Bên ngoài khu vực Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 16-4 với tháp nhọn và mái vòm bị sụp mất - Ảnh: NICOLAS PHẠM
... Vì có một chủ đề lấn át tất cả: Notre Dame de Paris hay nhà thờ Đức Bà Paris, nơi thằng gù Quasimodo giấu người yêu Esmeralda trong tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, đã bắt lửa dữ dội lúc 18h50 đêm 15-4.
Đến tận 3h sáng ngày hôm sau, cơn bão lửa khủng khiếp mới bị dập tắt, sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của hơn 400 lính cứu hỏa tinh nhuệ thành phố. Thiệt hại không thể đo đếm được, trong đó mũi tháp cao nhất 93m đã sụp đổ, toàn bộ mái nhà thờ bị thiêu cháy và dàn khung dài hơn 100m, toàn bộ là gỗ đại thụ, cũng không còn.
Ngay cả khả năng đứng vững của công trình bây giờ vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Paris run rẩy và cả thế giới tiếc nuối.
Giá trị của một chủ thể văn hóa thường do cộng đồng gắn liền với nó tạo ra. Nằm bên bờ sông Seine, nhà thờ Đức Bà Paris hơn 850 năm lịch sử được xây dựng suốt hai thế kỷ (từ thế kỷ 12 đến 14) và đã chứng kiến mọi thăng trầm của thành phố. Giờ đây đến lượt mình, biểu tượng của Paris đón nhận đại thảm họa.
Đối với mỗi người dân Paris, bất kể tôn giáo, nhà thờ Đức Bà không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là nơi ghi dấu những kỷ niệm khó quên của đời sống "Parisienne".
Người Paris đã quen sáng chủ nhật đi lễ và chìm trong không khí trang nghiêm do các vòm cung rất lớn tạo nên, hay ngắm nhìn những tranh kính (les vitraux) đặc trưng của phong cách Gothique rực rỡ trong ánh sáng chiều.
Những người trẻ thì chắc đã từng tụ tập với bạn bè trong một bữa tiệc thâu đêm nào đó ở quảng trường chính phía trước, nơi có cột mốc cây số 0 của nước Pháp. Những người đang yêu cũng thường đi dạo bên dưới những tàn cây của nhà thờ.
Công trình vẫn còn đó, nhưng trận hỏa hoạn lịch sử sẽ làm nó thay đổi không ít.
Nhìn rộng hơn, nhà thờ Đức Bà lớn hơn nhiều so với không gian mà nó án ngữ ngay trái tim Paris, bởi vì nó còn nằm trong trái tim của vô số những ai đã từng được tận mắt ngắm nhìn và cả những ai chỉ biết đến qua vô số các tác phẩm nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, và cả trò chơi điện tử trên toàn thế giới suốt hàng chục thế kỷ qua.
Ở góc độ này, những gì mất đi đêm qua ở di sản thế giới mà UNESCO gọi là vô giá trong dòng tweet chia sẻ đau buồn mới nhất, là những mất mát ở tầm nhân loại nói chung.
Giờ đây nhiều khách du lịch khi nhìn lên cao sẽ cảm thấy ít nhiều tiếc nuối vì không còn thấy được mũi tháp nguyên gốc nữa, còn những người đến gần hơn hẳn sẽ chạnh lòng khi thấy ám khói vương vãi ám vào từng góc nhỏ của công trình khổng lồ.
Nỗi lo này được trấn an đôi chút khi ngay đêm qua Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ tái tạo những gì đã mất và quỹ Artemis đã đồng thuận một khoản chi trị giá 100 triệu euro cho cùng mục đích.
Những động thái này rất đáng để hi vọng, nhất là khi nhìn lại những thành tựu của ngành bảo tồn di sản văn hóa Pháp. Ngoài những dự án trùng tu di sản liên tục, người Pháp từng thực hiện nhiều dự án tham vọng.
Từ thế kỷ 19, Napoléon III đã thành công trong việc cho đại tu những phế tích của lâu đài Pierrefonds để trở thành một lâu đài sang trọng cho giới quý tộc mê chủ nghĩa lãng mạn đương thời. Các công trình nổi tiếng du khách còn thấy ngày nay như Sainte-Chapelle hay Saint-Germain-en-Laye cũng từng được phục chế.
Từ hai năm nay, Trường ENSA (Sư phạm kiến trúc), một trong những trường uy tín bậc nhất Paris, đã mở chương trình đào tạo chuyên biệt: di sản và phục chế di sản.
Dù thế nào đi nữa, cảm giác đau lòng vẫn đang bao trùm khắp Paris và bạn bè quốc tế mỗi khi nhắc đến nhà thờ Đức Bà Paris!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận