Phóng to |
Anh Tuấn Anh chưa có CMND và không làm được giấy đăng ký kết hôn vì không có hộ khẩu thường trú - Ảnh: C.Mai |
Không giấy tờ tùy thân
Phòng trọ của gia đình ông Đoàn Quang Kiêm tại hẻm 40 Tô Hiệu, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú chỉ 12m2 nhưng có đến bốn người ở: ông bà Kiêm và hai cô con gái. Theo ông Kiêm, ông từ H.Xuân Lộc, Đồng Nai đến TP làm ăn từ năm 1995. Lần lượt những người con của ông lớn lên cũng theo cha lên TP tìm việc. Đến năm 2000, vợ ông và ba đứa con nhỏ bán ruộng rẫy để lên theo. Cả gia đình cùng thuê phòng trọ trên để ở. Ông phụ buôn bán lặt vặt, còn bà Trang, vợ ông, đẩy xe đi mua phế liệu.
Thời gian đầu do hộ khẩu tại H.Xuân Lộc chưa bị cắt, người con lớn của ông bà vẫn được cấp CMND, khi lấy vợ lấy chồng cũng làm được thủ tục đăng ký kết hôn và có người được cắt hộ khẩu về TP. Thế nhưng đến năm 2010, người con thứ hai của ông Kiêm về lại Công an xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc để chứng giấy tờ thì được thông báo tất cả nhân khẩu của gia đình đã bị xóa do bỏ địa phương đi quá lâu. Từ đó đến nay, cả gia đình ông lâm vào cảnh bị cắt hộ khẩu ở quê, trong khi hộ khẩu tại TP thì không được nhập. Không có nơi đăng ký thường trú khiến cả ba người con sau của ông Kiêm gồm Tuấn Anh và hai em gái (hiện 16-17 tuổi) đều chưa được cấp CMND.
Tuấn Anh cho biết: “Tôi lấy vợ từ năm 2010 nhưng ngoài bữa cơm mời bà con họ hàng, chúng tôi chẳng có giấy tờ gì để chứng minh là vợ chồng, vì không có hộ khẩu nên không được đăng ký kết hôn”. Do tạm trú đã lâu, ông bà Kiêm và ba người con đã được cấp sổ tạm trú dài hạn (KT3). Nhưng với bản KT3 này, ba người con của ông Kiêm không thể được cấp CMND...
Theo điều 20 Luật cư trú, người nhập hộ khẩu vào TP phải ở một chỗ nhất định từ một năm trở lên với diện tích bình quân từ 5m2/người và được chủ hộ cho thuê bảo lãnh nhập khẩu (trường hợp ở nhà thuê). |
Theo Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thì điều kiện về nhà ở hợp pháp để được xét nhập hộ khẩu vào TP là phải đạt diện tích tối thiểu 5m2/người. Hiện nay, quy định này vẫn còn “làm khó” nhiều hộ gia đình. Trong khi đánh giá điều kiện về diện tích tối thiểu, cơ quan đăng ký hộ khẩu cũng chưa xem xét đến điều kiện thực tế về nhà ở tại TP, nhất là những căn nhà nằm trong diện quy hoạch “treo” từ nhiều năm nay.
Anh Q., một chủ hộ tại P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, cho biết cuối năm 2011, anh làm thủ tục nhập khẩu cho bốn người trong gia đình vào căn nhà hơn 50m2 tại P.Bình Trị Đông. Nếu căn cứ theo quy định mỗi người 5m2 thì nhà anh được nhập hộ khẩu đến 10 người. Tuy nhiên, phần lớn diện tích nhà anh nằm trong quy hoạch đường, chỉ khoảng 5m2 nằm ngoài quy hoạch nên cơ quan chức năng chỉ đồng ý cho anh và một người con nhập hộ khẩu. Anh phải thuyết phục, giải thích bằng nhiều cách mới được giải quyết nhập hộ khẩu cho cả bốn người.
Chị Nguyễn Thị Hòa (quê Sóc Trăng) cho biết vợ chồng chị thuê căn nhà nhỏ tại P.15, Q.Tân Bình để ở từ nhiều năm nay. Giữa năm 2011, chị đến công an quận hỏi thủ tục nhập khẩu mới biết phải có hợp đồng thuê nhà được công chứng thì mới có thể xét cho nhập hộ khẩu, trong khi căn nhà chị thuê chủ nhà chưa được cấp chủ quyền nên không thể công chứng hợp đồng cho thuê nhà.
Đại tá Nguyễn Văn Dung, trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an TP, cho biết những trường hợp người dân bị cắt hộ khẩu gốc tại các tỉnh, thành khi vào TP làm ăn đã lâu là những trường hợp bị cắt hộ khẩu trước khi Luật cư trú có hiệu lực. Ông Dung chia sẻ việc không có hộ khẩu sẽ khiến người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng khi giải quyết hồ sơ nhập hộ khẩu, cơ quan chức năng vẫn phải đảm bảo các điều kiện đúng theo quy định.
Theo ông Dung, quy định của pháp luật hiện hành bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương mới đủ điều kiện được cấp CMND, nên người nào muốn làm giấy CMND thì trước hết phải giải quyết hộ khẩu thường trú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận