên không phải bị in ngược mà in đúng chiều. Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn.
Mộc bản phải khắc ngược thì khi bôi mực lên, dập giấy mới cho ra những cuốn sách đúng chữ, mới đọc được. Vì thế, nếu người nhìn không biết đây là hình về mộc bản thì cứ tưởng là hình bị ngược. Với chữ Hán, vì giáo viên, học sinh và nhiều người không biết loại chữ này nên sẽ tưởng bị ngược", cô Trâm nói.
Vì thế, cũng theo TS Vũ Thị Thanh Trâm, để tránh hiểu nhầm cho học sinh, giáo viên, sách giáo khoa cần chú thích rõ ràng cho hình ảnh được sử dụng. Ngoài ra, đối với hình ảnh mộc bản như thế này, sách giáo khoa nên in cả hình mộc bản và hình của bản giấy để học sinh, giáo viên có thể hiểu thêm về ý nghĩa của hình ảnh mang lại.
"Mộc bản" sách Hoàng Việt luật lệ là gì?
Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ là những tài liệu gốc rất đáng tin cậy đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử pháp luật Việt Nam nói riêng. Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ là những bản gỗ khắc chữ Hán ngược để in ra sách Hoàng Việt luật lệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận