Công văn số 329 có dấu và chữ ký của người có thẩm quyền hiện đã “bốc hơi” - Ảnh: TUYẾT MAI
Sự việc này khiến Công ty TNHH thiết bị nuôi trồng thủy sản Đông Nam (Công ty Đông Nam, Mỹ Tho, Tiền Giang) lâm vào cảnh "khóc dở mếu dở".
Bối rối với một công văn
Công ty Đông Nam được thành lập cuối năm 2012, có đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quốc Đạt, đăng ký kinh doanh 14 ngành nghề: nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, bán buôn đồ dùng khác cho gia đình, cụ thể là mua bán thuốc thú y, thú y thủy sản...
Sau khi thành lập, công ty gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT đăng ký lưu hành sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Đầu năm 2013, công ty này nhận được công văn số 329 về việc xác nhận các sản phẩm đáp ứng yêu cầu bổ sung vào danh mục được phép lưu hành tại VN của Tổng cục Thủy sản.
Theo đó, Tổng cục Thủy sản xác nhận các sản phẩm có tên tại phụ lục ban hành kèm theo công văn đã đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT.
Đồng thời, công văn 329 có nêu: trong thời gian Tổng cục Thủy sản trình Bộ NN&PTNT xem xét bổ sung vào danh mục, các cơ sở được phép tiến hành sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm nêu trên kể từ ngày ký ban hành.
Văn bản này được gửi đến các công ty, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản, trung tâm thông tin thủy sản, sở NN&PTNT các tỉnh trực thuộc trung ương... do phó tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền ký.
Phụ lục ban hành kèm theo công văn có 17 trang, đều được đóng dấu của Tổng cục Thủy sản trên đầu trang và có chữ ký bên dưới trang.
Phụ lục này cũng nêu tên sản phẩm, thành phần, hàm lượng, công dụng của mỗi sản phẩm, đồng thời nêu cụ thể từng công ty trong 19 công ty có tên trong danh sách được lưu hành những sản phẩm nào.
Riêng Công ty Đông Nam được phép lưu hành 7 sản phẩm, trong đó có Bronota và Bio Carbon. Trên cơ sở đó, Công ty Đông Nam tiến hành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này.
Trong thời gian này, Chi cục Thú y và Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang nhiều lần kiểm tra doanh nghiệp, xác định Công ty Đông Nam kinh doanh các sản phẩm được phép lưu hành.
Tuy nhiên, ngày 11-1-2018, Phòng cảnh sát kinh tế (CSKT) - Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công an xã Bình Đức, huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra tại kho Công ty Đông Nam và lập biên bản tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề thú y của ông Đạt, sản phẩm và dụng cụ sản xuất.
Sau đó, cho rằng các sản phẩm của Công ty Đông Nam, gồm thức ăn chăn nuôi nhãn hiệu Bio Carbon và thuốc thú y Bronota không có tên trong danh mục được phép lưu hành tại VN nên Phòng CSKT đã lập biên bản vi phạm hành chính.
Ngày 9-3-2018, giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định số 27 xử phạt vi phạm hành chính Công ty Đông Nam 57 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của ông Đạt 2 tháng.
Thu hồi, tiêu hủy 20 bao Bio Carbon và 20 gói Bronota. Không đồng ý, ông Đạt khởi kiện giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang và Phòng CSKT ra tòa.
Loay hoay xác định thật - giả
Từ năm 2017 (trước khi diễn ra việc kiểm tra, xử phạt) Phòng CSKT đã có nhiều cuộc làm việc, công văn gửi Chi cục Thủy sản Tiền Giang để xác định nguồn gốc công văn 329 và việc hai sản phẩm Bio Carbon và Bronota có trong danh mục được phép lưu hành hay không.
Chi cục Thủy sản đã gửi văn bản đến Tổng cục Thủy sản để xác nhận lưu hành của các sản phẩm trên.
Tổng cục Thủy sản có công văn trả lời xác nhận không lưu trữ văn bản số 329. Từ đó, cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt Công ty Đông Nam.
Sau đó, ngày 4-5-2018, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an đã làm biên bản xác minh về công văn số 329.
Kết quả, Tổng cục Thủy sản cho biết không có hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm của Công ty Đông Nam, không có hồ sơ tài liệu liên quan đến quy trình xử lý văn bản đến của Công ty Đông Nam.
Đồng thời, Tổng cục Thủy sản không có văn bản số 329 về việc xác nhận các sản phẩm đáp ứng yêu cầu bổ sung vào danh mục được phép lưu hành tại VN và phụ lục kèm theo, trong đó có các sản phẩm của Công ty Đông Nam. Tổng cục Thủy sản chỉ có một văn bản số 329 cấp cho một công ty ở TP Hà Nội.
Mới đây, tại phiên tòa sơ thẩm, giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang vắng mặt hai lần không rõ lý do, do đó HĐXX quyết định xét xử vắng mặt.
Còn đại diện Phòng CSKT cho rằng quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Đông Nam là đúng pháp luật nên đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Cũng tại tòa, HĐXX cho rằng Công ty Đông Nam nhận được công văn 329 có dấu mộc đỏ và chữ ký của người có chức vụ ban hành, HĐXX không có cơ sở nào chứng minh công văn 329 này là giả và không có giá trị pháp lý.
Do đó, HĐXX đã hoãn phiên tòa để triệu tập thêm các đơn vị, cá nhân liên quan nhằm làm sáng tỏ vụ án.
Về vấn đề này, luật sư Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng để giải quyết vụ án, trước hết phải xác định công văn 329 có thật hay không. Tòa án có thể xác định bằng cách giám định văn bản.
Việc Tổng cục Thủy sản trả lời không lưu hồ sơ thì đây là việc nội bộ lưu trữ văn bản của cơ quan này, không đồng nghĩa công văn 329 không có thật hay không có hiệu lực.
Nếu trường hợp công văn 329 này chưa bị bãi bỏ nhưng Tổng cục Thủy sản không thừa nhận thì các bên liên quan có thể tiến hành thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Kiểm tra, thu giấy tờ là trái luật?
Tại tòa, đại diện Phòng CSKT cho biết đây là trường hợp bắt quả tang trong hành chính qua tin báo của quần chúng, chứ không phải kiểm tra hành chính nên không cần quyết định thanh tra, kiểm tra.
Và theo luật, khi bắt quả tang thì được phép tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy tờ liên quan để đảm bảo cho việc xử lý.
Tuy nhiên, một chuyên gia pháp lý lại cho rằng việc cơ quan công an kiểm tra đột xuất doanh nghiệp dù có căn cứ do quần chúng tố giác thì vẫn phải có văn bản kiểm tra đột xuất theo quy định tại điều 50 nghị định số 96/2016/NĐ-CP do thủ trưởng đơn vị ký.
Đồng thời, cơ quan công an chỉ có thể kiểm tra, thanh tra đối với lĩnh vực do công an quản lý như: an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh có điều kiện hoặc một số lĩnh vực đã được quy định cụ thể.
Vị này cho rằng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định hiện nay, không có quy định về việc tạm giữ giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tại khoản 8, điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định giấy phép, chứng chỉ hành nghề không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận