21/03/2024 15:56 GMT+7

Hiến kế để người Việt vượt bẫy 'chưa giàu đã già', có thu nhập cao vào năm 2045

Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang các ngành công nghệ cao, kinh tế xanh, tuần hoàn, đổi mới sáng tạo trên nền tảng tăng năng suất lao động và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hội thảo “Việt Nam: 40 năm đổi mới và tầm nhìn 2045” - Ảnh: T.HƯƠNG

Hội thảo “Việt Nam: 40 năm đổi mới và tầm nhìn 2045” - Ảnh: T.HƯƠNG

Đó là những hiến kế được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Việt Nam: 40 năm đổi mới và tầm nhìn 2045” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức ngày 21-3.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng việc tìm ra động lực mới cho tăng trưởng là yêu cầu để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Cần vượt qua bẫy thu nhập trung bình

Tại nhiều quốc gia, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như việc chuyển đổi trạng thái sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và năng lượng sạch được lựa chọn là hướng đi mới.

Do đó, ông Thắng cho rằng việc làm sao để tạo ra giá trị gia tăng cho người dân, lấy thị trường khoa học công nghệ, tăng năng lực quản trị, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đứng trước nguy cơ của các bẫy phát triển, không chỉ đơn thuần là bẫy thu nhập trung bình, mà còn là bẫy lao động giá rẻ, bẫy tăng trưởng không xanh nếu không tính toán cân bằng kinh tế xã hội và môi trường, bẫy năng suất lao động thấp… Do đó, việc làm thế nào thay đổi vị trí trong chuỗi giá trị là yêu cầu lớn được đặt ra.

TS Nguyễn Thắng - Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam - cho rằng để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra, đòi hỏi Việt Nam phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng đây là một thách thức lớn. Dẫn chứng từ WB, từ năm 1960 đến năm 2022, chỉ có 23 nền kinh tế trong tổng số 101 quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 1960 thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Một trong những lý do quan trọng được các chuyên gia chỉ ra là các quốc gia có thu nhập trung bình bị kẹt giữa một bên là các quốc gia nghèo có mức lương thấp và một bên là các quốc gia giàu có công nghệ.

Vì vậy, ba trụ cột của phát triển cần được chú trọng, bao gồm kinh tế thịnh vượng, xã hội công bằng và môi trường bền vững. Trong đó, cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập và ưu tiên thương mại, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, phát triển hệ sinh thái công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Để tăng trưởng bền vững cần ban hành và thực thi các tiêu chuẩn môi trường phù hợp trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, dự án công nghệ xanh. Gắn với tăng trưởng bao trùm trên cơ sở thúc đẩy bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ, cải cách an sinh xã hội…

Thúc đẩy tăng trưởng gắn với tăng năng suất, đào tạo nhân lực

GS.TS Trần Thọ Đạt - chủ tịch hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân - đánh giá 40 năm qua Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ, với mức tăng chỉ khoảng 5,5%. Dù không có năm nào tăng trưởng âm nhưng tốc độ tăng “khá rụt rè” khi không có năm nào đạt được bước đột phá, trong khi để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình cần phải tăng trưởng nhanh, đột phá.

Tăng trưởng lao động, năng suất lao động là yếu tố dẫn dắt, dù đã có cải thiện nhưng vẫn rất chậm và tốc độ cải thiện trong những năm vừa qua suy giảm. "Ta dịch chuyển từ ngành năng suất thấp sang ngành có năng suất cao, từ nông thôn sang thành thị, nhưng tiềm năng tăng năng suất đang hạn hẹp và không thể khai thác hơn được nữa”, GS Đạt đánh giá.

Vì vậy ông cho rằng để tăng bền vững cần phải thúc đẩy nội ngành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trọng tâm ưu tiên là chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Gắn với việc cân bằng giữa tăng trưởng với giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh.

TS Jonathan R. Pincus, kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), khuyến nghị Việt Nam cần phải tăng cường phát triển đội ngũ lao động có năng suất, đi kèm với hiệu suất lao động.

"Việt Nam có cơ hội lớn cho duy trì tốc độ phát triển, nhưng cần đẩy mạnh đầu tư lớn trong phát triển giáo dục đại học bậc cao, cải cách tài chính, nhằm tạo ra nguồn lực đầy đủ cho tư nhân, cải cách công nghiệp" - ông nói.

Trung ương Đảng: Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập caoTrung ương Đảng: Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao

Nghị quyết của Trung ương Đảng nêu rõ lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên