Đó là một trong những thông tin được ông Nguyễn Phong Nhã - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - chia sẻ tại tọa đàm "Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số", do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức ngày 5-12 tại Hà Nội,
Theo ông Nhã, hiện trên mạng có khoảng 15 triệu thuê bao 2G. Với mục tiêu giảm dần số thuê bao này xuống, đến tháng 9-2024 sẽ không còn thuê bao 2G trên mạng lưới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng đã có nhiều giải pháp về chính sách, thực thi để tắt sóng 2G.
"Thực tế điện thoại 2G dành cho những người có lượng tiếp cận thông tin chính sách, công nghệ ít hơn so với những người sống ở khu vực thành thị. Khi xây dựng chính sách, đối tượng người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần phải hỗ trợ.
Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy để hỗ trợ các đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian tới quỹ sẽ triển khai kế hoạch này", ông Nguyễn Phong Nhã thông tin.
Ông Nhã cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi rất lưu tâm đến việc vào cuộc không chỉ của Quỹ Viễn thông công ích. Các nhà mạng đã thống kê người sử dụng 2G đến từng quận, huyện. Cục Viễn thông sẽ cùng nhà mạng xây dựng kế hoạch cụ thể.
Ngoài việc hỗ trợ người sử dụng điện thoại smartphone giá rẻ từ Quỹ Viễn thông công ích, chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố huy động nguồn xã hội hóa. Một số ứng dụng mà người sử dụng dùng sẽ có doanh thu.
Yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch sát sao theo từng tuần, từng tháng.
Chúng tôi sẽ đồng hành với từng doanh nghiệp, từng địa bàn để đảm bảo mục tiêu được thực hiện tốt nhất.
Ngoài ra các nhà mạng cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch, đảm bảo người sử dụng được truyền thông, hỗ trợ gói cước, chuyển đổi điện thoại".
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số... một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Sẽ tắt cả sóng mạng 3G
Việt Nam sẽ tắt sóng 2G từ tháng 9-2024, các điện thoại chỉ có 2G không sẽ không được sử dụng trên mạng lưới.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư cấm nhập khẩu, lưu thông điện thoại chỉ có kết nối 2G.
Để bảo vệ quyền lợi người dân khi thực hiện tắt sóng trạm 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất trái quy định của pháp luật, đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G Only, 3G Only lưu thông trên địa bàn.
Không chỉ 2G mà công nghệ 3G cũng đang được xem xét để dừng trong 1-2 năm tới.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, mạng 3G đã được cấp phép từ năm 2009. Sau hơn 14 năm, theo chủ trương, công nghệ 3G cũng sẽ được xem xét để dừng vào thời điểm dự kiến là năm 2026.
"Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn người dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận nhanh với môi trường số, dịch vụ trên băng rộng di động.
Một số nhà mạng vẫn có thuê bao 3G, người dân đã sẵn sàng tiếp cận băng rộng di động nhưng chất lượng không nhanh như 4G. Do vậy, mục tiêu dừng công nghệ 2G là chủ trương chính nhằm đưa người dân sử dụng điện thoại thông minh", ông Nhã lý giải.
"Các nhà mạng hoàn toàn có thể chủ động dừng tiếp công nghệ 3G", ông Nhã thông tin thêm và khẳng định doanh nghiệp chủ động xem xét thuê bao để đưa ra giải pháp hiệu quả về khai thác mạng lưới, chính sách kinh doanh, quyền lợi của người tiêu dùng. Việc tắt sóng 3G khả thi, phù hợp với định hướng của cơ quan quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận