12/03/2012 04:11 GMT+7

Hiệu quả đến đâu?

BÁ SƠN thực hiện
BÁ SƠN thực hiện

TT - 187 triệu USD (tương đương 3.800 tỉ đồng) là số tiền đầu tư cho dự án xây dựng Trung tâm điều khiển giao thông TP.HCM dự kiến triển khai trong giai đoạn 2012-2017. Hiệu quả dự án này đến đâu?

Hiệu quả được giới thiệu sẽ khá nhiều nhưng không ít nỗi lo vì TP.HCM đã từng có bài học về việc này.

Coi chừng “tiền mất tật mang”Đường một chiều: giải pháp giảm kẹt xeGiải pháp gốc rễ để hạn chế kẹt xe

7GHpQPwz.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ, Q.1, TP.HCM. Trung tâm điều khiển giao thông sẽ chấm dứt việc điều khiển đèn tín hiệu giao thông bằng tay như hiện nay - Ảnh: Thuận Thắng

Ông LÊ QUYẾT THẮNG, giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP, cho biết:

- Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hàng ngàn giao lộ nhưng chỉ khoảng 590 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông gồm hai hệ thống: 159 chốt thuộc Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông do Công an TP quản lý, được lắp đặt năm 1998 và 2002. Hơn 400 chốt còn lại do các khu quản lý giao thông đô thị trực thuộc Sở GTVT lắp đặt và quản lý. Hai hệ thống này hoạt động độc lập, không kết nối được với nhau và hầu hết đèn tín hiệu phải điều khiển bằng tay, gây khó khăn rất lớn cho việc điều hành. Mặt khác, cả hai hệ thống đèn tín hiệu trên đều xuống cấp (đầu dò đếm lưu lượng xe bị hư, cáp nối bị đứt...) nên hiệu quả khai thác không cao.

Vì vậy, chúng tôi đã lập đề cương chi tiết và UBND TP đã đề xuất Chính phủ cho phép sớm triển khai dự án xây dựng Trung tâm điều khiển giao thông TP.HCM để kết nối hệ thống đèn tín hiệu giao thông hiện hữu, đồng thời đầu tư thêm các hạng mục khác với tổng mức đầu tư khoảng 187 triệu USD, trong đó chủ yếu là vốn vay ODA của Chính phủ Pháp.

Tránh “vết xe đổ”

Năm 1998, TP.HCM từng lắp đặt nhiều đèn tín hiệu giao thông trong dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị TP.HCM với tổng kinh phí 20,7 triệu USD (trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới khoảng 18,6 triệu USD). Dự án lúc đó dự kiến lắp đặt 121 bộ đèn tín hiệu giao thông (trị giá 3,5 triệu USD) và đầu tư khoảng 8,1 triệu USD cho trung tâm điều khiển giao thông nhưng việc thực hiện rất chậm. Thanh tra Chính phủ sau đó đã thanh tra vì việc thực hiện dự án này gây lãng phí lớn khi nhiều chốt đèn được lắp đặt trước đó không lâu lại bị tháo gỡ để thay thế, sau khi bàn giao thì nhiều đầu dò lưu lượng xe trên đường bị hư, một số chốt đèn tín hiệu giao thông bị trục trặc.

* TP.HCM hiện đã có trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông, liệu có cần thiết bỏ ra số tiền lớn như vậy để xây dựng một trung tâm mới?

- Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông chỉ là một bộ phận của trung tâm mới. Ngoài các chốt đèn tín hiệu hiện hữu, chúng tôi sẽ khảo sát để nâng tổng nút giao thông được lắp đặt đèn tín hiệu lên 1.500 nút. Tại mỗi giao lộ lắp đặt hai camera quan sát, tính ra dự án sẽ lắp đặt khoảng 3.000 camera, ở các cửa ngõ và các tuyến đường trọng điểm sẽ lắp đặt bảng điện tử thông báo tình hình giao thông để người dân theo dõi.

Ý nghĩa lớn nhất của dự án này ở chỗ sẽ kết nối tất cả hệ thống giao thông của TP thành một, gồm: hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, hệ thống quản lý xe buýt, hệ thống thu phí cầu đường điện tử, hệ thống quản lý an toàn giao thông. Như vậy, từ một trung tâm chúng ta sẽ thực hiện được ba nhóm chức năng quan trọng: Một là, thống kê một cách chính xác, đầy đủ lưu lượng xe và tình hình giao thông thực tế của TP. Hai là tổ chức giao thông: từ trung tâm có thể điều chỉnh thời lượng, chu kỳ của đèn tín hiệu giao thông một cách linh hoạt.

Mặt khác trung tâm còn có tác dụng điều tiết giao thông từ xa, ví dụ qua phần mềm theo dõi tổng thể giao thông có thể biết hoặc dự báo được tuyến đường nào sẽ kẹt xe để cảnh báo người dân chuyển sang tuyến đường khác. Ba là khi trung tâm này đưa vào khai thác sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc chấp hành Luật giao thông, vì hệ thống camera có thể chụp rõ biển số xe để làm cơ sở xử phạt nguội người vi phạm Luật giao thông.

Với quy mô một TP lớn như TP.HCM có gần 10 triệu dân (tính cả người tạm trú) cùng gần 5 triệu xe máy và nửa triệu ôtô, việc xây dựng trung tâm này không thể nói là cần thiết hay không mà phải khẳng định bây giờ TP mới xem xét xây dựng là muộn. Dự án này được xác định là một giải pháp đột phá để kéo giảm ùn tắc giao thông của TP.HCM những năm sắp tới.

* Trung tâm điều khiển giao thông sẽ kết nối với cơ sở hạ tầng hiện hữu của TP ra sao?

- Trung tâm này sẽ kế thừa, nâng cấp các cơ sở hạ tầng hiện có. Dự kiến Trung tâm điều khiển giao thông TP.HCM còn kết nối với Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (Q.1 - Q.2), Trung tâm quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

* Việc xây dựng trung tâm này sẽ được thực hiện thế nào?

- Sau khi Chính phủ chấp thuận đưa dự án này vào danh mục sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, chúng ta phải tiến hành đàm phán để vay vốn. Trong đó ngân sách TP phải sắp xếp khoảng 17 triệu USD (tương đương 350 tỉ đồng) làm vốn đối ứng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong vòng sáu năm từ năm 2012-2017 chia làm ba giai đoạn: hai năm đầu tiên là khảo sát, thiết kế và lắp đặt thiết bị tại 400 nút giao thông, hai giai đoạn trong bốn năm tiếp theo sẽ lắp đặt thiết bị ở 1.000 giao lộ còn lại.

Dự án triển khai tại các quận trung tâm như 1, 2, 3, 5, 10, sau đó tiếp tục mở rộng tới tất cả 24 quận huyện của TP. Để vận hành trung tâm này dự kiến chỉ cần khoảng 150 người, trong đó số người điều khiển ở trung tâm chỉ khoảng 20 người, còn lại là đội ngũ bảo trì, sửa chữa.

* Việc thực hiện dự án liệu có đảm bảo được hiệu quả và tránh lãng phí?

- Hiệu quả trong việc tổ chức giao thông để giảm ùn tắc là rất rõ ràng. Riêng việc xác định cụ thể sắm các loại thiết bị như thế nào, giá cả bao nhiêu... thì phải tổ chức nghiên cứu và đấu thầu công khai, minh bạch. Công nghệ mới sử dụng camera và đường truyền cáp quang sẽ đếm lưu lượng tốt hơn việc sử dụng đầu dò như trước đây.

TS KHUẤT VIỆT HÙNG (Trường đại học Giao thông vận tải):

Cần chú trọng tính kết nối

Việc xây dựng trung tâm điều khiển giao thông của TP.HCM là cần thiết, nhưng cần rút kinh nghiệm các dự án lắp đặt đèn tín hiệu trước đó, khi đầu tư những loại thiết bị có nguồn gốc khác nhau giống như mỗi người nói một thứ tiếng, không giao tiếp được với nhau nên rất lãng phí. Việc mua sắm thiết bị cần phải có một chuẩn chung và tính tới yếu tố “mở”, có thể kết nối với các trung tâm điều khiển giao thông khác và sẵn sàng nâng cấp, mở rộng về sau.

BÁ SƠN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên