10/02/2020 09:35 GMT+7

Học online, tại sao không?

TS HỒ THIỆU HÙNG
TS HỒ THIỆU HÙNG

TTO - Dịch corona đang đặt nhà trường trước một lựa chọn vô cùng khó khăn: muốn kịp kết thúc chương trình năm học, tiến hành các kỳ thi cử thì phải sớm mở cửa trường bởi nghỉ hai tuần sau tết và có thể dài hơn nữa đã là quá nhiều rồi.

Mặt khác, dịch chưa biết khi nào kết thúc, để học sinh đến trường mà khả năng lây lan còn lơ lửng trên đầu thì không ai an tâm. Lỡ trường học thành ổ dịch một khi thuốc đặc trị, phác đồ điều trị đều chưa có thì sao?

Giải pháp tình thế của không ít trường hiện nay là các giáo viên rành sử dụng điện thoại thông minh cùng nhau "tự phát" hướng dẫn học sinh ôn tập qua mạng: theo nhóm Zalo, Facebook, học theo trang web mà không ít trường đã có... 

Giải pháp này sẽ giúp học sinh và giáo viên không phí thời gian quý báu, lại giúp trẻ không bị mất trớn học, đỡ "nhàn cư" mà "quậy phá"... Nhưng chất lượng hình ảnh do tự quay tự phát, chất lượng bài giảng sẽ không chuẩn.

Giải pháp mang tính tự phát này gợi ý một giải pháp căn cơ hơn: tổ chức học online cho học sinh thành phố. Kiểu học online thì đã có từ chục năm nay ở nhiều nước, hầu hết các gia đình đều đã có tivi màu, trẻ trong độ tuổi đi học từ THCS trở lên đều khá thành thạo điện thoại thông minh. 

Tại sao thành phố chúng ta không thể tổ chức việc dạy ôn tập, cao hơn là dạy bài mới theo kiểu online? Tại sao cha mẹ không thể tạo điều kiện cho con học online?

Có thể hình dung hoạt động này như sau: Sở GD-ĐT mời các giáo viên giỏi nhất theo từng bộ môn ở từng cấp lớp giảng bài trên truyền hình theo đúng phân phối chương trình năm học, bài giảng được ghi hình một cách chuyên nghiệp và được phát đi phát lại theo khung giờ cố định do Sở GD-ĐT thỏa thuận cùng đài truyền hình hoặc trên trang web giáo dục nào đó. 

Giáo viên ở từng trường có trách nhiệm lập các nhóm trên mạng xã hội để giải đáp thắc mắc, phụ đạo qua mạng cho học sinh lớp mình vẫn dạy.

Tin rằng việc này sẽ giúp cho đại đa số học sinh, ít nhất là lớp 9 và lớp 12 theo kịp chương trình năm học và được phụ đạo, giải quyết thắc mắc kịp thời, thậm chí có thể làm bài tập, được học nhóm với nhau, được chấm bài qua mạng, được kiểm tra trình độ. 

Chất lượng hình ảnh chắc chắn sẽ tốt hơn so với hình ảnh do tự giáo viên quay và tự phát qua điện thoại thông minh. Chất lượng bài giảng cũng sẽ bảo đảm hơn vì do các giáo viên giỏi nhất truyền đạt.

Sẽ có người nghi ngờ về giải pháp này, viện cớ khó khăn này khác để rồi chọn cách khoanh tay chờ đợi ngày kết thúc đại dịch cho trường mở cửa trở lại. Nhưng cũng có nhiều người sẽ không khoanh tay chờ mà hành động một cách mạnh mẽ và thông minh để đưa giải pháp này vào thực tiễn. 

Có một quy luật: "khi cánh cửa này đóng lại thì có cánh cửa khác mở ra". 

Cánh cửa nhà trường hiện đã tạm đóng rồi, cánh cửa học online đang có dịp mở ra. Và tin rằng ngay cả khi cửa nhà trường mở lại thì cánh cửa học online vẫn sẽ tiếp tục rộng mở thêm, đón nhận những người học mới đủ cấp lớp, đủ mọi lứa tuổi.

Giữa thời dịch corona, trường học dùng E-Learning sao cho hiệu quả? Giữa thời dịch corona, trường học dùng E-Learning sao cho hiệu quả?

TTO - Khi học sinh, sinh viên phải nghỉ học vì corona, nhiều trường chuyển sang hình thức học ứng dụng công nghệ (E-Learning). Tuy nhiên, sử dụng E-Learning sao cho hiệu quả vẫn là điều khiến nhiều trường đau đầu.

TS HỒ THIỆU HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên