Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Xe chở khách 8 chỗ trở xuống phải là taxi
Qua nhiều cuộc họp, nhiều cơ quan thẩm định từ năm 2016 đến nay, dự thảo lần 4 nghị định thay thế nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định xe sử dụng các ứng dụng đặt xe như Grab, Uber là xe hợp đồng điện tử.
Tuy nhiên, tại cuộc họp để gút lại dự thảo vào ngày 13-7, lãnh đạo các hiệp hội taxi đều đề nghị quy xe sử dụng các ứng dụng như Grab, Uber và những phần mềm đặt xe khác đang được sử dụng ở Việt Nam là loại hình taxi, chịu điều kiện quản lý như taxi.
Cụ thể, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, đề nghị quy định xe chở khách 9 chỗ trở xuống trong nội đô là taxi. Nếu loại xe này dùng hợp đồng điện tử thì coi là taxi hoặc taxi điện tử và quản lý như taxi để bình đẳng với taxi hiện nay.
"Cùng cách tính tiền căn cứ km lăn bánh hay khoảng cách cuốc xe trong nội đô thì coi là taxi. Còn xe chở khách theo hợp đồng bằng giấy thì công nhận là xe hợp đồng" - ông Hỷ đề nghị.
Đề xuất của ông Hỷ đều nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Hiệp hội taxi Đà Nẵng và Hà Nội.
Xe hợp đồng điện tử làm thất thoát hơn AVG
Ông Trương Đình Quý, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cho rằng mô hình xe hợp đồng điện tử làm thất thoát tài sản của xã hội thậm chí còn lớn hơn "vụ AVG".
Vì sau khi đếm xe hợp đồng điện tử, đến tháng 12-2017 TP.HCM có hơn 18.801 xe hợp đồng, đến tháng 3-2018 có 34.880 xe.
"Theo số liệu Tổng cục thống kê, tổng doanh thu vận tải đường bộ toàn ngành trên địa bàn TP.HCM giảm 3.600 tỉ đồng. Năm 2017 tăng trưởng âm 22% so với năm 2016.
Với số lượng xe Grab gấp 3 lần taxi toàn TP, doanh thu vận tải xe dưới 8 chỗ giảm 992 tỉ đồng so với trước đó. Đây rõ ràng là thất thoát" - ông Quý nhận định.
Cung ứng phần mềm khác với tham gia vận tải?
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), rằng quy định doanh nghiệp công nghệ dù tham gia vào một công đoạn vận tải sẽ bị coi là đơn vị vận tải và chịu điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải là bất công, biến nó đơn thuần là một kênh liên lạc, tạo gánh nặng và chi phí vô lý cho doanh nghiệp và cuối cùng ảnh hưởng người tiêu dùng.
Cùng quan điểm với ông Long, đại diện Grab cho rằng quy định doanh nghiệp tham gia một trong các công đoạn chính của kinh doanh vận tải dù qua phần mềm được xem là doanh nghiệp vận tải chưa hợp lý. Quy định này chồng chéo giữa đơn vị kinh doanh vận tải và kinh doanh phần mềm, hạn chế chuyên môn hóa giữa đơn vị kinh doanh phần mềm và vận tải.
Riêng ông Đào Kiến Quốc, đại diện đơn vị cung cấp phần mềm đặt xe EMDDI của Đại học quốc gia Hà Nội, cho biết đơn vị này đã cung cấp phần mềm EMDDI cho gần 100 đơn vị vận tải tại 33 địa phương. Nhưng đơn vị này không kinh doanh vận tải tuyển dụng lái xe và định giá, chỉ cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp vận tải sử dụng. Vì vậy, ông Quốc mong muốn quy định riêng với những đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm.
Khác ông Long, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng nếu khách đặt xe Uber, Grab mà hiện lên đơn vị cung ứng xe là doanh nghiệp vận tải A và doanh nghiệp này chịu toàn bộ trách nhiệm dịch vụ vận tải với hành khách thì đó là Uber, Grab cung cấp sàn giao dịch.
Nhưng hiện nay khách gọi xe chỉ biết dịch vụ do Grab cung cấp nên Grab phải chịu trách nhiệm xã hội, bảo đảm dịch vụ đó.
"Hiện nay, Grab và các đơn vị có phần mềm tương tự thực hiện quyết định giá, điều xe nên không thể từ chối trách nhiệm kinh doanh vận tải.
Vì vậy nghị định quy định đơn vị nào thực hiện một trong các công đoạn của quá trình vận tải là đơn vị kinh doanh vận tải để đảm bảo quyền thâm nhập thị trường, cuộc chơi với nhau một cách bình đẳng" - ông Hùng lý giải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định tiếp thu toàn bộ ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo nghị định nhằm trình lên Chính phủ trong tháng 7-2018.
"Khuyến khích ứng dụng công nghệ, phần mềm trong vận tải. Nhưng sử dụng phần mềm đó để chi phối hoạt động vận tải như Grab tham gia quản lý, điều hành, tính tiền thì loại hình kinh doanh ứng dụng công nghệ chi phối cả hoạt động vận tải. Như vậy, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong hoạt động vận tải.
Còn bán đứt phần mềm cho doanh nghiệp vận tải khai thác như EMDI là kinh doanh phần mềm, không trực tiếp tham gia hoạt động vận tải" - ông Thể bày tỏ quan điểm phải phân biệt rõ doanh nghiệp cung ứng phần mềm với doanh nghiệp phần mềm tham gia kinh doanh vận tải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận