11/03/2012 01:26 GMT+7

Hóa giải áp lực

TS ĐINH PHƯƠNG DUY
TS ĐINH PHƯƠNG DUY

TT - Một bài viết của tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy về cách hóa giải những áp lực bất ngờ xảy ra cho bất cứ ai, nhất là đối tượng bạn trẻ.

0whUAqEj.jpgPhóng to

“Mỗi ngày chọn một niềm vui” để hướng tới giá trị sống tích cực. Trong ảnh: sinh viên ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tặng quà một người neo đơn giữa đêm khuya trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.6, TP.HCM) trong chiến dịch Xuân tình nguyện 2012 - Ảnh: Phước Tuần

Trong đời ai cũng có thể đối diện với những bất ngờ gây sốc, lúc đó bản lĩnh và kỹ năng ứng phó của từng người sẽ được bộc lộ và được xã hội thẩm định một cách rõ nét nhất. Tại sao người ta lại khủng hoảng, có khi khủng hoảng nặng nề đến vậy? Làm sao để có thể vượt qua khủng hoảng và ứng xử phù hợp với những bất ngờ không muốn có đó...

Sự căng thẳng có thể đến với chúng ta bất kỳ lúc nào khi người ta không nhìn nhận vấn đề một cách bình thường, không xem xét vấn đề một cách thông thường. Mọi vấn đề đều có thể lý giải trên nhiều góc độ, nhưng nếu chủ thể nhìn nhận sự việc một cách bi kịch thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng, thậm chí hết sức trầm trọng. Điều đó sẽ làm cho các chủ thể trở nên lo lắng thái quá, mất phương hướng và có thể có những phản ứng tiêu cực. Ở một khía cạnh khác, một khi chủ thể ngộ nhận về giá trị thật của mình, không nhận biết chính xác thái độ tiềm ẩn của người khác đối với mình hoặc có những dự báo quá chủ quan về phản ứng của cộng đồng, chủ thể cũng sẽ hoang mang, mất tự chủ và có thể có phản ứng tiêu cực... Mặt khác, khi sự kiện nào đó xảy ra, những phản ứng của cộng đồng có khuynh hướng thái quá, vượt khỏi sức chịu đựng của cá nhân có liên quan đến sự kiện ấy thì họ cũng sẽ “đùng đùng nổi giận” và... điên tiết với những phản ứng bất thường. Để trút bỏ căng thẳng và có những phản ứng phù hợp, người ta có nhiều cách thức hết sức đa dạng và tùy thuộc vào tình huống, tùy thuộc vào nguồn gốc vấn đề cũng như môi trường tác động. Tuy nhiên trước hết cần chú ý một số nguyên tắc, những yêu cầu cơ bản giúp chúng ta hạn chế nguy cơ đối diện với căng thẳng, stress và hạn chế hoặc phòng ngừa những phản ứng thái quá.

- Làm chủ cảm xúc, điều khiển bản thân để thích ứng với những biến đổi của môi trường. Để làm được điều này, chúng ta hãy cố gắng sống thật với cảm xúc.

- Sống thật đơn giản với một quan niệm rất đơn giản “điều gì cũng có thể xảy ra, điều gì cũng có thể giải quyết”. Cuộc sống luôn xuất hiện nhiều sự kiện, cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng nếu chúng ta tri giác các sự kiện trong đời sống xã hội với một thái độ hết sức thiện chí và với niềm tin của chính mình thì hẳn chúng ta sẽ cảm thấy an toàn và chẳng bao giờ căng thẳng. Nhiều người vì quá đặt nặng chuyện thắng thua trong cuộc chơi, quá quan trọng hóa thành tích đã trở nên hụt hẫng và bị stress.

- “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” là một cách có thể giúp chúng ta trút bỏ mệt nhọc để hướng tới những giá trị tích cực của vấn đề. Điều này phản ánh một nguyên tắc hết sức quan trọng là “lấy niềm vui lấn át muộn phiền”, một khi chúng ta tự tìm được niềm vui, chúng ta đã thật sự chủ động giải phóng được những áp lực từ môi trường và sẽ cảm thấy thanh thản một cách tự nhiên...

- Chấp nhận vấn đề như chính nó đang diễn ra để không có cảm giác thất bại vì nếu cố gắng chối bỏ sự thật thì vấn đề cũng sẽ không được cải thiện. Chấp nhận sự thật như là một phương pháp tự mình cân bằng được cảm xúc, không tự mình dằn vặt bản thân, không tự mình làm mình cảm thấy mất giá trị, điều đó cũng làm chính bản thân không cảm thấy hoài nghi mình. Hãy là chính mình, đừng cố gắng trở thành một ai đó không phải như bản chất của mình. Một khi biết được bản thân mình là ai, mọi người sẽ trở nên dễ chịu với người khác, trở nên cân bằng khi cạnh tranh với người khác.

- Hãy cố gắng hợp tác với mọi người để được chia sẻ cảm xúc và tiếp sức trong hoạt động. Môi trường hoạt động thân thiện với người xung quanh làm mọi người ít có cảm giác bất an, sự tự vệ không phải là nỗi lo ám ảnh, điều đó làm tinh thần trở nên phấn chấn và sẽ sẵn sàng “quẳng gánh lo đi để vui sống”.

- Điều quan trọng cuối cùng, hãy thật bình tĩnh xem sự kiện như một tai nạn để mỗi người có cơ hội tự điều chỉnh mình và rút kinh nghiệm để những “rủi ro” không còn xảy ra và sẵn sàng thích ứng một cách chủ động và tự chủ. Dù không thật đơn giản nhưng nếu mỗi người có thiện chí và có kỹ thuật làm chủ bản thân, hành vi của chúng ta có thể sẽ được kiểm soát.

TS ĐINH PHƯƠNG DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên