23/02/2025 10:20 GMT+7

Học sinh e ngại AI, hỏi chọn ngành nào để không bị ảnh hưởng

Ngành nghề nào bị AI thay thế hoàn toàn trong tương lai? Liệu AI có lấy mất công việc của con người? Học sinh băn khoăn tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ.

Tư vấn tuyển sinh tại Phú Yên, Khánh Hòa: Học sinh hỏi nhiều về AI - Ảnh 1.

Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại chương trình tư vấn tuyển sinh ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) - Ảnh: LÂM THIÊN

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 22-2 tại TP Tuy Hòa, Phú Yên và huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa thu hút hàng ngàn học sinh tham dự.

Sự hỗ trợ của AI trong công việc

Tại buổi tư vấn diễn ra ở Trường ĐH Xây dựng miền Trung (Phú Yên), bạn Nguyễn Bảo Hoàng (học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Gia Tự) băn khoăn trong tương lai ngành nghề nào bị công nghệ thông tin thay thế hoàn toàn.

Trong xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhiều học sinh ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cũng lo ngại AI sẽ thay thế nhiều công việc trong tương lai.

"Ngành luật bị ảnh hưởng thế nào khi AI ngày càng phát triển? Ngành này có khả năng bị AI thay thế hoàn toàn hay không? Rất nhiều thầy cô đã nói với em rằng y dược là một nghề đáng để theo đuổi và em đang cố gắng để thi vào. Liệu ngành dược có bị AI thay thế trong tương lai?" - Bảo Hoàng thắc mắc.

ThS Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Luật TP.HCM - khẳng định không chỉ trong ngành luật mà tất cả các ngành nghề đều cần sự hỗ trợ của AI trong việc cung cấp thông tin.

"Ví dụ, trong lĩnh vực pháp luật hình sự, khi định danh tội phạm và định lượng hình phạt, đòi hỏi phải có tư duy của con người mới có thể đánh giá đúng động cơ, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội và bản chất sự việc để đưa ra bản án phù hợp.

Vì vậy, tôi khẳng định rằng AI không thể thay thế cho những người làm việc trong ngành luật. Cách hỗ trợ như thế nào thì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể trong các tình huống pháp luật" - thầy Hiển nhấn mạnh.

Tương tự PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cũng khẳng định AI không thay thế được những người làm việc trong lĩnh vực y dược.

"Nhưng những người không sử dụng AI sẽ bị thay thế bởi những người có khả năng sử dụng AI. Việc sử dụng AI có hỗ trợ cho tất cả các ngành, trong đó có ngành y dược. Ví dụ, trong lĩnh vực chẩn đoán chẳng hạn. AI sẽ hỗ trợ việc từ kết quả xét nghiệm và từ kết quả hình ảnh để nhận xét xem người đó có khả năng mắc bệnh hay không.

Như vậy các bạn sẽ thấy rằng AI là một phương tiện rất tốt. Thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm, người ta đã sử dụng AI. Với những thuật toán học sâu và học máy, AI đã giúp những người có kinh nghiệm trở nên tự tin hơn khi nhìn vào kết quả mà AI đã gợi ý" - thầy Khôi giải đáp.

Trả lời câu hỏi của một số học sinh, theo học ngành dược bậc ĐH có cần ngoại ngữ hay không, thầy Khôi cho biết không chỉ ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM mà tất cả các trường ĐH đều có quy định chuẩn ngoại ngữ đầu ra.

"Các em gặp khó khăn về ngoại ngữ là do trong quá trình học ở phổ thông. Đôi lúc chúng ta không tập trung vào việc học ngoại ngữ hoặc điều kiện học không phù hợp, nên khi lên ĐH các bạn sẽ mất nhiều thời gian để rèn luyện ngoại ngữ.

Ngoại ngữ là cánh cửa mở ra kho tàng tri thức trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực y dược. Tôi nghĩ các bạn lúc đầu sợ ngoại ngữ, nhưng nếu có phương pháp học tập tốt sẽ thấy học ngoại ngữ cũng dễ dàng chứ không quá khó" - thầy Khôi chia sẻ.

Ngoại ngữ là cánh cửa mở ra kho tàng tri thức trong tất cả các lĩnh vực. Tôi nghĩ các bạn lúc đầu sợ ngoại ngữ nhưng nếu có phương pháp học tập tốt sẽ thấy học ngoại ngữ cũng dễ dàng chứ không quá khó.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi (trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Các ngành nghề đều bị tác động bởi AI

Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng thắc mắc ngành công nghệ sinh học có thể trở thành một ngành phát triển trong tương lai tại Việt Nam. Chọn học ngành này có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm hay không trong thời công nghệ, AI phát triển mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khi nói tới công nghệ sinh học có thể hiểu là việc ứng dụng những thành tựu của sinh học vào cuộc sống. Ví dụ như xét nghiệm, sản xuất vắc xin để phòng bệnh hay trong lĩnh vực dược chiết xuất các hoạt chất để tạo ra dược liệu và giảm dần việc sử dụng hóa chất.

Trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra giống cây trồng mới, vật nuôi mới; xử lý môi trường để sản xuất, an toàn hơn...

"AI có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế vai trò của con người. Tôi nghĩ rằng không phải sinh học mà tất cả ngành AI chỉ hỗ trợ chứ không thể thay thế vai trò của con người. AI do con người tạo ra, nên các em đừng lo ngại. Nếu ngành nghề nào đó mất đi thì ngành nghề khác sẽ thay thế" - thầy Hùng nói.

ThS Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho hay hiện Nhà nước có một chiến lược phát triển về công nghệ sinh học từ nay đến năm 2030. Ngành này ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y sinh, y tế, danh mục thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp và thậm chí là ứng dụng AI trong công nghệ sinh học.

Thầy Quán cũng khẳng định tất cả các ngành nghề đều bị tác động bởi AI. AI do con người tạo ra, vì vậy đối với sự phát triển của khoa học công nghệ, nó sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều việc, đặc biệt là những lĩnh vực tự động hóa.

"Các bạn cứ yên tâm học những ngành mình yêu thích. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng và công cụ AI. Vì vậy hãy sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất để đạt được thành công" - ông Quán khuyên.

Sáng nay 23-2, chương trình tư vấn tuyển sinh tại Nha Trang

Tư vấn tuyển sinh tại Phú Yên, Khánh Hòa: Học sinh hỏi nhiều về AI - Ảnh 2.

Học sinh huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - Ảnh: TRẦN HOÀI

Chương trình tư vấn tại Trường ĐH Khánh Hòa sáng 23-2 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Sở GD-ĐT Khánh Hòa, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, Trường ĐH Khánh Hòa phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Ban tư vấn gồm đại diện Bộ GD-ĐT, lãnh đạo nhiều trường ĐH lớn ở TP.HCM cùng chuyên gia tuyển sinh của các trường địa phương.

Tại buổi tư vấn, đại diện Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp giải đáp "nóng" những nội dung liên quan đến quy chế tuyển sinh sửa đổi như bỏ xét tuyển sớm, cộng điểm ưu tiên, tổ hợp môn xét tuyển...; đồng thời cập nhật những thay đổi chính thức mới nhất về quy chế, từ đó giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho mùa tuyển sinh ĐH sắp tới.

Đến với buổi tư vấn này, học sinh và phụ huynh sẽ được giải tỏa mọi băn khoăn trên. Các chuyên gia tư vấn cũng đưa lời khuyên về xu hướng ngành nghề của xã hội trong những năm tới. Bên cạnh đó, thí sinh cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thông tin của các trường ĐH-CĐ, trung cấp ở gian tư vấn của các trường tại chương trình này.

Tư vấn tuyển sinh tại Phú Yên, Khánh Hòa: Học sinh hỏi nhiều về AI - Ảnh 3.Học sinh Phú Yên thích thú trải nghiệm ngành học tại ngày hội tư vấn tuyển sinh

Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Phú Yên, gian tư vấn của các trường thu hút đông học sinh đến nghe trực tiếp về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm...

Tư vấn tuyển sinh tại Phú Yên, Khánh Hòa: Học sinh hỏi nhiều về AI - Ảnh 2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên