11/09/2018 11:24 GMT+7

Hòa bình tôi yêu

PHẠM THỊ MINH HẠNH
PHẠM THỊ MINH HẠNH

TTO - Lại Yên và xóm Năm Mương trong câu chuyện là một địa danh ở Phan Thiết, Bình Thuận. Những năm chiến tranh, đây là vùng đất lửa. Câu chuyện qua đôi mắt của một cô bé 6-7 tuổi, nay đang là lãnh đạo của một trường cao đẳng.

Hòa bình tôi yêu - Ảnh 1.

Hòa bình đối với tôi không chỉ đơn giản là không có chiến tranh, mà còn là nơi con người được sống chân thật với lòng mình

Lại Yên là một vùng quê nức tiếng bởi vẻ xinh đẹp của các cô gái sinh ra ở chốn này. Xóm Năm Mương, nơi dân cư đông đúc nhất của vùng Lại Yên Thượng, nhờ vào đất đai màu mỡ và tôm cá cung cấp cho dân làng quanh năm từ năm con mương nằm sát cạnh nhau ở rìa làng.

Xóm Năm Mương giữa vùng chiến sự

Nhà tôi chỉ cách năm con mương vài bước. Vào mùa mưa lũ, nước tràn vào vườn, những con lóc, con rô, con trê... lạc bầy lập lờ bên những ngọn cỏ, chỉ cần có cái nơm cỏn con, mỗi chúng tôi đều có thể làm được một mâm cơm thịnh soạn với cá đồng nướng chấm mắm me.

Chúng tôi đã trải qua những năm tháng êm đềm như thế, cho đến một ngày...

Ba tôi bị rất nhiều sĩ quan mặc quân phục rằn ri bắt đi khi trời vừa hửng sáng, chúng tôi đã vô cùng hoảng hốt. Ba tôi chỉ kịp nói lớn đủ để năm anh em tôi nghe: "Ba đi lính, rồi sẽ trở về ngay thôi".

Những ngày không có ba, chúng tôi luôn lo lắng không yên. Việc đồng áng, anh em chúng tôi đều phụ mẹ. Chỉ vừa 6 tuổi, tôi cũng ra đồng gieo mạ, rải phân. Năm tháng sau, ba tôi trở về với thân thể không còn nguyên vẹn như trước: một chân thương tật và một ngón tay trỏ bị giập nát, cứng đơ.

Tôi yêu ba vô cùng vì suốt đời phải làm lụng vất vả kiếm miếng cơm, manh áo nuôi chúng tôi khôn lớn. Thế nên mỗi tối, khi ba xong công việc, tôi hay sờ vào những vết sẹo trên tay, trên chân của ba một cách xót xa.

Ba thì thầm: "Để không bắn vào bà con mình, ba phải làm thế, con hiểu không?". Khi đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu những điều này.

Từ sau khi ba trở về, tôi cảm thấy không khí trong làng như khác hẳn trước, căng thẳng vô cùng.

Mỗi buổi sáng, từng nhóm lính mặc áo rằn ri, tay cầm súng lăm lăm tràn vào làng, nhìn ngang ngó dọc, tiếng giày đinh cồm cộp lùng sục từng căn nhà, dừng lại trước thềm nhà tôi rất lâu mới rời đi.

Khi hoàng hôn buông xuống, tiếng những bước chân lặng thầm, nhè nhẹ đi vào nhà, tất cả đều mặc áo bà ba đen, đội nón tai bèo, thì thầm với ba tôi, có vẻ như rất quan trọng, một chút rồi đi.

Những lúc như vậy, tôi luôn mở to mắt, ngước nhìn ba, chờ đợi câu trả lời. Ba bảo: "Hai bên đang đánh nhau, sắp có một cuộc chiến lớn". Tôi thảng thốt. Xóm Năm Mương đang nằm giữa hai chiến tuyến sao?

Người thiếu phụ gục ngã bên mương

Ông bà nội tôi có tám người con. Ba tôi thứ sáu. Mặc dù có đến bốn anh trai nhưng ba tôi lại là người thờ cúng ông bà. Đám giỗ ông nội năm đó, nhà tôi rất đông khách, phía ngoại, phía nội cả thảy đều trở về trong ngày giỗ.

Cô Bảy tôi, một thiếu phụ dân Lại Yên sắc sảo, xinh đẹp mặn mà, cũng trở về trong ngày giỗ nội. Tôi như trơ mắt ra nhìn khi cô Bảy đến. Không chỉ có tôi, mọi người trong nhà đều ngước nhìn cô Bảy, dường như rất ngưỡng mộ, thì thầm vào tai nhau "ở trển mới dìa".

Cô Bảy tôi lúc sà lên ván với cánh đàn ông, lúc xen giữa những ông bác lớn tuổi ở salon, lúc ngồi giữa chiếu với cánh đàn bà, mắt lúng liếng, miệng tươi cười, huyên thuyên nói... trông thật yêu kiều.

Vào ngày giỗ, tôi thường được giao nhiệm vụ chăn dắt đàn em nhỏ, có khoảng bảy đứa, trong đó công việc chính của tôi vẫn là chăm lo cho bé Xụi.

Đó là con gái cô Bảy, khi vừa sinh ra đã bị sốt bại liệt, cả hai chân, hai tay đều tật nguyền, không nói được, không đứng được, chỉ lê trên nền nhà, vẫn sống cùng gia đình tôi từ bé.

Chỗ nào có cô Bảy ngồi, bé Xụi ngước mắt nhìn tôi van lơn, tôi ẵm bé đến nơi thật gần mẹ nó để nó có thể nhìn thấy và nghe được những lời vàng ngọc của mẹ mà nó chỉ vài lần được nghe mỗi năm.

Đã xế chiều, khách trong nhà thưa dần, cô Bảy cũng chào mọi người, quẩy gánh bước đi. Trong gánh của cô Bảy, ba tôi đã bỏ vào đó rất nhiều thức ăn, như ba tôi nói là để "mang vô cho mấy ảnh".

Mọi người đều trở vào nhà, chỉ còn tôi đang dìu bé Xụi mếu máo nhìn theo cô Bảy quẩy gánh bước xa dần về phía năm mương.

Bỗng "đoàng", tôi nhìn thấy cô Bảy giật nảy người, chiếc gánh trên vai rơi xuống đất, "đoàng, đoàng".

Ba tiếng súng vang lên khô khốc, chiếc áo bà ba trắng của cô Bảy thấm máu đỏ tươi, trong thoáng chốc cô Bảy ngả người trên bờ mương, bên cạnh cái gánh chất đầy thức ăn.

Bé Xụi mừng rỡ, ú ớ khi thấy mẹ nó không còn bước tiếp, nó không hề biết rằng mẹ nó không phải dừng bước để quay về với nó mà đã vĩnh viễn nằm lại nơi này.

Lúc ấy tôi mới 7 tuổi.

Khoảnh khắc đó suốt đời tôi không thể nào quên. Ai đang tâm bắn một thiếu phụ trẻ giữa ban ngày, một người mà đứa con tàn tật rất cần hơi ấm?

Tôi nhận ra sự tàn nhẫn của chiến tranh khi chứng kiến người thân ngã xuống trước mặt mình và cảm nhận một cách chua chát sự vui mừng của một người thân khác khi mẹ nó không còn rời xa nó nữa.

Tôi hiểu ra rằng chúng tôi đang sống giữa hai chiến tuyến, mỗi sáng khi quân lính bên này tràn qua, bắn giết những người dân lành vô tội và mỗi tối du kích trở về mang lại ước mơ, sự hồi sinh cho người dân nơi đây.

Từ đó, tôi như trở thành người khác, lầm lì, ít nói, gói ghém nhiều đồ đạc phụ ba, đêm đêm chờ đợi du kích về làng và luôn mong mỏi sẽ có một ngày xóm Năm Mương được sống trong hòa bình.

Tôi yêu hòa bình

Hàng chục năm đã trôi qua, giờ tôi đang là lãnh đạo của một trường cao đẳng với quy mô đào tạo lớn, phụ trách nhiều đơn vị, trong đó có hợp tác quốc tế, càng ngày tôi càng hiểu rõ gìn giữ hòa bình là nhiệm vụ không phải của riêng ai.

Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, trong từng cuộc đàm phán với đối tác, tôi vẫn luôn chọn giải pháp hòa bình để đạt được mục tiêu.

Cho dù gặp mọi tình huống bất ngờ của cuộc sống, tôi vẫn bảo vệ hòa bình, nhất là khi xã hội trong giai đoạn phát triển lên đến đỉnh điểm, nhu cầu vật chất càng cao, con người đôi khi để đạt được mục đích của mình vẫn sử dụng những thủ đoạn tàn độc đối với đồng loại.

Hòa bình đối với tôi không chỉ đơn giản là không có chiến tranh, mà còn là nơi con người được sống chân thật với lòng mình. Mỗi sinh vật đều có quyền được sống, để ước mơ, để bay bổng với những đam mê rất thật của chính mình.

Chỉ trong hòa bình chúng ta mới được sống với tất cả những niềm đam mê, mơ ước đó.

Hòa bình trên xóm Năm Mương

Nếu không có chiến tranh, cô Bảy tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều mơ ước rất bình dị của đời người, bé Xụi sẽ luôn được ôm ấp trong cánh tay dịu dàng của mẹ. Chúng tôi không phải hoảng sợ vào mỗi buổi bình minh để mong chờ trời nhanh tối...

Rồi cái ngày xóm tôi mong đợi cuối cùng cũng đến, đã có không biết bao nhiêu người đổ máu, xóm Năm Mương mới có được hòa bình hôm nay. Chỉ những ai sống giữa lằn ranh như vậy mới thật sự hiểu được giá trị của hòa bình.

Hòa bình tôi yêu - Ảnh 4.

Đồng hành cùng cuộc thi này

PHẠM THỊ MINH HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên