Sáng 12-3, khoảng 100.000 học sinh lớp 11 tại Hà Nội đã làm bài khảo sát môn ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều học sinh làm bài thi môn toán, hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 90 phút.
Học sinh lớp 11 học theo chương trình giáo dục trung học phổ thông và học viên lớp 11 học theo chương trình giáo dục thường xuyên đều tham gia khảo sát với 2 môn này. Nội dung kiểm tra nằm trong phạm vi chương trình giáo dục được học tính đến thời điểm được kiểm tra.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cho học sinh lớp 11 tham gia làm bài khảo sát chất lượng nhằm giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Mọi năm, hoạt động này chỉ áp dụng với học sinh lớp 12.
Vào tháng 4 tới, học sinh lớp 12 sẽ tham gia làm bài khảo sát chất lượng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Việc tổ chức khảo sát nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu của chương trình. Từ đó cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, giúp học sinh điều chỉnh việc học tập, rèn luyện.
Từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn, gồm hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn.
Ngoài ra thí sinh được chọn hai môn trong các môn còn lại trong chương trình phổ thông, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Điểm mới cấu trúc, định dạng đề thi
Đề thi ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có hai phần: đọc hiểu và viết với cách tính 4 điểm và 6 điểm cho hai phần, tổng điểm là 10. Thời gian thi là 120 phút.
Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Điểm mới của cấu trúc định dạng đề thi từ năm 2025 với các môn này là có nhiều dạng thức trắc nghiệm. Phần 1 của đề thi là dạng trắc nghiệm có nhiều lựa chọn (4 phương thức, chọn 1) đã quen thuộc nhiều năm qua. Đây là dạng có số lượng câu hỏi nhiều nhất. Mỗi câu hỏi đúng được 0,25 điểm.
Phần 2 là lựa chọn đúng sai. Mỗi câu hỏi trong dạng này có 4 ý. Thí sinh lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.
Số câu hỏi ở dạng này thường chiếm tỉ lệ ít nhất so với tổng bài. Với phần này, theo ông Nguyễn Ngọc Hà - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có thể kiểm tra đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong 1 câu hỏi.
Phần 3, gồm các câu hỏi ở dạng trả lời ngắn. Ở phần này thí sinh phải tự đưa ra đáp án mà không có đáp án sẵn để chọn. Đây là phần gần với cách thức thi tự luận đòi hỏi thí sinh phải tư duy, lập luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận