Các lô hàng xuất khẩu sang châu Âu của Công ty TNHH Vexos Việt Nam (quận 7, TP.HCM) vẫn xuất đi đều đặn mỗi tháng - Ảnh: CHÂU PHẠM
Để khôi phục tăng trưởng trong bối cảnh GDP quý 3 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, nhiều chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như tăng chi tiêu hộ gia đình, giảm chi phí sản xuất, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy về lao động…
Theo các chuyên gia, việc khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi lao động là vấn đề đặt ra với nền kinh tế trong quý 4-2021 và cả năm 2022. Ngoài ra, cần xây dựng và duy trì niềm tin kinh doanh trong dài hạn cho doanh nghiệp (DN) và người dân .
* TS Tô Trung Thành (Trường ĐH Kinh tế quốc dân):
Đừng để đứt gãy chuỗi cung ứng
Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất tăng… do việc áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài và không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện nên phải đóng cửa... Do đó, các địa phương trong cùng khu vực cần sớm thống nhất những biện pháp phòng chống dịch, không để gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp cũng đang chịu áp lực về chi phí tăng cao do phải chi trả chi phí bảo đảm an toàn sản xuất, chi phí logistics, chi phí liên quan tới lao động… Do đó, cần có chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp quay lại sản xuất.
Theo tôi, doanh nghiệp cần được chủ động bảo đảm an toàn trong sản xuất dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chính sách tài khóa của Chính phủ cần tập trung vào các doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh, trong khi chính sách tiền tệ cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, lan tỏa.
* Ông Nguyễn Bích Lâm (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê):
Giải quyết tình trạng đứt gãy về lao động
Một trong những đứt gãy ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp thời gian qua là đứt gãy về lao động. Việc đưa lao động trở lại sản xuất sẽ giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung lao động trong quý 4. Muốn làm được điều này, cần đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin và Chính phủ phải ban hành quy định về luồng lao động xanh.
Khi lao động đáp ứng đủ điều kiện nào đó thì cần công nhận đạt chuẩn an toàn, tạo điều kiện cho họ trở lại làm việc. Đây là vấn đề lớn bởi doanh nghiệp rất khó có đủ lao động cho sản xuất như trước đợt dịch thứ 4 bùng phát. Phần lớn lao động đã về quê nhưng đến nay chúng ta chưa có giải pháp, lộ trình đưa số lao động này trở lại nhà máy.
* TS Bùi Trinh (chuyên gia kinh tế):
Hàng hóa phải được lưu thông thông suốt
Thời gian qua, do sự thiếu thống nhất giữa các địa phương trong áp dụng các biện pháp chống dịch dẫn đến tình trạng "cát cứ", mỗi địa phương làm một kiểu khiến hàng hóa bị tắc nghẽn, không lưu thông được. Hậu quả là chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng.
Do đó, theo tôi, vấn đề quan trọng hiện nay là phải có giải pháp thống nhất từ trung ương đến địa phương, bảo đảm lưu thông hàng hóa trên phạm vi cả nước. Bởi việc bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa các địa phương là khơi thông huyết mạch cho nền kinh tế. Ngược lại, hàng hóa bị tắc nghẽn lưu thông sẽ dẫn đến tình trạng đình đốn trong sản xuất, doanh nghiệp gặp khó không chỉ ở đầu ra mà cả đầu vào.
Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp để hạn chế việc tăng chi phí đầu vào nhằm hỗ trợ sản xuất. Chẳng hạn như kiểm soát việc tăng giá xăng dầu, giá điện, lãi vay ngân hàng, chi phí xét nghiệm tại doanh nghiệp…
* Ông Đinh Tuấn Minh (Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội):
Duy trì niềm tin về triển vọng dài hạn
Điều quan trọng nhất của giai đoạn phục hồi kinh tế, theo tôi, là tạo ra và duy trì niềm tin bền vững cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như khu vực FDI và cho người tiêu dùng. Nếu tin vào triển vọng tích cực của nền kinh tế trong năm 2022 và năm 2023, DN sẽ bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, người tiêu dùng sẽ mạnh dạn chi tiêu.
Doanh nghiệp và người dân tự bỏ tiền túi ra đầu tư và tiêu dùng mới đem lại tăng trưởng bền vững. Nhưng nếu thông qua các biện pháp, như kích cầu mạnh mẽ, để ép nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng GDP ở một mức nào đó thì sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế. Kinh nghiệm này chúng ta đã học được rất nhiều trong giai đoạn 2011 đến nay.
Thay vì thúc đẩy tăng trưởng nóng, nên tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư, xã hội thông qua các cam kết ổn định vĩ mô một cách chắc chắn. Song song đó là cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Miễn, giảm thuế trong dài hạn cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, thay vì miễn giảm trong ngắn hạn rồi tăng trở lại, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cần được cân nhắc giảm xuống 18%, thậm chí có thể giảm xuống 16% với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với thuế VAT, cần cân nhắc giảm trong thời gian từ 3-5 năm.
Như vậy doanh nghiệp mới có được kế hoạch đầu tư kinh doanh trong dài hạn. Chẳng hạn với lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch như ngành du lịch, các doanh nghiệp lĩnh vực này cần được xem xét giảm thuế VAT trong dài hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi cũng như khôi phục được niềm tin kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận