09/01/2018 15:15 GMT+7

Phó thủ tướng: 'Kiểm tra chuyên ngành để hành doanh nghiệp?'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Số lượng các lô hàng kiểm tra chuyên ngành lớn nhưng phát hiện rủi ro chỉ 0,14%, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi phải chăng hoạt động này đang hành doanh nghiệp.

Phó thủ tướng: Kiểm tra chuyên ngành để hành doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần chỉ rõ các bộ, ngành còn các thủ tục kiểm tra chuyên ngành phức tạp, nhiêu khê - Ảnh: THÀNH CHUNG

Phải chăng kiểm tra chuyên ngành là thủ tục để hành doanh nghiệp, trong khi một số lĩnh vực bỏ sót, một số lĩnh vực bộ nào cũng nhúng tay vào? Có bộ ban hành danh mục kiểm tra nhưng không có tiêu chuẩn quy chuẩn, vậy kiểm tra kiểu gì, kiểm tra thế nào, hay bày đặt thủ tục hành doanh nghiệp chứ không phải chống gian lận thương mại?

Phó thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Sáng 9-1, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo 1899) đã có cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và giải pháp năm 2018 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.

Cơ chế một cửa: Triển khai chậm

Đánh giá về kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tình hình triển khai còn rất chậm ở một số bộ ngành. 

Đơn cử tại Bộ Công thương mới triển khai chính thức được 6 thủ tục, đạt 54,1%; Bộ NN&PTNT đạt 37%; Bộ Khoa học - công nghệ mới chỉ có 1 thủ tục, đạt 7,7%; Bộ GTVT mới đạt 12,5%...

Báo cáo chung về tình hình thực hiện, trong năm 2017 đã thêm mới 8 thủ tục hành chính, nâng lên thành 47 thủ tục, triển khai cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không từ ngày 15-11-2017. Trong quý 1-2018 sẽ chuẩn bị đưa 17 thủ tục mới lên cơ chế một cửa quốc gia.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng với tỉ lệ các thủ tục hành chính về cơ chế một cửa quốc gia còn rất thấp, cần phải chỉ rõ nguyên nhân bất cập. 

Trong đó, các yếu tố khách quan như hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng kết nối, thuê ngoài dịch vụ, văn bản quy phạm pháp luật thế nào, hay do chỉ đạo điều hành, có bao nhiêu bộ chưa ban hành văn bản, chưa có chương trình hành động.

Đáng chú ý, số lượng lô hàng kiểm tra chuyên ngành đến nay vẫn ở mức cao lên tới 30 - 35%, trong khi mục tiêu đặt ra là 15%. 

Một nghịch lý được Phó thủ tướng đặt ra, là số lượng các lô hàng kiểm tra chuyên ngành lớn nhưng hiệu lực kiểm tra chuyên ngành rất kém, phát hiện rủi ro chỉ 0,14%.

Nhiêu khê vì kiểm tra chuyên ngành

Ông Nguyễn Văn Cẩn - tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết có tới 50% danh mục thủ tục kiểm tra chuyên ngành không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nằm ở các bộ. Hiện có 12 bộ ngành có hoạt động kiểm tra chuyên ngành, nhưng cơ quan hải quan cho rằng các bộ có nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp "kêu" nhiều nhất là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Hải quan cần phải làm rõ trong số 50% danh mục thủ tục kiểm tra chuyên ngành, những thủ tục nào còn chồng chéo, tỉ lệ cụ thể thế nào, ở bộ ngành nào? Cần làm rõ có bao nhiêu thủ tục kiểm tra mà không có tiêu chuẩn quy chuẩn, bởi nếu "không có địa chỉ rõ ràng thì khó có thể cải cách".

"Tinh thần là không chỉ tháo gỡ khó khăn mà tạo thuận lợi thương mại, chứ không thể có bế quan tỏa cảng, sách nhiễu" - Phó thủ tướng nhấn mạnh sau khi đặt hàng loạt câu hỏi.

Theo đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dựa trên kết quả khảo sát với trên 1.000 doanh nghiệp, có 25% doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% cho rằng bình thường và chỉ 8% cho biết các thủ tục thực hiện dễ. 

Nhiều lĩnh vực gây khó khăn cho doanh nghiệp như văn hóa, y tế, kiểm dịch động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa…

Phó thủ tướng cho rằng để đạt mục tiêu nghị quyết Chính phủ đề ra là trong năm 2018 phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đây là sức ép rất lớn và phải có đột phá. 

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần rà soát, đối chiếu danh mục thủ tục hành chính với kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp, chủ động triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Cụ thể, rà soát loại bỏ quy định chồng chéo, bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu, thu hẹp danh mục phải kiểm tra, chuyển sang hậu kiểm...

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên