05/11/2023 08:04 GMT+7

Hiệp khùng và Một giấc mơ hồ

Đọc Một giấc mơ hồ - trò chuyện kiến trúc giữa họa sĩ Bút Chì và Hiệp “khùng” (tức KTS Nguyễn Hòa Hiệp), bất giác cũng muốn được sống trong, thuộc về, khóc cười thỏa thích dưới một mái nhà đẹp.

Tập sách ghi lại những trò chuyện về nghề và những suy tư về đời sống của KTS Nguyễn Hòa Hiệp - Ảnh: ĐẬU DUNG

Tập sách ghi lại những trò chuyện về nghề và những suy tư về đời sống của KTS Nguyễn Hòa Hiệp - Ảnh: ĐẬU DUNG

Cuộc trò chuyện diễn ra tại căn nhà hai tầng nhỏ nhắn của Hiệp "khùng" nằm sâu trong một con hẻm ở Bình Thạnh (TP.HCM). 

Ngôi nhà ôm lấy một khu vườn, tường đắp nổi nhiều phế liệu, có đám mèo con đang chơi đùa, tràn đầy ánh sáng và hoa đang nở.

Một giấc mơ hồ của người biết

Kiến trúc là một điều gì đó rất hữu hình, sờ nắm, nhìn thấy, đụng chạm được nhưng với Hiệp "khùng", kiến trúc là "một giấc mơ hồ". 

Mơ hồ giúp anh tránh khỏi định kiến, mọi tuyên ngôn to tát cũng như những khẳng định vào một thứ. Hiệp nói, "người biết mới làm ra được sự mơ hồ. Còn người không biết mà làm mơ hồ thì sự mơ hồ đó sẽ vụng về và thô kệch lắm".

Bước vào một giấc mơ hồ của Nguyễn Hòa Hiệp thấy gì? Một ngôi nhà được dựng lên dựa trên toàn bộ nhu cầu của mọi người sống trong đó. 

Tường ít nhất, vách ít nhất có thể. Đứng đâu cũng có thể nhìn thấy thông suốt hết mọi thứ.

Ở đó, có một cái sân nhỏ đạt kích thước tối thiểu như một cái vườn/sân chung, cây cỏ lấn thì kệ nó, chơi nhiều thì lấn cây cỏ, chơi ít thì cây cỏ lấn ngược lại.

Con người và thiên nhiên cộng sinh trong hài hòa. Hiệp nói, giống như con người anh không có gì bí mật, thiết kế của anh cũng rất ít góc khuất.

Trong ngôi nhà đó, khu rửa chén, bếp núc… cũng không được xấu. Không xấu, tức phải cực kỳ hợp lý và phải đẹp, vì "hằng ngày mình phải đối diện với nó mà". Chỗ nấu ăn rửa dọn phải thông thoáng, không bị nóng, bị bí hoặc góc bếp không bị tối tăm dơ dáy…

Anh không đồng cảm được với một ngôi nhà chỉ mở ra để chứa xe, chứa đồ, đóng kín máy lạnh. Thay vào đó, lòng anh dành cho những ngôi nhà nhiều gió, nhiều ánh sáng mà vẫn đẹp.

Một góc ấm cúng trong thiết kế của KTS Nguyễn Hòa Hiệp - Ảnh:   A21STUDIO

Một góc ấm cúng trong thiết kế của KTS Nguyễn Hòa Hiệp - Ảnh: A21STUDIO

Ngoài đời sống lẫn mạng xã hội dư thừa giao tiếp đãi bôi, công trình của Hiệp có ít sự tiếp xúc với bên ngoài. Đó là một sân trong, hoặc một không gian dễ gây tình cảm riêng tư ấm áp, dễ xúc động.

Vật liệu cũng góp phần làm "ấm lại" cái ráo hoảnh, lạnh tanh của đời sống. Hiệp "khùng" có thói quen tái sử dụng đồ cũ trong thiết kế, để rồi trong một ngôi nhà cũ kỹ, người với người đi vào những câu chuyện "chất lượng hơn".

Tác giả của nhiều công trình mang đậm dấu ấn cá nhân nói, anh thích những công trình mà khi ở trong đó, thấy trầm lắng, nhẹ nhõm, xúc động, thấy có tình yêu trong đó. Trẻ con thì thích chơi, người bệnh thì thấy nhẹ nhàng thư thái, mình bớt nói về những toan tính.

Mọi thứ hướng ta vào một không gian tinh khiết hơn bên trong, để rồi nhìn hoa cỏ, vật liệu, thấy mọi thứ đẹp quá và cuộc đời đáng để sống, đáng để cười, để yêu thương nhau.

Dùng những chữ "tuyệt đối biến thái", "tương đối biến thái", "cực kỳ trong vắt", "hơi đục một chút", thoạt nghe thì tưởng Hiệp "khùng" cố gây sốc khi nói về kiến trúc nhưng đọc hết Một giấc mơ hồ, mới biết, ẩn dưới cách nói thoạt nghe có phần khiêu khích đó, anh đồng thời cũng mở ra một biên độ mở, đầy cảm xúc, tự do trong thiết kế.

Tôi muốn làm một công trình không truyền tải ý nghĩa gì, không mang thông điệp gì, không có sức nặng gì. Nhìn thật đơn giản, yếu đuối, bình an. Có một tí xíu hoan lạc. Chỉ như một làn khói lơ lửng trên đầu, che một tí nắng.

(KTS Nguyễn Hòa Hiệp)

Sự sống đã là kiến trúc rồi!

Một giấc mơ hồ chứa đựng cả một bồ tâm tư của người kiến trúc sư.

Nguyễn Hòa Hiệp kể thời làm a21gallery bằng đồ cũ của Ba Son. Lúc đó anh thích công trình mình giống như nhà của Bawa hoặc nhà của Barragán. Thích mọi người đến đây tham quan ngắm nhìn rồi tìm hiểu hồi xưa con ốc này, cái cột này… đến từ kết cấu nào của Ba Son. "Thích công trình của mình thành di sản", Hiệp "khùng" mơ mộng thế đấy.

Thế rồi, trong một lần đạp xe qua nhà ông Vương Hồng Sển, thấy nhà ông thành chỗ bán ốc, ý muốn đó triệt tiêu mất. Sau này, anh tự thấy mình chả có mơ ước gì cao siêu hay viển vông gì cho công trình của mình nữa. "Chỉ mong mọi người khi sử dụng công trình thì được tốt, mọi người sống vui vẻ hạnh phúc". Đơn giản vậy!

3.Hiệp “khùng” có thói quen tái sử dụng đồ cũ trong thiết kế - Ảnh: A21STUDIO

3.Hiệp “khùng” có thói quen tái sử dụng đồ cũ trong thiết kế - Ảnh: A21STUDIO

Hiệp cũng kể về một thời trẻ nhiều cực đoan, ấu trĩ, hạn hẹp, kể về nỗi sợ hãi khi công trình xây xong "nó sai, nó xấu và không có cơ hội để sửa". Thậm chí, có những ân hận, dày vò, dằn vặt đeo đuổi qua bao năm tháng bởi anh người trả giá không phải là anh mà những người bỏ tiền và đang xài nó.

Anh luôn đặt câu hỏi: "Công trình này có cần thiết hay không". Khi vào thiết kế, có cần dùng cái tường, cột, vách trong không gian này không?... Rất nhiều thứ. Anh chỉ muốn "dưới - mức - vừa - đủ" của không gian, của việc xây dựng, của cách dùng vật liệu, của chi phí… để "nhường chỗ cho sự không - xây- dựng trên mảnh đất đó.

Đất đai, nhà cửa, nhà vệ sinh, phòng ngủ, chỗ nấu nướng… cũng như con người, chúng cũng có nhu cầu cần được "thở".

Nguyễn Hòa Hiệp không theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, anh chỉ mong những điều tốt hơn bởi với anh, "sự sống đã là kiến trúc rồi". Không định rao giảng đạo lý, anh chỉ ngồi đó, trong ngôi nhà khoáng đạt, nhiều âm thanh, mùi vị để chia sẻ về một giấc mơ hồ đầy thấu suốt của cá nhân.

Cuốn sách nhỏ xinh chưa đến 150 trang đi kèm hình ảnh, phác thảo, gợi lên giấc mơ hạnh phúc âm ỉ trong một hẻm gió lộng nhất tháng 11. Một câu chuyện kiến trúc đẹp quá. Thủ thỉ, thân mật, rất đời, thoải mái, thỉnh thoảng pha chút tự trào nhưng chân thành. Ngoài kiến trúc, có cả những tâm tình về văn chương, âm nhạc, điện ảnh…

Cuốn sách mở đầu với đề từ "dành tặng những người đang sống". Nó dành cho tất cả chúng ta, những người muốn sống trong một ngôi nhà đẹp.

KTS Nguyễn Hòa Hiệp sinh năm 1978 tại Nha Trang. Anh cùng a21gallery ghi dấu ấn ở nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu: Chùa Đá, Tháp Thuyền, Lam café, I resort, 9 spa, The Myst Đồng Khởi,… Đặc biệt, năm 2014, công trình The Chapel (Nhà nguyện) của anh nhận giải Công trình của năm lần đầu tiên của Việt Nam tại Liên hoan Kiến trúc thế giới tổ chức ở Singapore.

Nữ kiến trúc sư nỗ lực cứu các thành phố đang chìm xuống biểnNữ kiến trúc sư nỗ lực cứu các thành phố đang chìm xuống biển

TTO - Khi lũ lụt tàn phá Bangkok (Thái Lan) hơn một thập kỷ trước, nữ kiến trúc sư cảnh quan Kotchakorn Voraakhom đã quyết tâm cứu quê hương của mình trước nguy cơ bị nhấn chìm, chống lại biến đổi khí hậu ngày một phức tạp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên