Phóng to |
Rất nhiều bạn trẻ Đà Nẵng tìm đến cuộc triển lãm để xem, mua sách về chủ quyền Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng sáng 20-1 - Ảnh: Đăng Nam |
Đến với cuộc triển lãm Tư liệu mới sưu tầm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tuổi Trẻ ngày 20-1) là cả triệu tấm lòng của con dân nước Việt. Dù 8g mới khai mạc nhưng sáng sớm, cả ngàn người đã có mặt. Họ là học sinh, sinh viên, có cả chiến sĩ hải quân, bộ đội biên phòng, cán bộ, công chức, những cụ già và cả em nhỏ cũng theo cha mẹ đến xem.
Nhân chứng sống
Triển lãm do UBND huyện Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức nhằm công bố, giới thiệu những tư liệu, hiện vật, hình ảnh và cả những nhân chứng, vật chứng sống động về quá trình khai phá, xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Buổi lễ khai mạc diễn ra trang nghiêm sau tròn 39 năm ngày nước Việt Nam mất Hoàng Sa. Đặc biệt, triển lãm có sự hiện diện của những nhân chứng lịch sử, những người từng làm việc, sinh sống và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc trên quần đảo Hoàng Sa, trong đó có những nhân chứng đã chứng kiến câu chuyện lịch sử đến cuối ngày 19-1-1974 - ngày Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đến buổi lễ từ rất sớm, ông Lê Lan (TP Hội An) đã lần dò xem hết những tấm bản đồ chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Với ông, Hoàng Sa gắn với bao nhiêu kỷ niệm thời trai trẻ và cả nỗi day dứt khi không giữ được dải đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cách đây 39 năm, lúc Trung Quốc nổ súng xâm lược quần đảo Hoàng Sa, ông Lan đang đồn trú tại đây để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo. Khi lính Trung Quốc tràn vào và dù đã hết sức chiến đấu nhưng ông Lan và đồng đội không thể giữ được đảo, thế là bất lực nhìn đảo Hoàng Sa bị cưỡng chiếm. “Lúc đó tôi bị bắt, rồi bị đưa về cầm tù ở Trung Quốc, một tháng sau đó tôi mới được trả về. Bao đời nay chúng ta đã quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa, thế mà Trung Quốc lại không chấp nhận sự thật đó. Vì vậy các bằng chứng tại cuộc triển lãm này có ý nghĩa rất lớn, giúp người dân hiểu được lịch sử cai quản Hoàng Sa của cha ông ta” - ông Lan nói.
Thiếu úy Lưu Văn Hải, công tác tại Vùng 3 hải quân, xúc động: “Đây là lần đầu tiên giới trẻ TP có cơ hội tìm hiểu, tận mắt chứng kiến các tư liệu cũng như lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Biết cuộc đấu tranh đòi chủ quyền phía trước còn cam go, nhưng người trẻ cần nhận thức được rằng Hoàng Sa là một phần của dân tộc và mình phải có nghĩa vụ tiếp tục đấu tranh đòi lại cho dân tộc”.
Có thể mang triển lãm đến tỉnh thành khác
Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, triển lãm sử dụng những tư liệu do nước ngoài và do chính Trung Quốc công bố có tính liên tục, nhất quán chứng tỏ Trung Quốc không có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Triển lãm cũng chứng tỏ không chỉ người Việt trong nước quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng một lòng hướng về Tổ quốc và có ý thức rất cao đối với việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng này, mà ông Trần Thắng là một tấm gương điển hình.
Tại buổi lễ, ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ: “Báo Tuổi Trẻ sẽ luôn đồng hành cùng mọi tầng lớp nhân dân trong mọi chương trình bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi mong muốn rằng cuộc triển lãm về Hoàng Sa lần này không chỉ dừng lại trong không gian này và chỉ kéo dài trong một tháng mà có thể lan rộng ra, mang triển lãm đến với nhiều tỉnh thành khác của đất nước”.
Phóng to |
Hàng ngàn người đã dự và chứng kiến cuộc triển lãm - Ảnh: Hữu Khá |
Triển lãm giới thiệu bốn nguồn tư liệu do các cơ quan, tổ chức ở Đà Nẵng đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và thẩm định, do những người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước đã kỳ công sưu tầm và hiến tặng cho Đà Nẵng. Đó là tập tuyển chọn những phần liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này trong 102 cuốn sách xuất bản tại các nước phương Tây trong các thế kỷ 18-19. Bên cạnh đó là 150 bản đồ và hai cuốn atlas do ông Trần Thắng trao tặng là những bản đồ được xuất bản ở các nước và lãnh thổ Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ, Hong Kong trong khoảng thời gian 1626-1980; trong đó có nhóm bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, nhóm bản đồ thương mại và bản đồ hàng hải châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận