29/05/2013 07:00 GMT+7

Hi vọng mới cho bệnh nhân ung thư máu

THÙY DƯƠNG thực hiện
THÙY DƯƠNG thực hiện

TT - Sau ca ghép tế bào gốc tạo máu thành công từ người cho chỉ hợp một nửa gen với người nhận, dự kiến hôm nay (29-5), Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM ghép ca thứ hai.

EMjpyLDs.jpgPhóng to
Các bác sĩ đang ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Cao Xuân Hiệp (21 tuổi) - Ảnh: Bệnh viện Truyền máu - huyết học cung cấp

Người cho tế bào gốc lần này là mẹ và người nhận là con trai bà.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng (giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học) cho biết thêm:

- Ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp HLA là một kỹ thuật mới được áp dụng trên thế giới (kỹ thuật này được hiểu là người cho mảnh ghép tế bào gốc chỉ hợp một nửa gen với người nhận). Tại châu Á, hai nước áp dụng kỹ thuật mới này nhiều nhất là Nhật Bản và Trung Quốc, tính đến nay cả hai nước này mới chỉ ghép được hơn 100 ca, còn Singapore cũng mới ghép được ba ca.

Ca ghép đầu tiên được áp dụng kỹ thuật mới này tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học cũng là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép tên Cao Xuân Hiệp, 21 tuổi, mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (ung thư máu) và người cho là chị gái bệnh nhân. Ca ghép đã thành công khi mảnh ghép tế bào gốc đã mọc và phát triển tốt trong cơ thể bệnh nhân.

Các kỹ thuật ghép trước chỉ ghép cho những người có tính di truyền phù hợp hoàn toàn hoặc ít nhất cũng phải phù hợp 80-90%, nhưng với kỹ thuật này chỉ cần phù hợp 50%. Khi xã hội ngày càng phát triển, gia đình có ít con (1-2 con) nên tìm ra một đứa trẻ có gen phù hợp hoàn toàn rất khó.

Kỹ thuật này đã mở ra hướng điều trị mới cho những bệnh nhân ung thư máu có nguy cơ tái phát cao, bị tái phát trong hóa trị, kháng trị với hóa trị. Người cho có thể là cha mẹ, anh chị em ruột, hoặc chỉ là họ hàng vì chỉ cần có gen phù hợp khoảng 50% là có thể ghép được, đặc biệt là tại Việt Nam hiện chưa có ngân hàng người sống đăng ký cho tế bào gốc.

* So với những phương pháp ghép tế bào gốc mà Bệnh viện Truyền máu - huyết học đã thực hiện, phương pháp mới này có những ưu và nhược điểm gì?

- Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM đã thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu từ tủy xương vào năm 1995, ghép tế bào gốc tạo máu lấy từ tế bào máu ngoại vi từ năm 1996 và tới năm 2002 bệnh viện bắt đầu ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn.

Phương pháp mới này có ưu điểm hơn so với những phương pháp trước là nhờ vào phản ứng chống thải ghép với người nhận rất mạnh so với những phương pháp ghép trước đây. Khi ghép người cho không có gen phù hợp hoàn toàn với người nhận, phản ứng mảnh ghép sẽ chống lại người nhận và chính phản ứng này chống lại những tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân. Chưa kể, ưu điểm của phương pháp mới là dễ tìm được nguồn cho.

* Bệnh nhân đáp ứng những điều kiện nào mới được ghép theo phương pháp mới này?

- Bệnh nhân phải được chỉ định ghép từ bác sĩ. Thường những bệnh nhân này phải có nhóm nguy cơ tái phát cao (tùy thuộc bất thường về gen, nhiễm sắc thể bác sĩ sẽ xác định), tái phát sau hóa trị liệu, kháng trị với hóa trị liệu. Để được ghép bệnh nhân phải được hóa trị liệu trước khi ghép, phải điều trị lui bệnh hoàn toàn, bệnh nhân phải khỏe mạnh trước khi ghép, không bị tổn thương các cơ quan như gan, thận, tim, phổi... để đủ sức vượt qua được cuộc ghép, không mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan siêu vi B... Bệnh nhân có tổng trạng tốt để chịu đựng ca ghép.

Nhưng hạn chế của phương pháp mới này cũng chính là phản ứng mảnh ghép chống lại bệnh nhân rất mạnh. Đây là một yếu tố nguy cơ nếu ca ghép không tốt, thiếu kinh nghiệm có thể gây ra nhiều biến chứng cho người nhận như biến chứng ở da, gan, hệ tiêu hóa..., thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

* Nhu cầu bệnh nhân cần được ghép theo phương pháp mới này có nhiều không? Hiện có bao nhiêu bệnh nhân đang chờ đợi được thực hiện?

- Nhu cầu người cần ghép luôn có nhưng muốn được ghép theo kỹ thuật mới cần có chỉ định của bác sĩ. Phương pháp ghép nào cũng có những ưu điểm và hạn chế nên tùy từng loại bệnh, nhóm nguy cơ, những yếu tố khác đi kèm... bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp tối ưu cho bệnh nhân. Hiện tại bệnh viện đã lên kế hoạch ngày 29-5 ghép ca thứ hai bằng kỹ thuật mới này, khoảng 10 ngày sau đó sẽ ghép ca thứ ba. Ca thứ hai là mẹ ruột cho con trai tế bào gốc, ca thứ ba là cha ruột cho con trai 14 tuổi. Cả ba ca đều bị bệnh ung thư máu.

* Những bệnh nhân này nếu không được ghép sẽ gặp những khó khăn gì trong quá trình điều trị bệnh?

- Bệnh nhân thứ hai và thứ ba đều từng được hóa trị liệu và đã tái phát. Nếu không ghép, bệnh nhân sẽ không còn cơ hội được điều trị. Phương pháp ghép bằng kỹ thuật mới này mang đến cho các bệnh nhân này cơ may được điều trị khỏi bệnh, hoặc ít nhất là kéo dài thời gian lui bệnh.

THÙY DƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên