20/07/2011 02:02 GMT+7

Học chữ bên bãi rác

MINH ĐĂNG
MINH ĐĂNG

TT - Cạnh bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng hai năm nay có một lớp học xóa mù chữ. Học trò là những nữ phu rác, tóc đã hoa râm, bàn tay chai sần, mặt hốc hác, duy chỉ ánh mắt là sáng lên mỗi khi chăm chăm với con chữ.

Read this on Tuoitrenews.vn

Đứng ở lớp học, mùi hôi từ bãi rác cách đó chừng 600m vẫn xông lên nồng nặc. Nhóm người đến thăm lớp học thỉnh thoảng phải đưa tay bịt mũi, làm lạc cả giọng nói. “Học trò” Nguyễn Thị Kim Yến, 30 tuổi, nhìn vậy cười: “Ăn thua chi, đây là giây phút trong lành, thảnh thơi nhất của chị em trong một ngày đấy”. Lớp học cứ tiếp tục gạt bỏ hết bên ngoài những mùi hôi, sự mệt mỏi và cả tiếng còi inh ỏi của xe chở rác - âm thanh vốn được ví là “tín hiệu sống” của gần 500 con người mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn.

Lớp học xóa mù chữ này do cô giáo Nguyễn Thị Ân, chủ tịch Hội phụ nữ phường Hòa Khánh Nam, chủ nhiệm và khai sinh. Người trẻ nhất 30 tuổi, lớn nhất 45 tuổi. Ban ngày họ gặp nhau trên bãi rác, tối đến lại chụm đầu chỉ cho nhau những âm vần vỡ lòng.

Vừa cúi người nắn nót từng nét chữ cái, “học trò” Nguyễn Thị Phượng cho biết: “Lâu lắm rồi mới đi học lại đây, khó, mỏi tay, mỏi lưng nhưng khôn ra nhiều điều”. 45 tuổi đời nhưng đã có gần 40 năm mưu sinh kiếm tiền. Lần đến trường gần nhất trong ký ức của chị là... 39 năm về trước. Chị kể hồi đó học gần xong lớp vỡ lòng thì bỏ học để theo hai anh trai đi chăn bò thuê. Lớn lên chút nữa thì đi ở, cắt cỏ thuê và rồi chị cũng không nhớ rõ mình sống bằng nghề nhặt rác đã 22 hay 25 năm.

Theo cô giáo Ân, có rất nhiều chị em phụ nữ mưu sinh tại bãi rác Khánh Sơn bị mù chữ. Điều này gây không ít khó khăn trong cuộc sống, nhất là việc thực hiện các thủ tục pháp lý, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Bên cạnh đó là nhận thức sai lệch về cách giáo dục con cái, dễ gây ra những hậu quả đau lòng. Vừa chép lại bài tập đọc, chị Thái Thị Dung vừa tâm sự với giọng đầy tiếc nuối: “Đến giờ chị mới nhận ra một điều rằng cha mẹ phải có học thức mới dạy con mình có được con chữ và cách làm người tốt hơn”. Nói rồi, chị lại tiếp lời khi đôi mắt ngấn lệ: “Con của chị ra nông nỗi như ngày nay một phần là do chị không làm tròn trách nhiệm, không giáo dục cháu đến nơi đến chốn”. Từ khi lập gia đình, chị cùng chồng tất bật sớm tối trên bãi rác để kiếm cái ăn, cái mặc cho cả gia đình. Mải mê, vất vả đến nỗi chuyện học hành của con bị bỏ bê. Con trai lớn của chị vì thiếu sự giám sát của cha mẹ, lại bị bạn bè rủ rê nên đã bỏ học, nghiện game, thiếu tiền rồi sinh ra trộm cắp. 14 tuổi đầu phải vào trại giáo dưỡng cũng là lúc người mẹ tần tảo ở tuổi 40 này khó nhọc lật từng trang sách tìm kiếm con chữ chỉ với hi vọng có được chút kiến thức và kinh nghiệm sống để dạy con sau ngày trở về.

MINH ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên