Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM chiều 31-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không ít ý kiến cho rằng việc bày tỏ sự tò mò, thậm chí là trục lợi khi đưa thông tin, livestream trên mạng xã hội của nhiều người thể hiện mong muốn đạt được giá trị ảo đến mức bất chấp cả sự an nguy của bản thân.
* Thạc sĩ Ngô Hữu Thống (chánh văn phòng Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ĐHQG TP.HCM):
Tò mò - "điểm trừ" khó bỏ ở một số người Việt
Trong trường hợp này, nghi phạm là kẻ cực kỳ nguy hiểm do có vũ khí, nghiệp vụ lại đang bị vây bắt gắt gao nên sẽ rất manh động. Do đó, việc nghi phạm nổ súng nếu chạm trán với lực lượng an ninh là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, người dân hiếu kỳ tụ tập đông người tại hiện trường là rất không nên vì khả năng cao họ sẽ bị trúng đạn lạc hay bị nghi phạm bắt làm con tin.
Ngoài ra, việc người dân hiếu kỳ tụ tập có thể làm cho các chiến sĩ công an bị phân tâm khi làm nhiệm vụ. Chúng ta cần hiểu họ phải dàn trải để bảo vệ nhà dân trong khu vực, vừa phải lùng bắt nghi phạm lại còn phải lo lắng cho sự an toàn của số người hiếu kỳ tụ tập. Sự di chuyển của lực lượng an ninh cũng bị ảnh hưởng vì người dân còn dừng xe hẳn trên đường giao thông để xem.
Qua câu chuyện này, càng cho thấy tính hiếu kỳ là đặc tính, "điểm trừ" khó bỏ của người Việt chúng ta. Ngay cả khi họ biết sự hiếu kỳ đó đồng nghĩa việc coi thường sự an toàn của bản thân và người nhà. Thật ngạc nhiên là có người còn nhiệt tình chở cả gia đình, vợ con vượt vài chục cây số đến xem chỉ vì "xem qua mạng không đã". Một số người còn livestream trên Facebook, YouTube... họ coi giá trị ảo cao hơn mạng sống thật?
Sự hiếu kỳ, xét trong một chừng mực nào đó, không phải là xấu và nó cũng không phải đặc tính riêng gì của người Việt. Tuy nhiên, điều gì cũng cần phải có giới hạn nhất định.
Ở các nước, người dân được giáo dục trong những trường hợp cảnh sát đang truy bắt tội phạm hoặc có nổ súng thì phải tránh xa hiện trường hoặc đóng cửa ở yên trong nhà cho đến khi có chỉ dẫn từ cảnh sát. Có thể ở Việt Nam, người dân thường chỉ chứng kiến việc nổ súng giữa cảnh sát và tội phạm trên màn ảnh nhỏ nên chưa hình dung được hệ lụy nghiêm trọng thật sự từ nó?
* Anh Daisuke Mori (chuyên viên người Nhật):
Tò mò có khi mất mạng
Nếu vụ việc truy bắt tội phạm diễn ra ở Nhật Bản, tôi đoan chắc phần lớn người dân tại khu vực đó sẽ ở trong nhà và đóng chặt cả cửa chính lẫn cửa sổ. Điều đáng buồn là qua thời gian khá dài sống ở Việt Nam, tôi thấy hiện tượng ngược lại. Một bộ phận người Việt thường tụ tập chỉ để thỏa mãn sự tò mò, nhất là trong các vụ tai nạn giao thông. Tôi không hiểu họ làm vậy để làm gì? Họ có nghĩ đến viễn cảnh gia đình tang thương nếu vô tình trong tầm ngắm của hung thủ?
Thay vì vậy, họ có thể góp phần giúp công an phá án bằng cách cung cấp thông tin nhận diện những kẻ tình nghi, hung thủ. Việc tụ tập tại nơi kẻ sát nhân đang trốn cũng có thể khiến hắn bị kích động mạnh. Sự tò mò đôi khi trả giá bằng tính mạng. Trong thảm họa sóng thần vừa qua, đã có một số người Nhật muốn tận mắt chứng kiến sự hung hãn của thiên nhiên và đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình...
* Nghiên cứu sinh Đinh Ngọc Khang (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore):
Phải biết kiểm soát tính tò mò
Đọc báo, tôi sửng sốt trước việc một số người tập trung để xem lực lượng chức năng tổ chức vây bắt nghi can Lê Quốc Tuấn.
Tôi tự hỏi khi tụ tập để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình, liệu có ai trong số họ nghĩ về tính mạng của chính mình? Với một kẻ thủ ác manh động, đang ở hoàn cảnh "không còn gì để mất" mà trong tay lại có vũ khí nóng, khả năng chống trả bất chấp, gây thêm án là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ở các quốc gia tôi từng đến học tập, nghiên cứu, nếu có sự việc tương tự, họ hiếm khi dừng lại hay tụ tập để xem. Tôi tin trong sâu thẳm họ cũng rất hiếu kỳ, họ cũng không phải thờ ơ với cái xấu, cái ác nhưng họ hiểu rằng tính mạng của họ là trên hết. Ngoài ra, họ cũng không muốn làm điều gì gây phiền, ảnh hưởng đến công việc của lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.
* Ông L. Dennis Woolbright (người Mỹ):
Cản trở cảnh sát làm nhiệm vụ
Khi nghe chuyện người ta ùn ùn kéo nhau đến hiện trường bắn súng để... xem vì hiếu kỳ, tôi chỉ có thể nghĩ cuộc sống của nhiều người chắc "bình yên quá" sinh nhàm chán hay sao mà họ luôn muốn có nhiều trải nghiệm mạo hiểm như thế. Họ tò mò muốn biết được chuyện gì xảy ra, tại sao xảy ra và ai có liên can đến chuyện đó.
Như tình huống người dân kéo đến hiện trường truy bắt tội phạm cực kỳ rủi ro khi "tên bay, đạn lạc". Chưa kể khả năng tội phạm lợi dụng đám đông để trốn thoát. Trong khi đó, nếu một vụ bắn súng xảy ra ở nước tôi, phần lớn người dân xung quanh sẽ trốn trong nhà, cùng lắm là nhìn lén qua cửa sổ, chẳng ai dám bén mảng đến gần hiện trường. Nếu đến hiện trường, bạn có thể bị bắt vì cản trở cảnh sát làm nhiệm vụ, họ gọi đó là tội "cản trở thi hành công lý".
Một hệ quả khác của việc hiếu kỳ không đúng chỗ có thể thấy là khi có tai nạn trên đường, nhiều người dừng lại để... xem, có thể gây ra nhiều tai nạn hơn. Tệ hơn nữa là việc người ta dừng lại xem rồi... quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội mà không ai cấp cứu (hoặc không biết làm) cho nạn nhân cả.
Hiện tượng đáng buồn này lại đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có một số người ứng phó tốt, bình tĩnh và tìm cách giúp đỡ người bị nạn. Bởi ở Mỹ, chúng tôi được dạy phải làm gì trong tình huống khẩn cấp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
* Anh Ryan Patey (người Canada):
Hãy tránh xa hiện trường vụ án
Điểm chung của những người tụ tập nơi truy bắt nghi phạm, những vụ xả súng xảy ra là thể hiện sự tò mò. Họ coi đó là cơ hội để tự mình tạo ra tin tức gì đó có thể được lan truyền rầm rộ trên mạng hoặc được phỏng vấn trên truyền thông. Và thật đáng tiếc khi người ta có thể làm rất nhiều thứ nguy hiểm để đổi lấy sự chú ý.
Cá nhân tôi luôn cố gắng tránh những nơi nguy hiểm tương tự, càng xa càng tốt và tôi cảm thấy phần lớn mọi người đều chia sẻ quan điểm này. Dù vậy, tôi thừa nhận rằng với một số người khác, sức hút của việc được tận mắt chứng kiến điều gì đó gay cấn, ly kỳ, cảm giác sung sướng khi có thể kể lại với mọi người rằng "tôi đã ở đó" là không cưỡng nổi.
Trong hầu hết các sự cố lớn ở Canada, các phương tiện truyền thông được yêu cầu kêu gọi mọi người tránh xa hiện trường. Cảnh sát sẽ phong tỏa hiện trường, dựng các rào chắn để ngăn chặn những người xuất hiện bất chấp cảnh báo. Ở Canada, người tụ tập, hiếu kỳ sẽ gặp rắc rối nếu vượt qua rào chắn, không tuân theo lệnh của cảnh sát hoặc thậm chí xâm phạm vào khu vực là hiện trường vụ án đang được điều tra.
Kiên trì... hiếu kỳ
Người hiếu kỳ tụ tập xem lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM chiều 31-1 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Kể từ sáng 30-1 đến ngày 1-2, hàng trăm cảnh sát cơ động cùng nhiều lực lượng chức năng liên quan vây ráp khu vực ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM) để bắt nghi phạm Lê Quốc Tuấn - nghi phạm xả súng vào sới bạc khiến 4 người chết (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) và bắn chết 1 người khác trên đường tẩu thoát.
Các lực lượng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu vì đối tượng Tuấn lẩn trốn mang theo vũ khí quân dụng. Thế nhưng quanh khu vực giao lộ đường Trung An - đường 472 lại có rất đông người dân từ nhiều tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM)... liên tục tới lui, vô tư dùng điện thoại quay clip, livestream bất chấp nguy hiểm, khuyến cáo của lực lượng chức năng.
Điển hình, khuya 31-1 rạng sáng 1-2, nhiều người vẫn bám "trụ" để theo dõi lực lượng chức năng vây bắt Tuấn. Trưa 1-2, nhiều người dân hiếu kỳ từ khắp các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Q.2 (TP.HCM)... cũng đổ về đây để xem tận mắt lực lượng chức năng vây ráp truy bắt kẻ xả súng.
Người dân tụ tập khiến lưu thông tại đây bị ùn ứ, di chuyển phương tiện của lực lượng cơ động cũng bị ảnh hưởng. Nhiều lần lực lượng chức năng nhắc nhở người dân di tản khỏi khu vực giao lộ đường Trung An - đường 472 nhưng không có kết quả. Thậm chí các chiến sĩ CSCĐ phải năn nỉ người dân giải tán về nhà nghỉ ngơi để công an thực hiện nhiệm vụ.
Đến chiều 1-2, tại khu vực giao lộ đường Trung An - đường 472, do người dân tập trung đông gây cảnh hỗn loạn, làm cho lực CSCĐ chốt trực tại đây mất tập trung nên chỉ huy đã chỉ đạo phong tỏa khu vực. Khi đó, những người hiếu kỳ phải dạt ra, tập trung tại khu vực cầu Rạch Kinh, đường Trung An (cách khu vực cũ khoảng 20m) để... tiếp tục theo dõi vụ việc.
MINH HÒA
* Geogre H. (người Mỹ, cán bộ tư vấn chiến lược một tập đoàn Hoa Kỳ):
Hãy nghĩ về người thân
Cá nhân tôi thấy câu chuyện này hệt như văn hóa đọc. Rất nhiều trong chúng ta lầm tưởng rằng cứ đọc càng nhiều càng tốt. Thực chất phải đọc đúng và đọc sâu thì những điều tiếp thu vào mới có giá trị lâu dài và tích cực. Còn những thông tin vô bổ, thuần giải trí chỉ đem lại cảm giác vui, thỏa mãn ngắn hạn. Tinh thần phản biện cũng chỉ có thể hình thành từ việc đọc đúng và đọc sâu.
Sự tò mò trong khía cạnh nào đó là có lợi, giúp chúng ta đào sâu vào những vấn đề bản thân thắc mắc. Nhiều nhà khoa học hoặc người làm sáng tạo nhờ có sự tò mò mà đi đến cùng vấn đề hoặc phát hiện ra một khía cạnh, giải pháp thú vị, sáng tạo trong cuộc sống. Nhưng nếu hiểu sai ý nghĩa của sự tò mò sẽ trở thành điều vô bổ, thậm chí tác động tiêu cực cho cuộc sống của mình lẫn người khác.
Quay trở lại câu chuyện một số người dân Việt hiếu kỳ tụ tập theo dõi kẻ sát nhân trên. Nếu họ nghĩ xa hơn một bước, họ sẽ biết điều mình làm có thể dẫn đến việc một người vợ sẽ mất chồng, đàn con sẽ mất cha hoặc mẹ... chỉ vì sự hồn nhiên phút chốc của bản thân. Một niềm vui, sự thỏa mãn trước mắt có thể gây ảnh hưởng lâu dài. Và điều gì sẽ xảy ra nếu do sự hồn nhiên đó mà họ trở thành con tin, ảnh hưởng đến công việc của các chiến sĩ công an?
Dĩ nhiên việc họ chọn theo dõi trực tiếp vụ việc trên không vi phạm pháp luật, nhưng con người cần có ý thức bên cạnh việc tuân thủ những quy định pháp luật vốn luôn cần thay đổi để phù hợp với từng xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận