25/02/2021 12:46 GMT+7

Hiến máu nhân đạo: làm đi ngại chi!

NGHĨA ĐỊNH
NGHĨA ĐỊNH

TTO - Tôi đã tham gia 22 lần hiến máu nhân đạo và đều chụp ảnh lại đăng trên mạng. Không phải tôi muốn khoe mà tôi nghĩ đó là cách động viên nhiều người đang ngại ngần chưa mạnh dạn đăng ký hiến máu.

Hiến máu nhân đạo: làm đi ngại chi! - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Kim Duyên tham gia hiến máu tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM - Ảnh: THANH HẰNG

Tôi rất vui vì đã nhận được nhiều lượt like và comment cổ vũ tinh thần của cộng đồng mạng. Vui hơn khi tất cả đều ủng hộ và bày tỏ nguyện vọng sẽ đăng ký hiến máu tình nguyện. Trong những bình luận tôi nhận được, có tâm sự của những người mặc dù đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu nhưng lại e ngại bởi nhiều lý do. 

Một bạn nữ cho tôi biết ở khu phố bạn ở thường có xe tiếp nhận hiến máu về tận nơi nhưng bạn chưa biết được tiêu chuẩn để hiến máu. Tôi chụp hình tờ thông tin tuyên truyền của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM. Tháng sau, tôi đã thấy bạn cũng đăng trên trang cá nhân tấm hình đang hiến máu.

Một bạn hỏi thẳng thắn: "Tôi cũng muốn đi hiến máu nhưng không hiểu tại sao khi bệnh nhân cần truyền máu thì các bệnh viện đều thu tiền?". Tôi hiểu có thể còn nhiều người khác cũng chung suy nghĩ nhưng không nói ra và họ không đi hiến máu. 

Tôi dẫn lời người quen đang là phó giám đốc một bệnh viện giúp anh giải tỏa băn khoăn. Để có được một đơn vị máu cứu người, không chỉ cần người hiến tặng mà còn phải tốn khá nhiều chi phí cho việc tiếp nhận, xét nghiệm, lưu trữ, bảo quản và cả vận chuyển đến nhiều nơi khác nhau. 

Chỉ tính riêng bộ dụng cụ tiếp nhận máu gồm: kim tiêm, ống dẫn, van, túi đựng máu đã hết vài trăm ngàn đồng/bộ. Và chúng ta vẫn phải nhập khẩu loại vật tư y tế này từ nước ngoài... Và tôi đã nhận được tấm hình anh cười rất tươi khi hiến máu.

Tôi rất tiếc cho một chàng trai đi hiến máu lần đầu. Do chưa biết và cũng không được hướng dẫn nên anh đã uống cà phê sữa, cả hai thức uống này đều thuộc "danh mục" khuyến cáo không sử dụng trước khi hiến máu. Bác sĩ khám sàng lọc đành hẹn anh lần sau. Anh bạn trẻ tiu nghỉu ra về.

Lượng máu dự trữ thường xuyên khan hiếm là điều có thật, trong lúc có dịch COVID-19 và mới ăn tết xong lại càng hiếm hơn. Điều ngành y tế và hàng trăm ngàn bệnh nhân cần chính là có thêm nhiều "trái tim hồng" hiến máu tình nguyện. 

Tôi rất ấn tượng với câu slogan trang trọng tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM: "Máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu".

Những ai thường xuyên hiến máu đều tự tin rằng nếu duy trì đều đặn "lịch" hiến máu 3 tháng/lần sẽ vừa góp phần cứu sống người bệnh lại vừa nâng cao sức khỏe của bản thân. Lượng máu đã hiến đi sẽ được tái tạo có tác dụng nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa nhiều loại bệnh. Vậy bạn còn ngần ngại điều chi?

Lãnh sự quán 4 nước ASEAN tại TP.HCM tổ chức hiến máu nhân đạo Lãnh sự quán 4 nước ASEAN tại TP.HCM tổ chức hiến máu nhân đạo

TTO - Gần 200 người đã tham gia sự kiện hiến máu nhân đạo do Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM phối hợp Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan, Tổng lãnh sự quán Lào, và Tổng lãnh sự quán Malaysia tổ chức ngày 5-10.

NGHĨA ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên