Học sinh lớp 9 chế tạo xe thu gom rác di động

LÊ DÂN - HỮU SONG
LÊ DÂN - HỮU SONG

TT - Nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Trường Long A (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đã chế tạo thành công xe thu gom rác di động.

Sản phẩm này đoạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học tỉnh Hậu Giang lần thứ 1-2014.

Cậu học trò chế tạo robotHội thi khoa họcBản lĩnh của học sinh VN tại hội chợ khoa học quốc tế

LAbyT0ek.jpg
Thầy Sử Khắc Huy (bìa trái) và nhóm học sinh chế tạo máy thu gom rác di động - Ảnh: Hữu Song

Ý tưởng chế tạo xe thu gom rác di động dựa trên nguyên tắc hoạt động của máy gặt đập liên hợp của học sinh Huỳnh Văn Thiên (lớp 9A2) xuất phát từ việc thấy bạn bè trong trường thu gom rác, công nhân vệ sinh đi thu gom rác bằng tay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đó, Thiên rủ thêm bạn cùng lớp Phạm Thị Nhi và bạn Võ Văn Còn (lớp 9A1) tham gia, Thiên làm nhóm trưởng.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, phải mất thời gian bốn tháng mày mò, phác thảo, tìm mua nguyên vật liệu, hàn lắp vào tháo ra cắt xén chỉnh sửa, rồi lại lắp vào... chiếc xe thu gom rác di động dần được hình thành. Thầy giáo Sử Khắc Huy cho biết lúc đầu các em làm bông trục lớn chỉ bằng thanh sắt, xe chạy bị vướng lại, rồi sức bật khi đưa rác vào trục quá yếu.

“Tôi cố nghĩ để giúp các em khắc phục hạn chế này nhưng không ra. Tuy nhiên, các em lại nghĩ ra cách khắc phục bằng cách dùng những sợi dây gân có đường kính 8-10mm thay thế làm thanh răng cho trục quay”- thầy Huy thán phục.

Giá thành của xe thu gom rác di động chỉ khoảng 750.000 đồng. Xe chạy thử nghiệm thu gom rác ở sân trường đã giúp việc thu gom rác được nhanh hơn, sạch sẽ hơn, bảo vệ sức khỏe học sinh vì không phải thu gom rác bằng tay. Tuy nhiên, nhược điểm xe thu gom rác di động chỉ hoạt động tốt ở địa hình bằng phẳng, chưa thu gom được rác nặng và lớn. Cần phải cải tiến bông trục lớn để xe có thể hoạt động tại địa hình không bằng phẳng, đồng thời tạo lực từ bánh xe lớn hơn để lực kéo mạnh có thể thu gom các loại rác lớn...

“Em tính thay một số chi tiết nhỏ để có thể thực hiện thêm một số chức năng khác như: máy chặn phía dưới gắn thêm giống như lưỡi gà tôngđơ cắt tóc, có thể vừa cắt cỏ vừa gom cỏ lên xe, hay phía sau gắn thêm xe đạp để khỏi cần đẩy xe” - học sinh Thiên chia sẻ.

Học tái chế rác thải

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa thực hiện thí điểm “Góc môi trường” tại hai trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 và Nguyễn Thái Sơn, quận 3. Giáo viên và học sinh được tập huấn kỹ năng phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp, túi nilông phế thải thành các sản phẩm có ích, nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho học sinh tiểu học, nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng.

Trong năm 2014, hoạt động này sẽ tiếp tục được triển khai tại 22 trường tiểu học ở các quận huyện còn lại, với sự hỗ trợ từ nhân viên phụ trách môi trường của Công ty Tetra Pak Việt Nam.

LÊ DÂN - HỮU SONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên