01/10/2015 08:16 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh nhà đầu tư nước ngoài

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 ở Hà Nội ngày 30-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời gọi và nêu bốn biện pháp chính để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh (thứ ba từ trái sang) cùng các nhà đầu tư tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 ở Hà Nội ngày 30-9 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh (thứ ba từ trái sang) cùng các nhà đầu tư tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 ở Hà Nội ngày 30-9 - Ảnh: Reuters

Các biện pháp này bao gồm: nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tập trung cải thiện khuôn khổ pháp luật và khuôn khổ hành chính, nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; tiếp tục thay đổi, bổ sung chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp đối với thị trường tài chính; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Chúng tôi luôn hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài ổn định lâu dài ở Việt Nam. Thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của chúng tôi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Quan tâm cổ phần hóa DNNN

Tại diễn đàn lần này, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thông tin về việc cổ phần hóa và tư nhân hóa DNNN Việt Nam.

Thủ tướng cho biết qua 20 năm trải qua quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, từ số lượng hơn 12.000 DNNN ban đầu đến nay đã giảm khoảng 90%. Hầu hết DNNN được cổ phần hóa đều phát triển quy mô và kinh doanh có hiệu quả.

“Trong thời gian tới, sẽ ngày càng nhiều DNNN sau cổ phần hóa được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài để mua bán, sáp nhập các DNNN của Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các công ty tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, có công nghệ tham gia quá trình cổ phần hóa DNNN, mua bán sáp nhập DNNN Việt Nam” - Thủ tướng nói.

Trong khi đó, phiên thảo luận “Cổ phần hóa và tư nhân hóa DNNN” diễn ra rất sôi nổi với nhiều tranh luận từ các diễn giả.

Ông Phạm Quang Dũng, phó chủ tịch Tổng công ty Thăng Long, cho biết việc cổ phần hóa DNNN không nên tính theo số lượng mà nên tính theo giá trị cổ phiếu bán ra.

Qua những đợt đấu giá cổ phần gần đây, những DNNN mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay như MobiFone, Sabeco, hay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, giải thích: mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là muốn cổ phần hóa tất cả DNNN và mong muốn biến những công ty này thành những công ty lớn, khỏe mạnh thật sự thông qua sự hỗ trợ vốn, kinh nghiệm quản trị, chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Viết Muôn, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết Chính phủ Việt Nam từ đây đến cuối năm sẽ phê duyệt cổ phần hóa xấp xỉ 200 DNNN, với tổng giá trị chào bán ra thị trường khoảng 200.000 tỉ đồng, tương đương gần 10 tỉ USD.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong khi đó ông Andy Ho, giám đốc điều hành kiêm trưởng ban đầu tư Tập đoàn Vina Capital, cho biết đây là thời điểm tốt cho các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của các DNNN cổ phần hóa vì thị trường cổ phiếu Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 30% thị trường cổ phiếu trung bình trong khu vực.

Ông Andy Ho lấy một ví dụ điển hình: năm 2005, giá trị Vinamilk chỉ có 500 triệu USD nhưng bây giờ đã lên đến 5 - 6 tỉ USD.

Ông Andy Ho nói hiện có nhiều DNNN bán cổ phần nhưng lượng cổ phiếu thực tế được bán rất ít. Theo ông Đặng Quyết Tiến, trong tháng 10 Bộ Tài chính sẽ tổng kết danh sách các doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 90 ngày sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) để nhắc nhở và xử lý. Đối với những công ty đã cổ phần hóa nhưng chưa bán được tỉ lệ được giao thì sẽ bị thúc ép bán hết.

Cũng theo ông Tiến, Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện hết sức có thể cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán thông qua các chính sách như là nới room (tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) và bán theo lô để các nhà đầu tư mua được số lượng lớn cũng như thủ tục được thuận lợi hơn.

Ông Tiến cho biết để tạo điều kiện cho các DNNN dễ dàng hơn trong việc bán cổ phần cho các công ty nước ngoài, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tổ chức các hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu ở nước ngoài.

Quỹ đạo tăng trưởng mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với tỉ lệ lạm phát thấp, tăng trưởng nhanh, nhằm hướng đến phát triển bền vững với mức tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7% mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Thủ tướng, tính đến nay tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt 270 tỉ USD, với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó số vốn đã giải ngân đạt 135 tỉ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký mới hơn 17 tỉ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó số vốn giải ngân đạt gần 10 tỉ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2014.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên