31/10/2018 09:31 GMT+7

Hiểm họa từ vi hạt nhựa - Kỳ 2: Ám ảnh bao nilông

THUỲ DƯƠNG - XUÂN MAI - DIỆU NGUYỄN
THUỲ DƯƠNG - XUÂN MAI - DIỆU NGUYỄN

TTO - Bao nilông các loại đang được dùng tràn lan trong các cửa hàng, quán sá, chợ, siêu thị... Giá thành bao nilông thấp, tiện trong sinh hoạt nên người dân sử dụng rất phổ biến, thậm chí còn lạm dụng mà không để ý đến tác hại của nó.

Hiểm họa từ vi hạt nhựa - Kỳ 2: Ám ảnh bao nilông - Ảnh 1.

"Nhựa chồng nhựa" trong các thực phẩm được bán ra, mua về - Ảnh: Quang Định

Xét về mặt hóa học, vi hạt nhựa tồn tại trong cơ thể con người hầu hết trơ về mặt hóa học, không phân hủy, bền... Các nhà khoa học tin rằng chúng có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, lan truyền độc tố và các vi khuẩn có hại.

PGS TRẦN HỒNG CÔN

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 bao nilông/ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu bao nilông được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày.

Các chuyên gia y tế cho biết có rất nhiều tác hại khi dùng bao nilông, hộp nhựa đựng thực phẩm ăn ngay lẫn chế biến.

Khiếp đảm thói quen dùng bao nilông

Sáng 27-10, chợ Tân Sơn Nhất, Q.Gò Vấp, TP.HCM tấp nập kẻ bán người mua. Người mua hàng dù đi bằng phương tiện gì cũng không ai mang theo túi đựng. Tất cả quầy hàng từ hàng thịt, cá, rau, trái cây, chanh, tỏi, hành, đồ ăn sáng... đều sẵn bao nilông để đựng hàng cho khách.

Chị N.T.H., 42 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, xách đầy các bao nilông trên tay. Chị mua thịt, cá, một số loại rau, một số loại trái cây, mua cả lá xông về nấu nước tắm... hàng nào cũng lấy bao nilông đựng đồ cho chị. Đếm sơ sơ một buổi đi chợ của chị có chừng 8-9 cái bao nilông. Chị H. bảo nhà chị gần chợ nên sáng nào cũng đi chợ mua đồ về nấu trong ngày.

Khi chúng tôi hỏi, về nhà chị sẽ làm gì với số bao nilông này thì chị trả lời trong lúc chế biến đồ ăn thì những bao này sẽ làm bao đựng rác. Và tất cả đều được quăng vào thùng rác chung cư. Nhìn quanh, rất nhiều người đi chợ cũng xách trên tay nhiều bao nilông như chị H..

Chị P.K.D. - chủ một sạp hàng - cho biết khi khách mua vài quả hay 1kg chanh thì chị cũng phải lấy bao nilông đựng cho khách. Trung bình một ngày chị sử dụng 1kg bao nilông - giá 38.000 đồng. "Trước đây tôi từng hỏi khách có thể cho chanh vào túi của khách mua từ trước đó hay không nhưng rất hiếm người đồng ý, giống như quyền lợi của họ là phải có bao nilông vậy. Thấy đa số khách hàng thích cho chanh vào bao nilông riêng nên bây giờ tôi dùng bao nilông đựng luôn cho khách, không hỏi nữa" - chị D. nói.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng tiện lợi, ai ai vào mua hàng cũng xách ra khoảng 2-3 bao nilông. Bao đựng thịt, đựng rau, bao đựng đồ ăn sẵn như bánh mì, sữa chua...

Vô tư dùng, quên nguy hại

Mới đây, các nhà khoa học Áo phát hiện có rất nhiều vi hạt nhựa trong chất thải của người. Những người trong nhóm được các nhà khoa học nghiên cứu đều có tiếp xúc trực tiếp với nhựa. Ví dụ như sử dụng màng nilông bọc thực phẩm hay uống từ chai nhựa...

Nhiều cửa hàng tiện lợi, quán ăn không chỉ dùng bao bì nhựa, hộp nhựa đựng thực phẩm nguội mà còn dùng đựng đồ nóng, đang đun sôi. Có cửa hàng tiện lợi còn đưa các loại hộp nhựa kèm màng nilông bọc thực phẩm cho vào lò vi sóng hâm nóng thực phẩm. Các nhà khoa học đã chứng minh các loại bao nilông, đồ nhựa dùng một lần, nếu sử dụng trong môi trường nhiệt độ cao sẽ gây hại cho sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết các loại bao bì nhựa dẻo chủ yếu là các hóa chất cao phân tử như PVC (polyvinyl clorur), PE (polyethylen)... Để đúc khuôn tạo dáng cho các bao bì này người ta phải thêm chất hóa dẻo (plasticizer) là các hóa chất có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm gọi là các "dẫn chất phtalat". Các dẫn chất phtalat này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm.

Nếu bao bì đó đựng thực phẩm và trong quá trình sử dụng chế biến đun nóng ở nhiệt cao, các dẫn chất phtalat bị nhiễm vào thực phẩm, theo đường tiêu hóa vào cơ thể con người sẽ gây hại.

PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa hóa học ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay khi túi nilông, ly nhựa, hộp xốp trải qua thời gian ngắn trong "hành trình dài" phân hủy thì chúng sẽ chuyển thành những vi hạt nhựa với kích thước siêu nhỏ, thường xuất hiện ở nguồn nước, thậm chí lơ lửng trong không khí... khiến động vật, con người "ăn phải".

"Tác hại của các dẫn chất phtalat vào trong cơ thể gây hại nhiều mặt nhưng cái hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết (endocrine disruptors). Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Đối với trẻ nhỏ dùng bình sữa, bát nhựa, đồ chơi bằng nhựa dẻo có chứa hàm lượng cao các phtalat cũng có nguy cơ rất cao bị nhiễm chất này" - PGS Hữu Đức cảnh báo.

Lập thói quen mới, tại sao không?

Ông Trần Hữu Nhân, người sáng lập Tổ chức Việt Nam sạch và xanh, cho biết trong một lần hoạt động tại Vũng Tàu, ông rất ngạc nhiên khi thấy mấy trăm thực khách người Việt tại nhà hàng khách sạn nơi ông lưu trú không sử dụng ống hút trên bàn ăn của họ. "Tức là không sử dụng ống hút trong các bữa ăn, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta" - ông nói.

Làm cách nào đó để nhận thức của mỗi người thay đổi là rất quan trọng, cần giáo dục bảo vệ môi trường từ trẻ nhỏ. Hoặc phải đưa vào luật, phạt thật nặng nếu vi phạm như chúng ta đã từng thành công với quy định đội mũ bảo hiểm. Mặt khác, cần sự chung tay chịu trách nhiệm của các thương hiệu sản xuất hàng tiêu dùng...

Nguy cơ kép

Các nhà khoa học cảnh báo việc dùng đồ nhựa một lần dẫn đến "nguy cơ kép" vừa gây bệnh tật và là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Minh chứng cụ thể bằng "tuổi thọ phân hủy" của từng sản phẩm như ly tách nhựa 50 năm, chai nhựa 450 năm, bao bì nhựa có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và bao nilông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilông chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng bao nilông tăng theo từng năm. Đây chính là một gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, tác hại nguy hiểm nhất của bao nilông tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

THUỲ DƯƠNG - XUÂN MAI - DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên