Hiệp ước UNATT đưa ra những quy định cho ngành buôn bán vũ khí toàn cầu trị giá 85 tỉ USD - Ảnh: AFP |
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki Moon kêu gọi các quốc gia trên thế giới, “đặc biệt là các nước sản xuất vũ khí và nhập khẩu vũ khí lớn” tham gia UNATT.
Tính đến nay, tổng cộng 130 quốc gia ký kết hiệp ước và 60 nước trong số này đã phê chuẩn, kể cả Israel.
Tổ chức Ân xá Thế giới thông tin khoảng 500.000 người thiệt mạng mỗi năm và hàng triệu người bị thương, bị cưỡng hiếp hoặc buộc phải sống lưu vong bởi thiếu các quy định về buôn bán vũ khí. |
Mỹ là quốc gia sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Tuy đã ký kết UNATT nhưng nước này vẫn chưa phê chuẩn hiệp ước này. Trong khi đó Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng tại cuộc họp thông qua UNATT.
Những quốc gia xuất khẩu vũ khí chính khác như Pháp, Anh và Đức đã phê chuẩn các điều khoản của hiệp ước cũng như cam kết tuân thủ nghiêm ngặt hiệp ước nhằm cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho các quốc gia vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
Trong khi đó cao ủy LHQ Zeid Ra’ad Al Hussein cho rằng UNATT đưa ra một khuôn khổ “nhằm chấm dứt dòng chảy của các loại vũ khí có thể sử dụng cho mục đich phạm tội và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
UNATT yêu cầu các quốc gia thiết lập cơ chế kiểm soát cấp nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí. Các quốc gia phải có trách nhiệm đảm bảo các thương vụ mua bán và chuyển nhượng vũ khí không vi phạm lệnh cấm vận quốc tế, không được sử dụng để diệt chủng, thực hiện các tội ác chiến tranh hoặc rơi vào tay các tổ chức tội phạm hoặc khủng bố.
UNATT áp dụng cho tất cả các loại vũ khí từ xe tăng đến máy bay chiến đấu, tên lửa và các vũ khí hạng nhẹ.
“Nếu được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, hiệp ước này có khả năng cứu sống nhiều người và cung cấp nhiều sự bảo vệ cần thiết cho những thường dân dễ bị tổn thương trên toàn thế giới” - giám đốc Liên minh kiểm soát vũ khí của các tổ chức phi chính phủ Anna Macdonald nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận