22/11/2013 07:49 GMT+7

Hồ, đập thủy điện không an toàn phải ngừng hoạt động

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Trong phiên chất vấn này có 14 đại biểu chất vấn trực tiếp, Thủ tướng lần lượt trả lời các vấn đề về bội chi ngân sách, tình hình nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, “hội chứng” nhà máy lọc dầu và thủy điện. Dưới đây là các nội dung chính.

MSfSNBke.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 21-11 - Ảnh: Việt Dũng

* Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam): Việc tăng bội chi ngân sách nhà nước và phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ liệu có dẫn đến lạm phát cao trở lại?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Băn khoăn này của đại biểu là chính đáng. Chính phủ đã trình và được Quốc hội đồng ý tăng bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016. Nếu như chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014, 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7%, đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công quốc gia trong giới hạn an toàn là khả thi.

YaGvTPl3.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề liên quan đến thủy điện - Ảnh: Việt Dũng

* Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận): Xin Thủ tướng cho biết những giải pháp của Chính phủ nhằm khắc phục nhanh những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực thủy điện?

- Trong những năm qua thủy điện đóng góp rất quan trọng, bên cạnh đó cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế yếu kém. Những hạn chế, yếu kém này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là yếu kém trong quản lý nhà nước của các cơ quan trực thuộc Chính phủ, của chính quyền địa phương.

Chính phủ, Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo, tiếp tục chỉ đạo khắc phục bằng các nhóm giải pháp cụ thể sau. Đối với 268 dự án nhà máy thủy điện đang vận hành, phải rà soát, đánh giá lại sự an toàn của hồ, đập, cái nào không an toàn phải ngừng hoạt động. Đồng thời phải rà soát, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt cho phù hợp với diễn biến thực tế của khí hậu, thời tiết. Phải công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành, không phải đợi tới khi có lũ, tới mùa cạn kiệt mới thông báo. Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu UBND các địa phương tăng cường thực hiện trách nhiệm được giao của mình, buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quy trình vận hành hồ chứa, chủ đầu tư nào thực hiện không đúng thì xử lý nghiêm. Một việc nữa là nghiên cứu đề xuất chính sách bổ sung đối với hộ nghèo ở những vùng tái định cư của các dự án thủy điện. Cùng với đó là rà soát lại và bổ sung cơ chế chính sách để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết trồng bù diện tích rừng đã mất do làm dự án thủy điện.

Đối với 205 dự án đang khởi công xây dựng, Chính phủ cũng chỉ đạo như sau: Một là rà soát đánh giá xem thiết kế kỹ thuật có đảm bảo an toàn không? Chưa an toàn phải dừng lại để bổ sung, không đợi xây dựng xong. Hai là rà soát xem phương án tái định cư có đúng chính sách pháp luật không; ba là phương án trồng lại rừng cụ thể như thế nào?

Còn lại khoảng 248 dự án nằm trong quy hoạch chưa khởi công xây dựng, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch này trong cả nước, tiếp tục cùng với các bộ liên quan, các địa phương rà soát lại một lần nữa và tổ chức thẩm định, trước khi phê duyệt quy hoạch phải báo cáo Thủ tướng.

IBCZNP00.jpgPhóng to
Từ trái qua phải: đại biểu Hà Sĩ Đồng và đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đại biểu Trần Thị Hiền - Ảnh: Việt Dũng

* Đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị): Tình trạng nợ đọng các nghị định, quyết định của Chính phủ quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh kéo dài nhiều năm. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp khắc phục?

- Tình hình nợ các văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thi hành luật, pháp lệnh diễn ra rất nhiều năm. Từ năm 2012, Chính phủ nhận thấy hạn chế yếu kém này và tập trung khắc phục, đến cuối năm còn nợ 27 văn bản. Nhưng nợ 27 văn bản cũng là một bước tiến bộ so với 10 năm trước, đây là năm có số văn bản nợ thấp nhất. Đến năm 2013, các luật và pháp lệnh có hiệu lực nhiều hơn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành tới 129 nghị định và quy định để thi hành 38 luật và pháp lệnh, nghĩa là gấp đôi năm 2012. Đến hôm qua Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo với tôi là còn nợ 19 văn bản, như vậy 129 văn bản thì đã ban hành được 110. Nếu so với năm 2012 nợ 27 văn bản thì năm 2013 này số nợ còn lại 19 văn bản. Đây là một bước tiến, nhưng chúng tôi vẫn thấy còn 19 văn bản thì vẫn còn nợ. Tôi yêu cầu là phải thúc đẩy để ban hành tất cả những văn bản còn lại, nhưng có những văn bản rất khó ban hành và cũng chưa thật là cấp bách. Ví dụ nghị định về việc xây dựng quỹ, sử dụng quỹ để đền bù thiệt hại do điện hạt nhân gây ra...

Cùng với số lượng, chất lượng ban hành văn bản từng bước được nâng lên, có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một số quy định khi ban hành không phù hợp với cuộc sống, thiếu tính khả thi. Tuy là số ít nhưng gây bức xúc. Chính phủ tập trung vào bốn nhóm giải pháp để khắc phục. Thứ nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thứ hai, xây dựng hình thành vụ pháp chế trong các bộ ngành, thu hút những cán bộ am hiểu về pháp luật để giúp lãnh đạo làm tốt hơn công tác xây dựng quy định pháp luật. Thứ ba, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, cắt bớt những quy trình, thủ tục gây kéo dài nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ. Thứ tư, khắc phục tình trạng khi xây dựng, ban hành một luật, nghị định nào đó mà tư tưởng chính sách chưa rõ ràng, giải pháp chủ yếu chưa thống nhất.

* Đại biểu Hà Sĩ Đồng: Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước không có dầu, nhưng vẫn được cấp phép khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu. Xin Thủ tướng cho biết quan điểm về quản lý quy hoạch và cấp phép các cơ sở lọc dầu?

- Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, đã ban hành quy hoạch phát triển nhà máy lọc dầu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Thực tế hiện nay có mấy dự án trong quy hoạch như sau.

Thứ nhất, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành tốt. Thứ hai, nằm trong quy hoạch là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), công suất 10 triệu tấn/năm, đã chính thức khởi công. Thứ ba là Nhà máy lọc dầu Phú Yên, đối tác là một doanh nghiệp lớn của Nga xin đầu tư, các cơ quan chức năng của VN đã thẩm định và cấp phép, công suất 8 triệu tấn/năm. Thứ tư, theo quy hoạch được phê duyệt là Nhà máy lọc dầu số 3 ở khu vực Long Sơn của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến hôm nay vẫn nằm trong quy hoạch, đang kêu gọi đầu tư. Thứ năm, nhà máy lọc dầu ở Cần Thơ nằm trong quy hoạch, nhưng chủ đầu tư có khả năng không đầu tư được nên Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ xem xét rút giấy phép. Thứ sáu, một dự án trong quy hoạch cũng đang kêu gọi đầu tư là dự án nhà máy lọc dầu ở khu vực Nam Vân Phong của Khánh Hòa.

Có một dự án không nằm trong quy hoạch nhưng Thủ tướng đã đồng ý bước đầu để làm thủ tục, một tập đoàn lớn của Thái Lan có giới thiệu của Chính phủ Thái Lan xin đầu tư nhà máy lọc dầu với công suất 30 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Thủ tướng đồng ý bước đầu tức là báo cáo đầu tư tiền khả thi để các cơ quan chức năng của VN xem xét, nếu như bảo đảm pháp luật của VN, có lợi cho ta và cũng có lợi cho nhà đầu tư thì lúc đó sẽ xem xét bổ sung vào quy hoạch lọc hóa dầu.

Tập trung xử lý nợ xấu

Báo cáo, giải trình thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri quan tâm, chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với những kết quả đạt được cho đến thời điểm hiện nay, có cơ sở để phấn đấu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013 mà Chính phủ báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp. Thủ tướng nói thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, nhất là việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ vay, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm công khai minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các câu hỏi sẽ được Thủ tướng trả lời qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ

Trong số các câu hỏi mà 14 vị đại biểu đã chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết những câu hỏi chưa được trả lời trực tiếp sẽ trả lời bằng văn bản và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Cụ thể một số chất vấn chưa được trả lời như sau:

* Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) hỏi vấn đề liên quan đến đổi mới chính sách, thể chế nhằm tạo niềm tin cho thị trường.

* Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) chất vấn về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp thời gian qua và các giải pháp sẽ tiếp tục thực hiện?

* Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn về lĩnh vực phòng chống tham nhũng với câu hỏi: “Thưa Thủ tướng, kể từ khi Quốc hội giao trọng trách là người đứng đầu đến nay trải qua gần hai nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng?”.

* Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu chất vấn về mười vụ đại án tham nhũng đã, đang và sắp đem ra xét xử.

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) chất vấn: “Đề nghị Thủ tướng cho biết bằng giải pháp gì để các chính sách và chủ trương về nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống để người nông dân sống được, sống khá và làm giàu bằng nghề nông”.

* Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu câu hỏi về việc trưng cầu hiền tài từ nguồn nhân lực chất lượng cao quốc tế, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý là người VN ở nước ngoài.

* Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chất vấn về việc vì sao có sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và chủ trương đầu tư sân bay Long Thành?

* Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đề cập vấn đề cho tạm nhập tái xuất đường của Hoàng Anh Gia Lai và chất vấn giải pháp giúp cho 40 nhà máy đường và hàng triệu nông dân cũng như hàng vạn người lao động ở các nhà máy đường được đảm bảo cuộc sống?

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thủ tướng thừa nhận quản lý thủy điện yếu kémCòn bao nhiêu con thỏ bị tuyên là gấu?Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội Liệu Quốc hội có né những vấn đề nóng không? Quốc hội tiếp tục ngày chất vấn thứ ba Trách nhiệm chung chung

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên