19/11/2021 09:36 GMT+7

Học chuyên toán, đi theo nghiệp dạy tiếng Anh

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Từng là học sinh chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), bạn Lê Đình Lực (29 tuổi) sau đó khiến nhiều người ngạc nhiên vì quyết định đi theo con đường khác xa đam mê ban đầu.

Học chuyên toán, đi theo nghiệp dạy tiếng Anh - Ảnh 1.

Đình Lực (đứng) thảo luận công việc với các đồng nghiệp - Ảnh: NHẬT MINH

"Tôi tin là kiến thức không bổ dọc thì cũng bổ ngang, và lối tư duy nhờ toán học giúp tôi rất nhiều trong công việc", Đình Lực chia sẻ quan điểm.

Càng khó, càng phải chinh phục

Quay trở lại thời điểm đầu năm lớp 10, Đình Lực lúc đó gặp nhiều cú sốc lớn khi từ tỉnh Gia Lai vào TP.HCM trọ học. 

"Tôi còn nhớ cảm giác ngột ngạt khi phải chen chúc cùng người khác ở trong căn phòng trọ rộng 8m2, vì ở ngoài quê thì mọi thứ rộng rãi hơn nhiều. Và mức sống thành phố lớn đắt đỏ đến mức phần cơm hộp chỉ có hai cọng rau. Tài sản lớn nhất là 100 cuốn tập được tỉnh thưởng trước đó", bạn bật cười nhớ lại.

Trưởng thành từ phố núi nhưng Đình Lực cho biết bản thân may mắn khi xuất thân trong một gia đình hiếu học. Dẫu vậy, bạn vẫn bị choáng mỗi khi bước vào tiết học tiếng Anh lớp 10. 

"Trong khi tôi học rất trầy trật và điểm 3, điểm 5 như cơm bữa thì nhiều bạn trong lớp chuyên toán đã có điểm IELTS 8.0 hoặc trước đó học trường chuyên Anh như Trần Đại Nghĩa. Tôi hoảng sợ khi nghĩ đến việc mình sẽ không còn là học sinh giỏi", bạn chia sẻ.

Thay vì chỉ sống trong nỗi ám ảnh từng đêm, bạn quyết tâm đưa ra lời giải cho "bài toán" này. Thay vì mỗi ngày dành 14 tiếng để giải toán, bạn giảm thời gian cho toán xuống còn một nửa và một nửa cho tiếng Anh. 

Hành trình đó không dễ dàng, có những lúc bạn thức xuyên đêm để luyện nghe hoặc tra nhiều lần, lắp ghép các từ để tìm hiểu các đoạn văn ngắn trong sách tiếng Anh. Nhưng thử thách càng khó càng thôi thúc bạn phải chinh phục, từ đó tìm ra những cách thức học nhanh và hiệu quả. Do khả năng tự học và tư duy của người học toán, Đình Lực sau đó dần bắt kịp nhịp học với bạn bè.

Tốt nghiệp cấp III và thi đậu vào Đại học Kinh tế TP.HCM, Đình Lực bỗng rơi vào trạng thái chán nản với việc học, chẳng biết nên chọn hướng đi gì tiếp theo. Bạn cũng thất bại trong việc xin học bổng du học dù điểm số trung học lẫn điểm TOEFL đều cao, từng đoạt giải cấp thành phố về môn toán.

"Tôi chọn gap year (khoảng thời gian thường được các bạn trẻ phương Tây ngừng các hoạt động học tập chính khóa để tìm hiểu rõ hơn về bản thân - PV). Và khi quay trở lại giảng đường, tôi quyết tâm học lấy hai bằng cùng lúc như lời xin lỗi cha mẹ về việc ra trường trễ một năm so với chúng bạn", bạn cho biết.

Bạn tốt nghiệp đại học hai bằng với một bằng loại giỏi, sau đó lấy tiếp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của một trường đại học Úc. "Tôi định học thẳng lên tiến sĩ rồi quay về quê làm việc trong khối nhà nước như nguyện vọng của gia đình", Đình Lực cho biết.

Nào ngờ định mệnh lại dẫn bạn rẽ lối...

Biến áp lực thành động lực

Trong thời gian học thạc sĩ, bạn chọn dạy tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập. Lớp học thời điểm (năm 2016) đó mở tạm bợ ở phòng khách của khu chung cư Đình Lực sinh sống. Sau một thời gian mở lớp, bạn nhận ra việc dạy học đem lại niềm vui đặc biệt cho bản thân mỗi buổi sáng thức dậy. 

Song song đó, số học viên "truyền miệng" khen khiến lượng người theo học tăng đáng kể. Đình Lực nhận ra đam mê mới cũng chính là cơ hội mới của bản thân, và quyết định đầu tư mọi thứ nghiêm túc hơn, bắt đầu tuyển nhiều giảng viên tiếng Anh để cùng lèo lái "con thuyền" lớn hơn.

"Tôi áp dụng rất nhiều tư duy toán vào việc dạy tiếng Anh, chẳng hạn làm sao phải suy được công thức, thấy được bản chất của vấn đề để ứng dụng hiệu quả cho từng cá nhân. Tôi cũng áp dụng một số nguyên tắc siêu trí nhớ vào việc học từ vựng. Và tôi cũng nhận ra "điểm cộng" của công nghệ nên đầu tư rất nhiều vào khía cạnh này", Đình Lực nói. 

Nhờ xác định đúng hướng đi, hệ thống DOL IELTS Đình Lực sau đó trở thành một tên tuổi được nhiều người trong cộng đồng học tiếng Anh biết đến và ngày càng trở nên lớn mạnh.

Đại dịch COVID-19 ập đến, cũng như nhiều trung tâm ngoại ngữ khác, hệ thống của Đình Lực bị ảnh hưởng nặng nề. 

"Do dịch chập chờn nên số lượng học viên học trực tiếp không ổn định, có những lúc lượng học viên giảm 70% và có những lúc không còn ai đến lớp như trong đợt giãn cách nghiêm ngặt. Liên tiếp nhiều tháng tôi bị "bay" mất 600-700 triệu đồng học phí mỗi tháng trong khi chi phí nhân sự, tiền cơ sở vật chất và lãi vay ngân hàng vẫn còn đó. 

Tôi không thể hiện rõ ra ngoài nhưng ban đêm mất ngủ, và tôi cũng buồn vì biết mẹ rất lo và thương mình. Lúc đó tôi còn có gia đình nhỏ, con nhỏ", bạn nhớ lại giai đoạn sóng gió. Muôn vàn áp lực bủa vây, Đình Lực dành nhiều thời gian suy nghĩ và quyết tâm biến nguy thành cơ.

Đình Lực chia sẻ do đã đầu tư khá nhiều công nghệ từ những ngày đầu nên sau đó bạn dồn sức đẩy mạnh hơn nữa mảng này, cụ thể là trang dol.vn. Bạn cho giảng viên soạn lại các chương trình học, bài giảng và huấn luyện họ cách tương tác, chia nhóm dạy theo các cách thức giảng dạy hiện đại, cá nhân hóa...

"May mắn là nhiều học viên cho biết họ áp dụng hiệu quả. Phương pháp trên sẽ hiệu quả cả khi học viên học online thuần hay học kết hợp giữa online và trực tiếp. Nào ngờ hướng đi này chính là giải pháp hiệu quả" - Lực nói.

Chàng trai chia sẻ túi thuốc yêu thương cho bà con nghèo ở phum sóc Chàng trai chia sẻ túi thuốc yêu thương cho bà con nghèo ở phum sóc

TTO - 'Thuốc này uống khi mình sốt. Bịch muối nhỏ này pha với nước vừa đủ, gia đình mình súc miệng ngày 2 lần giúp em nha. Cố gắng lên, rồi chúng ta mau khỏe lại thôi', Văn Hổ cẩn thận dặn dò bà con là F0, F1 cách ly tại nhà.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên