07/04/2020 08:20 GMT+7

Hi vọng mọi chuyện sẽ sớm qua

NGỌC HIỂN - VŨ THỦY
NGỌC HIỂN - VŨ THỦY

TTO - Trong căn phòng trọ chật chội nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chị Võ Minh Phương (31 tuổi) thở dài ngao ngán khi lần đầu tiên gia đình chị đối diện với tình cảnh éo le bởi 3 thành viên trụ cột đều thất nghiệp.

Hi vọng mọi chuyện sẽ sớm qua - Ảnh 1.

Chị Võ Minh Phương lo khó khăn khi cả gia đình thất nghiệp nhưng vẫn chăm con, gắng gượng vượt khó - Ảnh: N.HIỂN

Chị và mẹ bán vé số, chồng chở hàng giao cho khách. Từ 1-4 này, hai mẹ con chị thất nghiệp trong khi chồng chị đã buộc phải ngưng giao hàng cả tuần nay...

Nỗi lo cơm áo gạo tiền

Mẹ ruột chị Phương là bà Võ Thị Ba (61 tuổi) tròn 20 năm bán vé số dạo, đây là lần đầu tiên người phụ nữ gầy gò này nếm mùi đến vé số cũng... thất nghiệp. 

"Rầu lắm, ngày thường đuối lắm cũng xin được một chân rửa chén, giờ hàng quán đóng cửa hết rồi" - chị Phương nói và cho hay đã cố gắng lẩy ra nghề mới, đó là bán kèm thêm khẩu trang dạo, tiền lời cũng 1.000 đồng/cái như vé số: "Mình ăn cơm với mắm được nhưng ráng mà kiếm đồng bạc đặng còn lo miếng cơm miếng cháo cho con".

Những công nhân có thâm niên, hoặc đã quen với đất Sài Gòn khi mất việc đã khó, với những người mới còn khó hơn bội phần. Anh Lâm Xuân Thiện (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) mới mất việc sau vỏn vẹn 2 tuần vào Nam xin việc. "Nghỉ từ hôm 22-3 nhưng phải tới ngày 15 tháng sau mới lãnh được lương hai tuần thử việc" - Thiện buồn rầu nói.

Chỉ biết hi vọng

Ngay từ khi ngành ẩm thực bắt đầu "thấm đòn" bởi người dân ít đến các nhà hàng, anh Trần Tiến Lương (26 tuổi), đầu bếp của một chuỗi nhà hàng tại Q.1, đã "tự nguyện" xin tạm nghỉ. Sau một đêm suy nghĩ về bài toán kinh tế, Lương và bạn gái quyết định tạm thời chia tay Sài Gòn, ai về quê nấy khi cả 2 đều thất nghiệp. "Chỉ biết hi vọng mọi chuyện sẽ sớm qua" - Lương nói.

Việc không có thu nhập đối với anh N.V.H. (32 tuổi), quản lý một quán bar ở Q.1, khiến gánh nặng cơm áo, nợ nần đè nặng thêm. Vợ ở nhà chăm con, một mình anh lo cho cả gia đình từ lãi vay ngân hàng, tiền nhà, ăn uống... 

Mỗi tháng, tất tần tật từ cả nợ lẫn lãi ngân hàng và tiền nhà anh phải trả hơn 15 triệu đồng, nay thu nhập chỉ còn 2,5 triệu. Anh mong mỏi "nếu có được nhanh chóng hỗ trợ giãn lãi vay cá nhân cho những người lao động bị mất việc như tôi thì dễ thở hơn chứ ngột ngạt lắm rồi, nếu sang tháng vẫn như vậy chắc chắn tôi vỡ nợ".

Nhiều xóm trọ hết người

Ở một dãy trọ trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), những căn phòng thường ngày xôm tụ tiếng nói cười của những người lao động ngụ cư thì nay đìu hiu với những ô cửa đã khóa chặt từ nhiều ngày. 

Đó là căn phòng của những người thất nghiệp bởi đại dịch, phần lớn trong số đó đã buộc phải trở về quê vừa để lánh dịch, vừa để tiết kiệm chi phí. Tương tự, xóm trọ của những người bán mồi nhậu dạo, bán hủ tiếu của dân Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng im lìm, phần lớn những người bán dạo này đã hồi hương.

Từ phó chủ tịch công ty phải xin trợ cấp thất nghiệp vì COVID-19 Từ phó chủ tịch công ty phải xin trợ cấp thất nghiệp vì COVID-19

TTO - Cả triệu người Mỹ phải đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp vì đại dịch COVID-19, nhưng số người thất nghiệp tăng vọt khiến thủ tục đăng ký không hề suôn sẻ, thậm chí mệt mỏi.

NGỌC HIỂN - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên