Cứ Thị May và vết bầm tím do bị đánh - Ảnh: T.TÙNG
Cha mẹ gặng hỏi mãi, em mới kể bị cô giáo dùng thước đánh vì viết chữ xấu. Gia đình đã đưa em M. đi khám. Theo kết quả xác định thương tật của Bệnh viện Đa khoa Mường Nhé, em C.T.M. bị tổn thương đa cơ và gân tầm cẳng tay; tổn thương nông ở đầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Kiên - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé - xác nhận sự việc phụ huynh của em C.T.M. phản ảnh là đúng.
Theo ông Kiên, giáo viên đánh em M. là cô Tao Thị Linh, sinh năm 1970. Cô Linh là người dân tộc Thái, rất có trách nhiệm với công việc.
"Việc đánh học sinh là hành động ngành GD-ĐT không chấp nhận được, nhưng cũng xuất phát từ mục đích muốn rèn chữ cho học sinh. Chúng tôi không bênh cô giáo, nhưng trong quá trình kiểm tra sự việc thì thấy cô giáo không có động cơ xấu, chỉ do phương pháp không đúng nên làm tổn thương học sinh" - ông Trần Ngọc Kiên chia sẻ quan điểm.
Tuy vậy, theo ông Kiên, sau khi cô Tao Thị Linh giải trình bằng văn bản, Phòng GD-ĐT và ban giám hiệu Trường tiểu học Nậm Pố đã họp thành lập hội đồng kỷ luật và có quyết định kỷ luật cô giáo ở mức cảnh cáo, không nâng lương trong 6 tháng. Mức kỷ luật có hiệu lực trong 12 tháng.
Đồng thời, Phòng GD-ĐT Mường Nhé yêu cầu nhà trường rút kinh nghiệm sâu sắc cho giáo viên trong việc rèn học sinh, nghiêm khắc nhưng không được sử dụng các biện pháp bạo lực, làm tổn hại đến học sinh tương tự việc cô Tao Thị Linh đã làm.
Trong tường trình của cô Tao Thị Linh, có vài học sinh bị cô dùng thước đánh. Nhưng những học sinh khác bị nhẹ hơn. Tình huống đánh học sinh đều xuất phát từ việc cô muốn học sinh rèn chữ đẹp hơn.
Đáng nói là chiếc thước của cô giáo bằng sắt nên khi đánh học sinh trong trạng thái bức xúc, việc tổn thương thân thể học sinh là khó tránh khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận