26/09/2012 08:05 GMT+7

"Hồ tử thần" trên đất nông nghiệp

V.TR.
V.TR.

TT - Đất nông nghiệp ở huyện Đức Hòa (Long An) dần dần biến mất, nhường chỗ cho những cái hồ khổng lồ, sâu hoắm và không có khả năng lấp lại được.

fxoatNnI.jpgPhóng to
Những hầm đất khổng lồ để lại sau khi khai thác đất sét ở huyện Đức Hòa (Long An) - Ảnh: Trường Giang

Đó là hậu quả của việc tỉnh Long An cho phép khai thác đất mặt ồ ạt trong những năm qua. Ngoài ra, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng khai thác đất mặt trái phép.

Hồ sâu chi chít

Người dân huyện Đức Hòa (Long An) gọi những điểm khai thác đất mặt là các hầm đất. Mỗi hầm đất rộng khoảng 1ha, độ sâu từ vài mét đến vài chục mét tùy vào thời gian khai thác. Chỉ tính riêng tại ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang đã có đến sáu hầm đất nằm san sát nhau với tổng diện tích khoảng 7ha. Ngoài ra, còn nhiều hầm đất nằm rải rác tại các ấp khác. Những xã lân cận xã Lộc Giang cũng có hầm đất chi chít khắp nơi. Theo người dân địa phương, những ao khổng lồ này là hậu quả của việc lấy đất mặt làm gạch, ngói.

Nhà bà Nguyễn Thị Lan ở xã Lộc Giang bị hai hầm đất bao quanh ba phía. Bà Lan cho biết các hầm này xuất hiện từ hai năm trước. Sắp tới đất của bà cũng bị giải tỏa để giao cho doanh nghiệp đào lấy đất mặt. Bà Lan bức xúc: “Lúc trước doanh nghiệp khai thác đất có bàn với dân là lấy đất chừa khoảng 7m cách nhà dân để đảm bảo không sạt lở, nhưng bây giờ phía sau nhà tui chỉ cách hầm đất chưa đến 2m. Thấy sợ lắm”. Bà Trần Thị Thu Thủy, một người dân có nhà ở cạnh con đường xe chở đất qua lại, kể: “Xe chở đất chạy ầm ầm làm đường sá hư và đụng học sinh hoài. Nhiều học sinh đi học ngang qua xe chở đất bị đất sình văng tới đầu”.

Huyện Đức Hòa yêu cầu tạm ngưng khai thác đất sét

Ông Mai Văn Nhiều, bí thư Huyện ủy Đức Hòa (Long An), cho biết trước tình trạng khai thác đất mặt tràn lan và đã xảy ra hậu quả chết người, huyện đã yêu cầu tạm ngưng hoạt động khai thác đất sét để rà soát, chấn chỉnh lại. Hiện nay, huyện ủy đang tiến hành kiểm điểm các cá nhân và tổ chức đã để tình trạng khai thác đất sét không đúng quy định tạo nên những cái hồ khổng lồ chi chít khắp nơi.

Theo ông Nhiều, tới đây huyện chỉ cho phép khai thác đất sét ở những nơi có quy hoạch. Còn các hồ sâu do khai thác đất mà ra sẽ dùng để chứa nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của các địa phương trong mùa khô.

Điều khiến nhiều người lo lắng nhất là các hầm đất đã và đang trở thành những cái bẫy chết người đối với trẻ nhỏ và cả người lớn, đặc biệt là vào buổi tối. Một số hầm đất được rào lại bằng lưới kẽm B40, nhưng thường không rào kín. Lo lắng của người dân không phải là vô căn cứ khi mới đây đã xảy ra một tai nạn thương tâm làm hai cha con tử nạn. Ông Nguyễn Văn Hòa cùng con Nguyễn Trọng Nghĩa chết ngay trên hầm đất nhà mình tại ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp (anh ông Hòa), hai năm trước ông Hòa bán lớp đất mặt rồi cải tạo hầm đất lại làm ao nuôi cá. Tối 15-9, em Nguyễn Trọng Nghĩa bị té xuống hầm đất, ông Hòa lao xuống cứu con trai nhưng không lên được... Ông Hiệp rưng rưng: “Lúc em tui bán đất mặt tui đã nhiều lần ngăn cản nhưng không được. Tui cũng có trình với chính quyền để xử lý việc lấy đất mặt trái phép nhưng chẳng hề hấn gì. Ai có ngờ cha con nó chết trên chính cái hầm đất đó”.

Đất nông nghiệp teo tóp

Người dân cạnh các hầm đất hầu như đã chuẩn bị tư thế để chuyển đi khi hầm đất mở rộng. Ai cũng tiếc đất sản xuất nông nghiệp nhưng vì bị “dính” quy hoạch nên không đi không được. Ông Nguyễn Văn Bực ở ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang còn mảnh đất nhỏ trồng ớt, hiện trái rất nhiều. Ông nói: “Đất ở đây tốt lắm, làm gì cũng trúng. Nếu cho lấy hết đất để lại những cái hồ khổng lồ không làm gì được thì uổng lắm”.

Một thời gian nữa đất của ông Bực sẽ bị thu hồi để đào hầm lấy đất mặt. Hai năm trước người hàng xóm của ông bán với giá 800 triệu đồng/ha. Hiện giờ ông lo lắm vì bán đất rồi chưa chắc mua lại được và nếu có mua thì giá cũng rất cao. Ông Bực chỉ tay về phía hầm đất cạnh nhà nói: “Miếng đất đó của cả nhà ông Út Hiền. Tính luôn con cái cũng năm gia đình nhỏ. Họ bán đất rồi nhưng nghe đâu chỉ mua được mảnh đất nhỏ đủ cất nhà. Thấy mà phát rầu”. Ở cạnh những cái hầm khổng lồ hiện nay là những thửa ruộng đang xanh mơn mởn. Người dân ai cũng tiếc khi đất nông nghiệp ngày càng teo tóp.

Ông Nguyễn Văn Được, giám đốc Sở Tài nguyên-môi trường tỉnh Long An, cho biết toàn tỉnh có khoảng 2.000ha đất được quy hoạch để khai thác đất phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng và khai thác đất sét, chủ yếu tập trung ở huyện Đức Hòa. Hiện tại ở huyện Đức Hòa có tổng cộng 61 hầm khai thác đất được UBND tỉnh cấp phép. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất sẽ chủ động thỏa thuận giá cả với dân để mua đất trong quy hoạch.

Sau khi hết thời gian khai thác, chủ dự án phải thực hiện đóng hầm theo đúng quy định như: rào chắn, trồng cây xanh, sau đó bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên thực tế đã xảy ra trường hợp sau một thời gian không ai quản lý hoặc quản lý lỏng lẻo nên rào chắn bị mục, mất cắp không đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt là hệ thống cây xanh xung quanh hầm hầu như không còn sống do không ai chăm sóc. Và điều đáng buồn là tất cả các hầm đất sau khi khai thác đất sét xong đã trở thành những cái hồ khổng lồ nhưng không thể làm được việc gì khác. Hiện Sở Tài nguyên-môi trường đang khảo sát, đánh giá hiện trạng khai thác đất mặt để báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến có nên tiếp tục cho khai thác nữa hay không.

V.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên