Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu khi khai mạc lễ ký kết khởi động dự án - Ảnh L.THANH
Ông Claudio Dordi, giám đốc dự án cho biết: Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ 21.785.000 USD, (khoảng 495 tỉ đồng).
Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm (2019-2023) với mục tiêu cải cách, chuẩn hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ Việt Nam, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và Nhân dân Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: dự án được Chính phủ Việt Nam xác định là thiết thực, đúng thời điểm và cần thiết, đáp ứng được yêu cầu mong đợi của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định TFA và tổ chức triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
"Tôi xin khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những ưu tiên hợp tác và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cụ thể của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm giúp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam" - ông Huệ nhấn mạnh.
Về tạo thuận lợi thương mại, theo ông Huệ, trong công tác kiểm tra chuyên ngành, như báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 3 vừa qua, các mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành xuống còn 70.087 mặt hàng. Tức giảm 12.600 mặt hàng so với trước đó.
Cùng với các biện pháp chống gian lận thương mại, việc cắt giảm danh mục, các Bộ ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp như thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra.
Nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số HS, bãi bỏ những quy định không phù hợp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả ban đầu.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chuyên gia USAID đánh giá các cơ quan liên quan của Việt Nam cần cắt bỏ các thủ tục phức tạp, giảm thiểu các giấy tờ không cần thiết.
Bởi thách thức lớn nhất hiện nay mà Việt Nam cần tập trung giải quyết, là công tác chuyên ngành làm sao giảm thời gian thông quan hàng hóa nhiều hơn nữa. Để làm được việc này thì phải kiểm tra sau thông quan thay vì kiểm tra ngay tại cửa khẩu.
Đồng thời, cũng theo USAID, muốn giảm thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp thì cơ quan Hải quan phải quản lý dựa trên rủi ro. Và công tác quản lý rủi ro không chỉ ở cửa khẩu mà cả kiểm tra sau thông quan nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận