30/09/2006 06:04 GMT+7

Hòa Duân giữ làng, Phước Thiện cứu thúng

NHÓM PV-CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV-CTV TUỔI TRẺ

TT - Suốt ngày 29-9, dưới màu trời im lìm báo trước trận cuồng phong, hàng trăm dân làng nơi eo biển Hòa Duân (Thừa Thiên - Huế) cùng bộ đội ra sức đắp đê bờ biển, hòng ngăn sóng dữ có thể gây sạt lở ở những điểm xung yếu. Trong khi đó, ngư dân Phước Thiện, Quảng Ngãi đã kéo 300 chiếc thúng chai đến nơi an toàn.

NBtP4dC8.jpgPhóng to
Dân làng Hòa Duân (Thừa Thiên - Huế) cùng bộ đội đắp đê ngăn sóng biển - Ảnh: D.LỘC
TT - Suốt ngày 29-9, dưới màu trời im lìm báo trước trận cuồng phong, hàng trăm dân làng nơi eo biển Hòa Duân (Thừa Thiên - Huế) cùng bộ đội ra sức đắp đê bờ biển, hòng ngăn sóng dữ có thể gây sạt lở ở những điểm xung yếu. Trong khi đó, ngư dân Phước Thiện, Quảng Ngãi đã kéo 300 chiếc thúng chai đến nơi an toàn.

Suốt cả ngày hôm qua, dân làng Hòa Duân cùng các chiến sĩ hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế đã đắp hai quãng đê dài tại khu vực xung yếu dễ sạt lở. Hơn 3.000 bao tải cát, hàng ngàn mét vải chống thấm và hàng trăm rọ thép được tập trung cho con đê mới.

Những đoạn đê này có thể đảm bảo giữ được bờ biển khi sóng biển dâng cao. Bà Đặng Thị Thuề, một người dân xóm Tân Lập đang xúc cát đổ vào bao, giải thích: "Làng nghe bão lớn, ai rảnh là ra đây làm việc cốt để giữ đất cho làng, có rứa nhà cửa của chúng tôi mới mong giữ được!".

Những lớp vải địa chống thấm được trải ra, dằn rọ thép lên trên, hàng ngàn bao cát được lồng vào rọ thép, con đê cao dần sừng sững án ngữ trước biển. Khu vực này liên tiếp trong nhiều năm liền là điểm nóng của sạt lở, từ sau khi cửa mới Hòa Duân cạnh đó được xử lý lấp đi.

Từ sáng sớm, khi nghe tiếng phèng la khẩn cấp của làng là ai nấy tập trung ra đây, như chuẩn bị một trận đánh lớn. Bà Trần Thị Bé, nhà gần sát ngay biển, nói: “Nhà tui cách biển chỉ hơn 50m, nếu bão vào chắc không giữ được nhà đâu”. Cũng như bà Bé, nhà ông Lê Chụt, ông Lê Lai, bà Nguyễn Thị Sáo đều nằm trong số 70 hộ của Hòa Duân có thể... không còn nhà cửa nữa nếu bão tràn vào! Tất cả đã thu xếp gọn ghẽ đồ đạc tài sản, chuẩn bị có lệnh của làng di dời là đi ngay.

Biết trước sẽ rất nguy hiểm nếu bão vào, biết trước sẽ mất mát nhà cửa nhưng cả mấy chục hộ dân nằm trong diện di dời vì nguy hiểm vẫn có mặt trong đội quân đắp đê chắn sóng. Ông Chụt bảo: “Có thể mất nhà nhưng không thể mất làng, bà con bầy tui đây phải góp sức mà giữ làng”.

Tất cả những người dân nơi đây đều từng thấm thía nỗi đau sau những trận bão, lũ lịch sử. Không gia đình nào không từng có người thân ngã xuống. Tang tóc ngỡ đến tận cùng vậy mà bao nhiêu năm qua không một ai bỏ làng ra đi. Và giờ đây họ lại chuẩn bị đối đầu cùng một cơn bão mới...

ftemvxBO.jpgPhóng to

Ngư dân Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) kéo thúng lên bờ. Ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Tại Phước Thiện - làng biển nghèo ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn nằm ở phía nam Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), chiều 29-9, cả một dọc bờ biển dài trên cây số, hàng trăm đàn ông, trai tráng cởi trần trùng trục, người mắc dây rồi lấy cây khiêng, người đẩy những chiếc thúng chai vào bờ.

Dù trời lạnh và cả người ướt sũng, nhưng trên trán vẫn toát mồ hôi, ngư dân Phạm Đức Danh nói: “Nghe bão đổ bộ vào biển Đông, từ radio chúng tôi phát tín hiệu cho nhau khi đang đánh cá trên biển. Rồi tất cả quyết định chèo thúng vào bờ, dù biết rằng biển động con cá vào gần bờ dễ bắt lắm. Nhưng còn người, còn của mà”...

Cả làng chài hàng trăm chiếc thúng, mỗi chiếc trị giá chỉ trên 1 triệu đồng, nhưng đó là phương tiện mưu sinh nuôi con cái, mẹ già của ngư dân nghèo ở cái làng biển này nên kéo được thúng lên bờ rồi, nhiều ngư dân vẫn chưa yên tâm. Họ nói với nhau: “Phải kéo luôn vào bên trong miếu vạn mới an toàn”. Thế rồi, một thúng được kéo, hàng chục thúng cũng kéo theo.

Trong cánh dân chài “cứu thúng”, thấp thoáng màu áo xanh biên phòng. Chiến sĩ Trương Văn Minh, đồn biên phòng 288, nói: “Thấy bà con cố sức, cả đồn 12 cán bộ chiến sĩ chia thành hai tốp cùng nhau giúp bà con".

Trong khi đó cánh phụ nữ, người già đang dồn cát đắp bờ bao. Ông Nguyễn Văn Hai (65 tuổi) vừa cột bao cát mới đổ đầy, nói: “Bão lớn là đi kèm với triều cường, con sóng sẽ chồm lên quét hết. Nhà tui ở ngoài đầu xóm, phải cố giữ chớ”.

Cho đến tối 29-9, ở làng biển Phước Thiện, toàn bộ trên 300 chiếc thúng chai của dân chài nơi đây đã kéo vào bờ và một bờ bao dài xuất hiện ở làng biển. Ngư dân Phạm Thận nói: “Bão có vào cũng chẳng thể kéo được những chiếc thúng chai của dân làng mình đâu”.

Dung Quất tạm ổn

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chậm nhất là 16g ngày 29-9, các đơn vị và thiết bị thi công trong Khu kinh tế Dung Quất nói riêng và toàn tỉnh nói chung phải ngưng hoạt động và cất giữ ở nơi an toàn. Yêu cầu đưa 20 người nước ngoài hiện đang làm việc trên các cụm giàn thi công ngoài khơi Dung Quất lên bờ an toàn, đồng thời nghiêm cấm ra biển trong thời gian có bão.

Ông Trần Minh Ngọc, trưởng ban phòng chống lụt bão dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết: “Toàn bộ thiết bị, phương tiện cẩu và sà lan thi công cảng xuất sản phẩm, đê chắn sóng đã được tập kết đến nơi neo đậu an toàn”.

Trên công trường đê chắn sóng, Công ty xây dựng Lũng Lô thuộc Bộ Tư lệnh công binh đã huy động 400 người và phương tiện cơ giới tập trung đổ đá và lắp khối phá sóng Accropode để bảo vệ tuyến đê dài 950m... Nói chung, trên các công trình dở dang, các đơn vị thi công đều huy động tổng lực để đạt điểm dừng kỹ thuật an toàn trước khi bão đến.

Chữa trị miễn phí cho nạn nhân bão

“Các cơ sở y tế tăng cường kíp trực chuyên môn, sẵn sàng tiếp nhận và cứu chữa nạn nhân, không được thu bất kỳ khoản phí nào” - hôm 29-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm đã ký công điện khẩn yêu cầu như trên, gửi sở y tế các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, các bệnh viện, viện khu vực.

Bộ yêu cầu các cơ sở y tế có nguy cơ sập đổ, ngập lụt do bão phải có kế hoạch sơ tán bệnh nhân đến nơi an toàn, di chuyển hóa chất, thuốc và các thiết bị y tế. Các bệnh viện, viện T.Ư sẵn sàng đội cấp cứu cơ động chi viện cho địa phương, kết hợp chặt chẽ với quân y Quân khu 4, 5 phòng chống, tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả.

Hàng trăm áo phao, nhiều cơ số thuốc, viên khử khuẩn nước và trang thiết bị y tế đã được chuyển đến các sở y tế. Bộ yêu cầu chuyển ngay đến các trọng điểm trước khi bão đổ bộ.

NHÓM PV-CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên