Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Theo đó, những khoản như học phí, viện phí... sẽ không còn nằm trong danh mục phí, lệ phí mà chuyển sang cơ chế giá thị trường.
Theo ông Dũng, mục đích của dự án luật nhằm “khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công”.
Loại nhiều khoản phí gây bức xúc
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thực hiện pháp lệnh phí và lệ phí, năm 2006 Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chi tiết danh mục với 171 khoản phí.
Đến nay sau khi rà soát, Chính phủ dự kiến danh mục phí kèm theo dự án luật sẽ bao gồm 51 khoản phí (trong đó có 36 khoản phí kế thừa danh mục phí hiện hành và 15 khoản phí đang được quy định tại các luật chuyên ngành).
Đối với lệ phí, dự kiến danh mục gồm 39 khoản (trong đó 30 khoản kế thừa danh mục lệ phí hiện hành và 9 khoản lệ phí đang được quy định tại các luật chuyên ngành).
Thẩm tra sơ bộ dự án luật này, thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng phí và lệ phí là những khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nên cần phải nâng lên thành luật.
“Chế độ quản lý các khoản thu từ phí, lệ phí thiếu thống nhất; nhiều khoản thu, chi từ phí, lệ phí chưa đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tình trạng lạm thu hoặc bỏ sót nguồn thu vẫn diễn ra; chế độ quản lý thu nộp, sử dụng phí, lệ phí thiếu thống nhất, sử dụng còn lãng phí, thiếu minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Thực hiện cơ chế thị trường về phí đối với một số khoản phí có tính chất dịch vụ còn chậm, chưa đảm bảo theo lộ trình” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết.
Riêng với viện phí, học phí, thường trực ủy ban này “nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí, thực hiện theo cơ chế giá. Viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá”.
Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để loại ra khỏi danh sách những khoản phí, lệ phí gây bức xúc cho nhân dân như phí sử dụng lòng, lề đường...
“Vẫn còn mênh mông quá”
Đó là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu về danh mục phí và lệ phí tại dự luật này.
“Đọc trong danh mục của ta có đến 51 loại phí, 39 lệ phí thấy rộng quá, mênh mông quá. Trong khi luật của Thái Lan người ta chỉ quy định có sáu nhóm. Không có nước nào quy định danh mục nhiều như ta, có nhiều loại phí chúng ta hoàn toàn có thể chuyển sang giá dịch vụ” - ông Giàu bày tỏ.
Trong khi đó, thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng phạm vi điều chỉnh theo như dự thảo luật bao gồm cả phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện là quá rộng, chưa thật sự phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong một số lĩnh vực cần khuyến khích.
“Đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện.
Các dịch vụ do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện sẽ được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế” - ông Phùng Quốc Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với quan điểm này và cho rằng: “Đây là bước để chúng ta chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong cơ chế thị trường, tạo cơ chế thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hơn”.
Dự án luật sẽ tiếp tục được Chính phủ chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp giữa năm 2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận