* Th.S Nguyễn Minh Phương (trưởng phòng đào tạo đại học Trường ĐH Y dược Cần Thơ):
Lần đầu tiên phát hiện
Trường ĐH Y dược Cần Thơ đào tạo đại học hệ liên thông được sự chấp thuận từ phía Bộ GD-ĐT, thực hiện theo thông tư 55. Các kỳ thi được chúng tôi tổ chức nghiêm túc và hoàn toàn dựa vào điểm thi của thí sinh. Các trường hợp gian lận trong thi cử được phát hiện đều bị đình chỉ thi và lập biên bản cấm thi. Vì vậy, có thể nói về mặt chất lượng, trường rất coi trọng.
Trong kỳ thi năm nay, điều đáng chú ý là ở ngày thi cuối, giám thị nhận thấy ba thí sinh (thi ngành y đa khoa) có dấu hiệu khả nghi nên quan sát và phát hiện các thí sinh sử dụng tai nghe siêu nhỏ gắn vào trong tai, có thiết bị phát sóng để đọc và chép bài thi.
Đây là năm đầu tiên chúng tôi phát hiện ra hành vi gian lận rất tinh vi này, trước đây hình thức gian lận thường là đem tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi... Vì vậy trong những cuộc thi sắp tới, trường sẽ nhắc nhở công tác coi thi hơn nữa, để phát hiện được những thủ đoạn dùng công nghệ cao như vậy.
Năm nay hệ liên thông có 2.419 thí sinh dự thi vào 8 ngành học. Sở dĩ có thí sinh ở khu vực TP.HCM, miền Đông Nam bộ dự thi là vì khu vực tuyển sinh của trường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ (từ Ninh Thuận trở vào).
Các thí sinh hội đủ điều kiện: tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (sau 36 tháng từ ngày được cấp bằng) và có thời gian làm việc liên tục đúng ngành đào tạo (từ 12 tháng trở lên) đều có thể đăng ký dự thi.
* ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương (giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM):
Khó trở thành bác sĩ có y đức
Không riêng gì ngành y mà bất cứ một ngành nào khác như sư phạm, kỹ sư, kiến trúc sư... cũng cần phải thi tuyển đầu vào nhằm chọn được người có đủ năng lực để theo học, chứ không hẳn vì hạn chế chỗ học đại học. Do vậy, những người tham dự các kỳ thi này không nên gian lận trong thi cử để trúng tuyển.
Nghề y hiện là một nghề đang được tuyển đầu vào khó hơn vì nghề y liên quan đến tính mạng của con người. Để trở thành một bác sĩ không chỉ đòi hỏi có chuyên môn cao mà còn đòi hỏi là một người có đạo đức.
Không phải lúc nào thi tuyển “đầu vào” được điểm thấp thì “đầu ra” cũng đạt điểm thấp nhưng giữa “đầu vào” và “đầu ra” luôn có một sự tương quan nhất định.
Những người gian lận trong thi cử nếu không bị phát hiện, có thể sẽ vẫn bị đào thải trong quá trình đào tạo như bị nợ nhiều môn không thể ra trường nhưng cũng có người vẫn ra trường được dù phải thi tốt nghiệp nhiều lần.
Những người gian lận khi thi và trót lọt trở thành bác sĩ sẽ thường là những bác sĩ kém về năng lực chuyên môn. Những người mới chuẩn bị học bác sĩ đã gian dối như vậy thì sau này nếu được làm bác sĩ sẽ khó trở thành những người bác sĩ có y đức vì lúc nào cũng nghĩ đến chuyện gian lận.
Những bác sĩ vừa kém về năng lực chuyên môn vừa không có đạo đức sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
* Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):
Có thể xử phạt ở hành vi liên đới
Chuyện gian lận trong thi cử diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó có sử dụng thiết bị điện tử, các thiết bị thu phát sóng di động. Khi phát hiện thí sinh gian lận, hội đồng thi sẽ căn cứ theo quy chế mà có hình thức xử lý thích đáng.
Nếu thí sinh là cán bộ công chức thì hành vi gian lận sẽ được báo cáo đến cơ quan mà thí sinh đang công tác để nơi đây có thêm những hình thức xử lý khác.
Tuy pháp luật hiện không quy định cụ thể về tội gian lận trong thi cử, nhưng cũng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi liên đới.
Chẳng hạn khi bị phát hiện gian lận, thí sinh lại chống người thi hành công vụ hoặc cố ý gây thương tích cho người khác...
Ngoài ra, nếu thí sinh sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị thuộc dạng công nghệ cao không được phép mua bán sử dụng bên ngoài (chỉ sử dụng trong công tác quốc phòng, an ninh) thì tùy theo mức độ vi phạm, thí sinh sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán, tàng trữ hoặc sử dụng thiết bị nghiêm cấm sử dụng.
Tràn lan thiết bị thu phát sóng trên mạng Rảo một vòng trên mạng Internet, thiết bị thu phát sóng di động được rao bán tràn lan trên mạng với những lời quảng cáo rất hấp dẫn. Tại website ...nhom.net rao bán nhiều thiết bị nghe nhìn, trong đó có nhiều loại camera, tai nghe siêu nhỏ được cho là khó bị phát hiện như thiết bị tai nghe siêu nhỏ bluetooth không dây dạng bút viết (với giá từ 4,7 triệu đồng). Thiết bị này sử dụng bộ thu phát bluetooth kết nối với điện thoại được ngụy trang dạng cây bút có thể dùng viết luôn được và tai nghe siêu nhỏ, được quảng cáo là thích hợp cho những công việc mang tính bảo mật cao trong việc kinh doanh, trong các cuộc họp quan trọng, sự kiện truyền thông, dịch vụ giám sát... Từ số điện thoại đăng trên web, chúng tôi liên hệ để mua tai nghe siêu nhỏ dạng bút viết, nhân viên web trên cho biết đã hết hàng, muốn mua phải đặt hàng vài ngày mới có. Tuy nhiên nhân viên này giới thiệu nhiều thiết bị khác tinh vi hơn như bộ tai nghe siêu nhỏ không dùng điện thoại di động. Bộ thiết bị này bao gồm thiết bị gắn thẻ sim được thiết kế ngụy trang giống như ví, thẻ ATM nhỏ gọn; tai nghe siêu nhỏ chỉ lớn hơn hạt gạo có thể đặt sâu trong tai không bị phát hiện và thiết bị thu tiếng cũng nhỏ không kém có thể cài đặt trên áo. Thiết bị có giá tới 4,9 triệu đồng. Một nhân viên khác thuộc website ...capdigital.com cho biết có bán nhiều thiết bị “tai nghe siêu nhỏ” tương tự. Theo nhân viên này, thiết bị trên có thể giúp kết nối liên lạc mọi lúc mọi nơi mà không ai có thể nghe hay nhìn thấy. Giải thích về cơ chế hoạt động, nhân viên này cho biết chỉ cần lắp một sim di động (của Viettel, Mobi, Vina...) vào thiết bị được ngụy trang là thẻ ATM, ví cùng bộ tai nghe - nói siêu nhỏ vào người. Khi đó, một người khác ở bất cứ đâu có sóng điện thoại bấm số là có thể kết nối trao đổi với nhau. Đây cũng là một trong những thiết bị giống với trường hợp các y sĩ dùng gian lận trong thi cử tại kỳ thi liên thông ngành bác sĩ tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Thư, giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 2 (thuộc Cục Tần số vô tuyến điện Bộ Thông tin và truyền thông), cho biết có nghe một số thiết bị tương tự bày bán trên thị trường. Tuy nhiên để biết được thiết bị này sử dụng tần số gì, hoạt động ra sao, việc mua bán có đúng quy định hay không cần phải tổ chức kiểm tra cụ thể mới có thể khẳng định được. Cũng theo ông Thư, hiện nay có một số thiết bị sử dụng dãy tần số thấp không thuộc diện quản lý của Nhà nước. QUANG KHẢI |
Rất may ba ông thầy thuốc này bị lộ Nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ lo ngại với các kiểu gian lận trong thi cử của ngành y nếu “lọt lưới” sẽ cho ra trường những bác sĩ kém chuyên môn và đạo đức, trở thành tai họa cho người bệnh. * “Làm việc với cơ quan điều tra, các thí sinh thừa nhận do trình độ yếu, sợ không đủ khả năng thi đậu ngành bác sĩ đa khoa nên đã lên mạng Internet tìm mua các loại tai nghe, thiết bị thu phát sóng di động. Sau khi vào phòng thi, các đối tượng đọc đề thi và nhờ người bên ngoài giải đề, đọc đáp án để ghi vào bài thi”. Rất may ba ông y sĩ này gian lận thi cử bị phát hiện, đuổi ra khỏi phòng thi. Đầu vào mà gian lận như thế này nếu có ra trường mang học vị bác sĩ thì chuyên môn, y đức cũng rất kém, chỉ làm khổ người bệnh thôi. NGUYỄN SONG GIANG * Trời, bó tay luôn! Một bộ phận y, bác sĩ yếu kém và thoái hóa biến chất là đây chăng? Với hình thức gian lận thi cử kiểu này, đảm bảo đã có nhiều thí sinh trót lọt trong các kỳ thi vừa qua. LÊ ANH * Học hành như vậy nên có tình trạng cắt nhầm chân, tay này bắt vít mổ tay khác kiếm đinh, thận này hư cắt thận nọ, đàn ông siêu âm nói có thai ngoài tử cung, đàn ông khám bệnh bán thuốc uống và thuốc đặt âm đạo... Bó tay với các bác sĩ yếu chuyên môn, nghiệp vụ kém! TRẦN TAM * Không kể ở một số thời kỳ trước, không kể những người được cử tuyển, thì những học sinh phải thật giỏi mới thi đỗ vào trường đại học y nhà nước (trường công) để trở thành bác sĩ. Còn những ai học yếu đành phải học hệ cao đẳng để ra làm y sĩ. Thế nhưng sau vài năm công tác, những y sĩ có thể đi con đường “liên thông” để trở thành bác sĩ. So với các bác sĩ chính quy thì kiến thức lẫn chuyên môn của các bác sĩ “liên thông” này có khá nhiều lỗ hổng. Và chính những lỗ hổng này đã dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị không đúng gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Nhà nước ta cần xem lại các hình thức đào tạo này. Người ta phải học 6 năm để trở thành bác sĩ thì mình cũng phải học như vậy, còn “y sĩ tay ngang” sau vài năm “liên thông” lại trở thành bác sĩ thì nguy hiểm quá! NGUYỄN ANH DÂN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận