08/12/2011 08:12 GMT+7

Hiến pháp phải được nhân dân phúc quyết

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tại hội thảo “Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” do tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp (Văn phòng Quốc hội) và tạp chí Pháp Luật và Phát Triển (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức ngày 7-12, nhiều cựu lãnh đạo và các chuyên gia có cùng ý kiến rằng nên trưng cầu ý dân các nội dung của dự thảo Hiến pháp mới và bản Hiến pháp này phải được nhân dân phúc quyết.

GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Văn phòng Quốc hội, cho rằng đã khẳng định tư tưởng xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” thì cần quy định thêm ba vấn đề cơ bản, gồm: bầu cử, bãi nhiệm và phúc quyết như Hiến pháp 1946 đã quy định.

Ông Đường đề nghị Hiến pháp mới cần quy định bầu cử là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, gắn bó chặt chẽ trách nhiệm qua lại giữa cử tri và người được bầu. Công dân có quyền bầu cử mà không có quyền bãi nhiệm thì bầu cử mang tính hình thức. Hơn nữa, phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện đầy đủ nhất “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

“Chúng tôi đề nghị thành lập một cơ quan kiểm soát chung đối với các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để đảm bảo tính hợp hiến trong hoạt động và cũng để đề phòng sự nể nang, tránh né trong việc kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan này. Những hành vi vi phạm phải được phát hiện và ngăn chặn, khắc phục kịp thời thì mới phát huy được vai trò của Hiến pháp trong đời sống xã hội. Ngược lại sẽ gây ra tác hại khôn lường” - TS Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đề nghị.

Một nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khác là TS Nguyễn Văn Thuận cũng khẳng định “ủng hộ quan điểm thành lập Tòa án hiến pháp”.

Cụ thể hơn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng cơ quan bảo hiến phải độc lập, không thể giao cho cơ quan lập pháp, đơn giản vì cơ quan lập pháp chẳng bao giờ có sự phán xét khách quan đối với các văn bản do chính mình đặt ra.

“Có thể hình dung: Quốc hội bỏ phiếu bầu ra các thành viên của cơ quan bảo hiến; sau khi được bầu, các thẩm phán bảo hiến thực hiện nhiệm vụ suốt đời, dưới sự giám sát của xã hội thông qua vai trò của các tổ chức thành viên MTTQ; thẩm phán không đạt điều kiện về phẩm chất có thể bị Quốc hội bãi miễn theo đề nghị của MTTQ” - TS Điện đề xuất.

Dẫn lại một ví dụ cụ thể là năm 2003, Hà Nội khởi xướng chính sách “một người chỉ được đăng ký một xe máy”, lập tức Bộ Công an ra thông tư áp dụng chính sách này trên toàn quốc.

Hai năm sau đó Bộ Công an phải hủy bỏ quy định này vì nó vi phạm điều 58 của Hiến pháp về quyền tài sản của công dân. Chuyên gia nghiên cứu Hiến pháp Bùi Ngọc Sơn - Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - bình luận: Hiến pháp đã bước đầu thực hiện chức năng bảo vệ người dân khi các chính sách cấm đăng ký xe máy được loại bỏ, các quy định về hộ khẩu được điều chỉnh vì lý do ảnh hưởng đến các quyền của công dân trong Hiến pháp như tự do đi lại, sở hữu tư nhân. Những ví dụ như vậy cho thấy sự cần thiết cho sự thiết lập Tòa án hiến pháp ở Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học “Tổng kết việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của MTTQ Việt Nam” sáng 7-12, hầu hết ý kiến đều tập trung kiến nghị khi sửa đổi cần làm rõ: vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức bộ máy nhà nước...

Theo ông Lù Văn Que - chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc, Hiến pháp sửa đổi tới đây cần đề cập, làm rõ và cụ thể hơn vị thế của MTTQ Việt Nam. Về quyền, nghĩa vụ của công dân, ông Que kiến nghị “nên mở rộng dân chủ trực tiếp. Dân phải được đối thoại trực tiếp với quan chức lãnh đạo, được biểu tình”, và thậm chí “dân phải được bầu trực tiếp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nữa”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên