09/08/2019 09:56 GMT+7

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 4: Khai tử hiệp ước kiểm soát tên lửa tầm trung

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tháng 2-2019, Mỹ thông báo ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987 với Liên Xô (cũ).

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 4: Khai tử hiệp ước kiểm soát tên lửa tầm trung - Ảnh 1.

Trạm phòng thủ tên lửa trang bị bệ phóng MK-41 của Mỹ ở Romania - Ảnh: news.usni.org

Nga không có ý định triển khai trước tên lửa tầm trung ở châu Âu.

Tổng thống Vladimir Putin

Đồng thời, Mỹ ra tối hậu thư trong sáu tháng Nga phải loại bỏ toàn bộ tên lửa, bệ phóng và thiết bị trái với INF. 

Nga đưa ra phản ứng bằng sắc lệnh của Tổng thống Putin chỉ đạo ngừng thực hiện INF đến khi Mỹ loại bỏ các vi phạm INF. 

Đến ngày 2-8, tức hết thời hạn sáu tháng, xem như hiệp ước INF đã bị khai tử. Mỹ và Nga chính thức rút khỏi hiệp ước.

Mỹ nói qua, Nga nói lại

Từ năm 2013, Mỹ đã bắt đầu nghi ngờ Nga vi phạm hiệp ước INF. Theo giải thích của văn phòng giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện Nga bí mật phát triển tên lửa hành trình 9M729 (NATO gọi là SSC-8) có thể mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân vào giữa thập niên 2000, tiến hành thử nghiệm tên lửa vào cuối thập niên 2000 và hoàn thành chương trình thử nghiệm phóng với bệ phóng cố định và di động vào năm 2015. 

Tầm bắn của tên lửa 9M729 lên đến 2.500km, tức thuộc tầm bắn từ 500-5.500km bị cấm theo hiệp ước INF.

Tháng 2-2017, Mỹ thông báo Nga đã triển khai hai tiểu đoàn tên lửa 9M729 ở trường bắn Kapustin Yar và một căn cứ tác chiến nào đó. Mỗi tiểu đoàn trang bị bốn bệ phóng. Mỗi bệ phóng tiếp nhận khoảng sáu tên lửa. Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng đến cuối năm 2018, Nga đã sản xuất gần 100 tên lửa 9M729. 

Quỹ về nghiên cứu chiến lược của Pháp (FRS) ghi nhận Nga đã triển khai tên lửa 9M729 từ năm 2016 tại căn cứ ở phía đông dãy núi Ural và căn cứ gần biển Caspian. 

Đầu tháng 2-2019, hội nghị NATO phát thông cáo chung tám điểm với tiêu đề "Tuyên bố về việc Nga không tôn trọng hiệp ước INF". Thông cáo chung khẳng định dựa vào kết quả phân tích của Mỹ, NATO đánh giá Nga đã đưa vào sử dụng tổ hợp tên lửa 9M729, vì vậy Nga đã vi phạm INF và NATO ủng hộ quyết định của Mỹ về việc ngừng thực hiện INF.

Nga đã có lập luận đáp trả tương ứng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố Mỹ có ba vấn đề vi phạm INF. 

Một là từ năm 1999, Mỹ đã thử nghiệm thiết bị bay không người lái trang bị vũ khí có đặc điểm giống tên lửa mặt đất bị cấm. 

Hai là Mỹ đã sử dụng tên lửa bị cấm làm mục tiêu trong thử nghiệm đánh chặn. 

Ba là từ năm 2014, Mỹ đã triển khai bệ phóng tên lửa MK‑41 có thể dùng để bắn tên lửa tầm trung Tomahawk ở châu Âu. 

Tại châu Âu, Mỹ đã triển khai bệ phóng MK-41 tại Romania và Ba Lan. Trạm phòng thủ tên lửa thuộc tổ hợp phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore tại Deveselu (Romania) bắt đầu hoạt động từ tháng 5-2016. Trạm gồm một rađa, một trung tâm quản lý tác chiến và ba bệ phóng tên lửa MK-41.

Trước sau như một, Nga khẳng định tên lửa 9M729 không vi phạm hiệp ước INF vì tầm bắn chỉ đạt đến 480km. Cuối tháng 1-2019, Bộ Quốc phòng Nga tổ chức cuộc họp báo đặc biệt dành cho các tùy viên quân sự nước ngoài và lần đầu tiên Nga giới thiệu tên lửa cải tiến 9M729 và tên lửa phiên bản cũ 9M728. Hơn 100 nhà báo nước ngoài tham dự nhưng các tùy viên quân sự của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, NATO và EU lại không đến.

Trung tướng Mikhail Matveevsky - tư lệnh lực lượng tên lửa và pháo binh - đã giải thích so với 9M728, tên lửa 9M729 chỉ cải tiến đầu tên lửa và hệ thống dẫn hướng để tăng độ chính xác và mạnh hơn nhưng tầm bắn vẫn dưới ngưỡng cấm 500km theo INF.

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 4: Khai tử hiệp ước kiểm soát tên lửa tầm trung - Ảnh 3.

Trung tướng Mikhail Matveevsky giới thiệu tên lửa cải tiến 9M729 ở Matxcơva ngày 23-1-2019 - Ảnh: AP

Nga - Mỹ rảnh tay, bung ngay tên lửa

INF là hiệp ước quan trọng thiết lập nền tảng kiến trúc an ninh châu Âu và củng cố niềm tin giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô (cũ). Các chuyên gia lo ngại một khi hiệp ước INF đã bị khai tử, thời kỳ bất ổn mới ở châu Âu sẽ mở ra tương tự thời điểm xảy ra vụ khủng hoảng tên lửa châu Âu năm 1983.

Với mong muốn thoát khỏi vòng kim cô của hiệp ước INF, lần đầu tiên vào tháng 11-2017 Mỹ tuyên bố sẽ phát triển tên lửa tầm trung mặt đất để đối phó với tên lửa 9M729 của Nga. 

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng sẽ hoàn chỉnh dự án tên lửa chính xác tầm xa (LRPF) với phiên bản đất đối đất và tên lửa hành trình biển đối đất. LRPF đạt tầm bắn 500km, được chuẩn bị thay thế tên lửa đất đối đất MGM-140 ATACMS sử dụng từ thập niên 1980 chỉ bắn đến 160km.

Mỹ đã cam kết không triển khai tên lửa hạt nhân mới ở châu Âu nhưng không đưa ra cam kết nào đối với tên lửa mang đầu đạn thông thường.

Về phần Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu đã thông báo một, hai năm nữa Nga sẽ triển khai phiên bản mặt đất của tên lửa đa nhiệm Kalibr. Ông giải thích Mỹ đang tích cực chế tạo tên lửa mặt đất có tầm bắn trên 500km, vì vậy Tổng thống Putin đã chỉ thị phải chuẩn bị biện pháp đối phó tương xứng.

Theo trang web Russia Beyond (Nga), sau quyết định đình chỉ INF của Mỹ, Nga sẽ chuyển tên lửa hành trình Kalibr từ tàu và máy bay để triển khai trên mặt đất. Kalibr tương đương tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có tầm bắn bao phủ toàn châu Âu. 

Ngày 7-10-2015, tàu chiến Nga đã từng nã 26 tên lửa Kalibr từ biển Caspian tấn công quân nổi dậy ở Syria cách xa hơn 1.500km. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa này. 

Giáo sư Vadim Koziouline ở Học viện Quân sự Nga đánh giá: "Kalibr với tầm bắn từ 300-2.600km là át chủ bài trong hệ thống vũ khí Nga". 

Một loại tên lửa khác có thể được triển khai trên mặt đất là tên lửa siêu thanh Kinzhal vốn trang bị cho máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31. Đây là tên lửa trên không duy nhất có khả năng bay đến mục tiêu tám lần nhanh hơn vận tốc âm thanh ở xa hơn 2.000km.

Nếu bị đe dọa, Nga sẽ tấn công

Trong thông điệp liên bang hôm 20-2-2019, Tổng thống Vladimir Putin giải thích cho dù Nga không triển khai tên lửa trước ở châu Âu, nhưng nếu Mỹ có ý đồ sản xuất và cung cấp tên lửa tầm trung cho châu Âu, tên lửa Mỹ có thể bay đến Matxcơva chỉ từ 10-12 phút và trong trường hợp này, Nga bắt buộc sẽ phản ứng bằng hành động cân xứng (có thể là triển khai tên lửa mặt đất) hoặc không cân xứng (có thể là điều động tàu ngầm hoặc tàu nổi trang bị tên lửa siêu thanh áp sát lãnh thổ Mỹ).

Lúc bấy giờ Nga bắt buộc sẽ sản xuất và triển khai tên lửa để tấn công "không chỉ tại các khu vực bị đe dọa trực tiếp mà cả các trung tâm đầu não ra quyết định cho hệ thống tên lửa đe dọa Nga".

_________________________________

Kỳ tới: Không để Trung Quốc đắc lợi

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 3: Mỹ - Xô loại bỏ tên lửa tầm trung Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 3: Mỹ - Xô loại bỏ tên lửa tầm trung

TTO - Trong thập niên 1980, quan hệ Mỹ - Liên Xô như thùng thuốc súng chực nổ. Sau khi đắc cử tổng thống năm 1980, Ronald Reagan quyết củng cố hình ảnh nước Mỹ nên từ bỏ chính sách hòa hoãn và gia tăng chi phí quân sự.


HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên