Phóng to |
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình - Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Lê Thanh Vân đặt vấn đề: chất lượng giải quyết các vụ án tùy thuộc vào chất lượng thẩm phán, điều tra viên và thư ký. Như lời Bác Hồ nói: "Cán bộ là gốc của công việc, công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém", với trách nhiệm là người đứng đầu hệ thống xét xử, đề nghị Chánh án cho biết những giải pháp cụ thể để nâng chất lượng cán bộ.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyển (Lâm Đồng) nêu vấn đề: hằng năm vẫn có hàng chục nghìn đơn xin đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, điều đó chứng tỏ niềm tin của người dân về công lý chưa cao, vậy chánh án có giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử, lấy lại lòng tin của nhân dân và giải quyết kịp thời đơn giám đốc thẩm, tái thẩm của nhân dân?
Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Ảnh: Việt Dũng |
Vấn đề thứ hai đại biểu Thuyền nêu là vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan, gây bức xúc trong dư luận, vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu và chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho dân? Liệu có còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Nga (Thái Nguyên) nêu: "Qua vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi đề nghị chánh án, Viện trưởng viện Kiếm sát nhân dân và Bộ trưởng Bộ công an cho biết trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra những vụ án oan trong thời gian qua và giải pháp nào để hạn chế án oan trong thời gian tới?
Thời gian qua có phản ánh về việc một số người bị các điều tra viên ép cung, bức cung và dùng nhục hình nên họ buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện, ba vị đầu ngành có giải pháp gì để giải quyết những sai phạm này?
Tôi và nhiều cử tri đề nghị thêm 2 giải pháp: một là lắp camera giám sát những cuộc hỏi cung; hai là nghiên cứu để giao việc tạm giữ, tạm giam cho một ngành khác không phải là công an để tránh việc cùng một chủ thể vừa có trách nhiệm điều tra lại vừa giam giữ, quản lý người tình nghi nên khó tránh khỏi việc vi phạm, lạm quyền trong giam giữ hay điều tra".
Trả lời về vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ, ông Trương Hòa Bình cho biết ngành tòa án đã có chiến lược về công tác cán bộ. Ông cho biết ngành cũng đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, đạo đức, tinh thông nghiệp vụ để hạn chế thấp nhất những án oan sai.
Ngành cũng thường xuyên sát hạch công chức để nâng cao năng lực, khuyến khích việc tự học để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, cũng tổ chức luân chuyển cán bộ, phát hiện cán bộ giỏi có năng lực để đào tạo, đưa vào quy hoạch.
Khó phát hiện việc ép cung
Về vấn đề đại biểu Lê Thị Nga nêu có ép cung, nhục hình hay không, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết việc ép cung, nhục hình là không thể chấp nhận được. Nếu có thì sự việc phải được chứng minh. Ông Bình cho rằng rất khó để Hội đồng xét xử phát hiện ra có chuyện ép cung hay không. Thông thường thì khi bị can hoặc luật sư yêu cầu xem xét thì tòa án mới có cơ sở xem lại vụ việc. Việc phát hiện những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố đòi hòi thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký phải có trình độ, bản lĩnh và phải có cái tâm để phát hiện ra liệu có ép cung hay không.
"Nếu cán bộ nào vi phạm, có hành vi ép cung hay bức cung đều bị xứ lý theo quy trình, điều lệnh và theo pháp luật" - ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Để oan sai với mức án cao nhất là không chấp nhận được
Giải trình về vu án oan của ông Chấn, chánh án Trương Hòa Bình nói: vụ án ông Chấn xảy ra đã có bản án hình sự phúc thẩm năm 2004. Sau khi xét xử thì ông Chấn có đơn kêu oan. Ngày 4-11-2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ các quy định pháp luật tố tụng hình sự có quyết định kháng nghị tái thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên.
Bản án được kháng nghị, tòa án nhân dân tối cao đã triệu tập phiên họp của hội đồng thẩm phán tối cao để xét xử tái thẩm, căn cứ pháp luật hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng để hủy án điều tra lại. Hiện nay, các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để viện kiểm sát điều tra lại. Viện kiểm sát sẽ chuyển lại cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án.
Mỗi năm cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết trên 100.000 vụ án hình sự. Việc đấu tranh điều tra tội phạm là khó khăn, vất vả, có trường hợp chiến sĩ công an hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ, công tố và thẩm phán cũng chịu áp lực rất lớn.
Thực tế do nhiều lý do khác nhau nên có oan sai. Gần đây dư luận cho rằng vụ ông Chấn có oan sai và có ép cung, nhục hình.
Về bình diện chung, nền tư pháp của nước nào, kể cả nước phát triển cũng không tránh khỏi oan sai. Việt Nam cũng nằm trong thực tế đó, nhưng việc để xảy ra oan sai, và oan với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất (20 năm chung thân, tử hình) là không thể chấp nhận được.
Theo Chánh án, việc gây oan sai cho người vô tội, như các đại biểu đã phát biểu - là một việc làm để lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân người bị oan và gia đình của họ. Chánh án cũng cho biết, để hạn chế oan sai, từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, TAND Tối cao cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải xem xét lại toàn bộ các vụ án có đơn khiếu nại, kiến nghị giám đốc thẩm. TAND Tối cao cũng chỉ đạo các tòa chuyên trách, Tòa án địa phương rà soát lại những vụ án đã xét xử với các mức án cao nhất (đặc biệt là vụ án có mức án chung thân, tử hình) để xem có dấu hiệu oan sai hay không.
Kiến nghị xem xét lại vụ án Lê Bá Mai
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng đề nghị Chánh án Trương Hòa Bình xem xét vụ án mà dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian qua là vụ án Lê Bá Mai (phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em) tại Bình Phước. Theo đại biểu Hùng thì vụ án này đại biểu thấy Lê Bá Mai có dấu hiệu cũng bị oan sai. Vụ án qua 4 lần xét xử và cũng có bản án Tòa án tuyên Lê Bá Mai vô tội. Ông Hùng hỏi Chánh án Trương Hòa Bình rằng vụ án sẽ còn tiếp tục giám đốc thẩm hay không?
Về vụ án này, Chánh án Trương Hòa Bình trả lời rằng cách đây không lâu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã xử phúc thẩm vụ án và tuyên Mai có tội (mức án chung thân). Bản án này đã có hiệu lực pháp luật và Chánh án tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Nếu vụ án còn tiếp tục có đơn kêu oan, kiến nghị giám đốc thẩm thì các cơ quan chức năng của TAND Tối cao sẽ xem xét lại vụ án theo đúng trình tự thủ tục quy định, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để không gây oan sai cho người vô tội, giữ vững hình ảnh là biểu tượng công lý của Tòa án.
Đã chấn chỉnh, kỉ luật thẩm phán xử nhẹ tội phạm tham nhũng
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) tiếp tục chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình về tình trạng xét xử án tham nhũng nhàng. Theo ông Thường, tham nhũng thuộc nhóm tội phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm khắc nhưng theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ quốc hội năm 2013 còn quá nhiều tòa án xử nhẹ (dưới mức thấp nhất của khung hình phạt) và xử án treo cho tội phạm tham nhũng.
Đại biểu Thường dẫn chứng theo báo cáo, có tòa án tỉnh trong 2 năm rưỡi xử 10 bị cáo tham nhũng thì tuyên cả 10 bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, có tòa xử 9 bị cáo thì cho 8 người hưởng án treo. Điều này khiến dư luận cho rằng tòa xử nghiêm với dân còn ưu ái cho cán bộ. Dư luận cũng không khỏi đặt vấn đề việc xử ưu ái trên khó mà không có tiêu cực!
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn: "Trong xét xử các vụ án tham nhũng, tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xứ lý dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỉ lệ rất cao. Có nơi tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm từ 80 đến 100%, dư luận cho rằng thực trạng xử lý như thế không loại trừ dấu hiệu bao che, tiêu cực tham nhũng. Đây là yếu kém đã kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân yếu kém trên có nhiều nhưng theo tôi nguyên nhân chính thuộc về lỗi chủ quan của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp. Đề nghị chánh án cho biết với trọng trách là người đứng đầu ngành, ông có cam kết trước Quốc hội quyết tâm của chánh án và ngành sẽ khắc phục ngay yếu kém trên đến mức thấp nhất trong năm 2014 hay không?"
Giải trình về vấn đề này, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng đúng là vẫn còn một số tòa án tỉnh, địa phương xử nhiều án treo đối với các tội phạm tham nhũng nhưng phần lớn đã xảy ra nhiều năm trước. Vấn đề này Chánh án cũng đã giải trình trước Quốc hội rồi.
Theo ông Bình: Những vụ án trọng điểm, tham nhũng lớn, tài sản tiền bạc của nhà nước thất thoát nhiều thời gian qua đều được xử lý nghiêm. Một số tòa án xử dưới khung, xử án treo đối với tội tham nhũng là những vụ tham nhũng nhỏ, khi phát hiện thì TAND Tối cao đều đã có kháng nghị để xử lại. Đối với những vụ việc xảy ra lâu, đã hết thời hạn kháng nghị (vì muốn kháng nghị xử tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo thì phải trong thời hạn nhất định) thì TAND Tối cao cũng đã xem xét, kỷ luật đình chỉ xét xử đối với thẩm phán.
Chánh án Trương Hòa Bình cũng cho biết bên cạnh việc xử lý kỉ luật thẩm phán cho tội phạm tham nhũng hưởng án treo không đúng trên cũng xem xét trách nhiệm của người đứng đầu (chánh án) của tòa án đó.
Giảm án oan, giảm được khoản chi ngân sách bồi thường
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề: Trong nhiều năm nay, chúng ta đã có chủ trương bồi thường cho những vụ án oan. Con số bồi thường này tuy chưa đáp ứng được những thiệt thòi của những người bị án oan nhưng cũng là một số tiền không nhỏ. Nhân dân đặt vấn đề cái sai của các cơ quan xử án cuối cùng lại đè lên ngân sách của quốc gia, điều đó có thể tạo ra áp lực đối với cơ quan xét xử như chánh án đã nói là làm nhụt ý chí của những người làm tòa án hay không và giải quyết vấn đề đó như thế nào? Rõ ràng hiện nay chúng ta có không ít các vụ án vi phạm tố tụng, giam gữ phạm nhân có khi tới 7 năm, nhiều lần xét xử, điều tra đi điều tra lại. Chúng tôi muốn chánh án cho biết với việc thực hiện chủ trương này, làm thế nào để giảm thiểu án oan cũng như giảm chi phí không đáng có trong ngân sách?
14g chiều nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình sẽ tiếp tục phần trả lời chất vấ của các đại biểu
Viện trưởng VKSND tối cao: 5 việc cần làm để giải quyết án oan
Tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn oan sai ở Bắc Giang, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết ngay từ đầu, VKSND Tối cao cũng đã phối hợp với cơ quan điều tra để xem xét và ra kháng nghị đối với vụ án này. Kháng nghị tái thẩm đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chấp thuận.
Tuy dư luận rất nóng ruột nhưng theo Viện trưởng, quy trình giải quyết, làm rõ một vụ án oan sai sẽ phải tuân theo trình tự tố tụng quy định.
Theo ông Bình, án oan dẫu không nhiều nhưng để xảy ra một vụ cũng là điều đáng tiếc. Theo VKSND Tối cao, có 5 việc cần làm để giải quyết một vụ án oan:
Thứ nhất là phải kịp thời minh oan cho người bị oan sai.
Thứ hai là tích cực phối hợp cơ quan điều tra tìm phạm thực sự của vụ án.
Thứ ba, triển khai công tác bồi thường oan sai.
Thứ tư là xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai (sai đến đâu, xử lý đến đó) và thứ năm là phải tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, có các kiến nghị khắc phục.
Cùng với ngành Tòa án, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đưa ra nhiều giải pháp của ngành kiểm sát để hạn chế oan sai: tăng cường công tác kiểm sát điều tra, tích cực chống oan sai ngay từ giai đoạn điều tra (thời gian qua VKS cũng đã nhiều lần từ chối phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt giam), kiểm sát chặt chẽ trong truy tố, tạo điều kiện cho luật sư tham gia ngay từ đầu...
Bên cạnh đó theo ông Nguyễn Hòa Bình, còn nhiều giả pháp khác cũng được VKS thường xuyên thực hiện như việc chú trọng nâng cao chất lượng kiểm sát viên, thực hiện tốt các nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự như nguyên tắc tranh tụng, suy đoán vô tội...
5 giải pháp khắc phục tình trạng oan sai, ép cung, mớm cung Trong phần hỗ trợ trả lời làm rõ việc xử lý cán bộ, điều tra viên dùng nhục hình, ép cung, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang nói rõ trong quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, điều tra viên có trách nhiệm đảm bảo cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can được quyền bào chữa và tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư tham gia bào chữa theo quy định của pháp luật, đây là giái pháp thứ nhất. Thứ hai, thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trong công tác điều tra. Thứ ba, tăng cường công tác điều tra, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của cơ quan điều tra cấp trên đối với cơ quan điều tra cấp dưới. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với điều tra viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra vi phạm trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự. Điển hình là một số cán bộ, chiến sĩ công an ở một huyện thuộc thành phố Hà Nội đánh người dẫn đến tử vong vào ngày 22-6-2012, Bộ Công an đã chỉ đạo công an Hà Nội tước danh hiệu công an nhân dân đối với 7 cán bộ, chiến sĩ và khởi tố vụ án hình sự, điều tra, truy tố trước pháp luật. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo ngành kiểm sát chỉ đạo ngành kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường công tác kiểm sát hoạt động điều tra, phát hiện kịp thời những vi phạm của điều tra viên, của cơ quan điều tra để xử lý và khắc phục. Thứ tư, Bộ Công an đang tích cực phối hợp các bộ ngành có liên quan nghiên cứu soạn thảo, báo cáo chính phủ, trình Quốc hội ban hành luật tổ chức điều tra hình sự. Thứ năm, Bộ Công an cũng có kế hoạch tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, tâm lý, đạo đức cho đội ngũ điều tra viên để các điều tra viên tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và của ngành công an trong hoạt động điều tra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, vi phạm có thể xảy ra. |
f5 cập nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận