04/03/2015 08:35 GMT+7

​Hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều quyết sách

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TT - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định như vậy trong buổi “Gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp năm 2015”, do UBND TP.HCM tổ chức sáng 3-3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị - Ảnh: Q.Định

Tại buổi gặp gỡ này, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM được các vị lãnh đạo cao nhất trong Thành ủy, UBND TP và HĐND TP.HCM cùng tiếp đón để trao đổi, lắng nghe các kiến nghị, góp ý.

Doanh nghiệp kêu khó về thủ tục hành chính

Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Xuân Hàn - tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) - cho rằng thủ tục hành chính vẫn là vấn nạn gây phiền toái, rắc rối lớn nhất đối với doanh nghiệp. Văn bản của các ngành, các cấp quá nhiều, khiến nhiều doanh nghiệp không có đủ thời gian đọc, nên nhiều khi bị làm sai một cách vô tình không hay.

“Vì sao khi ban hành các văn bản cơ quan nhà nước không nghiên cứu, suy nghĩ cho kỹ trước khi ký, mà toàn đẩy khó khăn cho doanh nghiệp phải chịu? Tôi không hiểu được vì sao Tổng cục Thuế lại quy định ủy nhiệm chi phải bắt buộc có địa chỉ của ngân hàng, trong khi biểu mẫu thuộc quy chuẩn quốc gia mà ngân hàng đang áp dụng lại không có điều này?” - ông Hàn bức xúc nói.

Thậm chí, dù Quỹ phát triển khoa học - công nghệ cho phép doanh nghiệp được trích lập kinh phí để đầu tư, cải tiến công nghệ, nhưng công ty sợ bị vướng, không dám làm vì “khi trích lập rất dễ, nhưng lúc làm thủ tục để được hợp thức hóa khoản đã trích thì vô cùng khó khăn. Thậm chí trích ra mà không xài cũng bị phạt, nên đành chọn giải pháp năm nào có tiền thì cứ âm thầm cải tiến công nghệ, khỏi trích làm gì cho mất công!” - ông Hàn cho biết.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, giám đốc Công ty TNHH phần mềm FPT (Khu công nghệ cao), nói việc tạm nhập tái xuất hiện phải xin ý kiến khắp nơi, gồm nhiều công văn của nhiều bộ, ngành khác nhau.

“Công ty tôi muốn nhập thiết bị y tế về để phát triển một phần mềm cho thiết bị y tế đó thì khi tái xuất phải xin ý kiến của các bộ Y tế, Công thương, Thông tin - truyền thông. Thủ tục phải mất đến ba tháng, trong khi khách hàng chỉ cho một tháng!” - ông Quỳnh nói.

Ông Hàng Vay Chi, chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 11, cho rằng chính sách tài chính dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vẫn còn rất hạn chế, việc tiếp cận ngân hàng còn rất khó khăn.

Theo ông Chi, TP cần có các tiêu chí hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách rõ ràng, chi tiết hơn. “Dù TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng phần lớn các văn bản, chỉ thị còn rất chung chung, trong khi tiêu chuẩn, tiêu chí để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận thì gần như không với tới được” -  ông Chi bày tỏ.

Theo ông Huỳnh Văn Minh - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện vốn không thiếu tại các ngân hàng nhưng cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vẫn còn rất hạn chế.

Các dự án đầu tư chiều sâu, trong một thời gian dài không hề được ngân hàng bảo đảm theo dòng đời dự án, mà thả nổi theo tình hình thị trường “thì rất nguy hiểm cho nhà đầu tư, nên cũng đừng mong có doanh nghiệp dám nhảy vào đầu tư ở những lĩnh vực công nghiệp trọng yếu, cần thiết cho đất nước”.

Lãnh đạo thành phố chụp hình lưu niệm với các doanh nghiệp tại cuộc gặp gỡ - Ảnh: Q.Định

Thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn

Trao đổi với doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh: “Những vướng mắc liên quan đến chương trình hỗ trợ, kích cầu đầu tư sẽ được Sở Kế hoạch - đầu tư tiếp tục tháo gỡ. Nhưng sắp tới, UBND TP sẽ ban hành một quyết định mới thay thế quyết định 33, để việc hỗ trợ doanh nghiệp được thực thi một cách thiết thực hơn”.

Quyết định 33/QĐ-UB ký ngày 28-5-2011 quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của TP.HCM. Theo đó, những dự án được ngân sách TP hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu.

Hỗ trợ 50% lãi vay cho các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, máy móc thiết bị kiểm tra an toàn trong quá trình sản xuất công nghiệp... Thời gian hỗ trợ lãi vay đối với các dự án không quá 7 năm. Các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp khó trong quyết định này là lãi suất cho vay chưa phù hợp với tình hình trả lãi thực tế của doanh nghiệp.

Thời gian hỗ trợ dự án ngắn, chỉ 7 năm thay vì là 10 năm.  Mức hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp không nên bị không chế ở mức 100 tỉ đồng/dự án, cần phụ thuộc vào tổng mức đầu tư của dự án doanh nghiệp triển khai. 

Ông Lê Thanh Hải khẳng định lãnh đạo TP coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của chính mình, TP sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư.

Trước mắt sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa các thành phần doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho hay việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp với ngân hàng đã thông thoáng hơn trong thời gian qua, chứ không còn gặp nhiều khó khăn như doanh nghiệp phản ảnh.

Hiện có hơn 4.500 doanh nghiệp trên địa bàn TP tiếp cận được ngân hàng với vốn vay hợp lý, trong đó lãi suất vay trung - dài hạn ở mức 8,5-9,5%/năm, ngắn hạn từ 6,6-6,8%/năm. Đồng hành với UBND TP, trong ba năm qua với chương trình kết nối doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết đã có hơn 67.500 tỉ đồng được ngân hàng cho vay.

Ông Minh cho biết trong năm 2015, theo yêu cầu của UBND TP, đã có các giải pháp để giải quyết nhiều vướng mắc mà hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải. Cụ thể, ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp được vay tín chấp, hoặc được thế chấp các dòng tiền (như dòng tiền bán hàng, các khoản công nợ phải thu...) khi tiếp cận vốn vay.

Riêng việc xử lý, giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tiến hành một cách quyết liệt hơn. “Chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng có số điện thoại để doanh nghiệp gọi trực tiếp phản ảnh nếu có vướng mắc gì liên quan đến vấn đề vốn vay gặp khó khăn. Phía ngân hàng quyết tâm không để tình trạng doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng không tiếp cận được vốn vay” - ông Minh nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Lệ Nga (cục phó Cục Thuế TP.HCM) cho biết: “Trong khi chờ văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế về việc ghi địa chỉ của ngân hàng trên ủy nhiệm chi, Cục Thuế TP.HCM cam kết sẽ không coi đây là yếu tố để xử lý về mặt thuế đối với các doanh nghiệp cho quá trình kiểm tra sau này.

Riêng trong tháng 3-2015, Chi cục Thuế TP.HCM sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức một buổi gặp doanh nghiệp để tháo gỡ tất cả các vướng mắc liên quan đến việc trích lập kinh phí đầu tư, phát triển công nghệ. Thậm chí, chi cục sẽ có văn bản riêng hướng dẫn về việc này để doanh nghiệp được yên tâm”.

Liên quan đến phản ảnh của doanh nghiệp về những khó khăn gặp phải do quy định phải ghi địa chỉ ngân hàng lên các chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế (Tuổi Trẻ ngày 26-2), ngày 3-3 Tổng cục Thuế có văn bản giải thích là đã xem xét các quy định hiện hành và lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước trước khi ra quy định này.

Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi Tổng cục Thuế ra quy định này, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành thông tư 46 hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là ủy nhiệm chi và ủy nhiệm thu không cần ghi địa chỉ ngân hàng.

“Trên cơ sở tiếp thu phản ảnh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn cục thuế các tỉnh, TP xử lý các vướng mắc của người nộp thuế đã nêu sao cho phù hợp thực tế và đúng quy định” - Tổng cục Thuế cho biết.

T.V.N. - A.H.

 

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên