02/08/2015 09:37 GMT+7

​Hi sinh 50 năm chưa được công nhận liệt sĩ

HỒ VĂN - HOÀNG SƠN
HỒ VĂN - HOÀNG SƠN

TT - Tham gia phục vụ kháng chiến và hi sinh đã gần 50 năm, nhưng đến nay ba dân quân xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Bà Lê Thị Sự gần 50 năm qua vẫn chưa được công nhận là thương binh - Ảnh: H.Sơn

Gia đình của ba dân quân này cùng với một “thương binh” hơn 20 năm đi tìm cái mà con em mình đáng được hưởng. Nhưng tất cả đều nhận được câu “chờ giải quyết” vì vướng thủ tục hành chính từ thông tư 28 (thông tư liên tịch giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng ban hành ngày 22-10-2013).

Hi sinh khi tham gia bảo vệ kho xăng dầu

Đã gần 50 năm trôi qua nhưng bà Lê Thị Sự (71 tuổi, trú tại xóm 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, nguyên là nữ dân quân trung đội 202, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc) vẫn chưa quên được trận bom thảm sát giội xuống Bãi Dộp, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc vào ngày 21-5-1968.

Theo lời kể của bà Sự, 2g ngày 21-5-1968, cũng như nhiều hôm khác, tiểu đội của bà gồm 10 người được điều động ra đào hầm giấu xăng dầu tại Bãi Dộp. Đến 9g sáng, khi cả tiểu đội đang làm việc thì bất ngờ máy bay Mỹ bổ nhào xuống ném bom.

Một số đồng đội của bà kịp chạy vào hầm ẩn nấp, riêng ba người trong tiểu đội là Phan Thị Trung, Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Văn Kính bị bom đạn vùi lấp ngay dưới hầm đào giấu xăng, còn bà Sự bị thương nặng được lực lượng cứu thương của đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ tại đó cứu chữa.

Sau đó, khi vết thương liền lại bà Sự mới trở về địa phương và lúc đó người thân mới biết bà còn sống. “Tôi trở về và chỉ địa điểm nơi ba đồng đội mình hi sinh thì gia đình mới biết để lấy được xác lên sau một năm bị vùi lấp” - bà Sự xót thương nhớ lại.

Ông Đoàn Văn Quế - nguyên trung đội trưởng 202 - cho biết việc điều động dân quân trong đó có ba trường hợp nói trên cùng bà Sự tham gia đào hầm, bảo vệ kho xăng dầu và sự hi sinh của họ là hoàn toàn chính xác.

Ông Nguyễn Văn Du hơn 20 năm đi làm chế độ liệt sĩ cho chị gái Nguyễn Thị Hương - Ảnh: H.Sơn

Chưa được công nhận vì vướng thông tư?

Năm 1997, Nhà nước có chính sách đối với những người đã hi sinh và bị thương trong quá trình phục vụ kháng chiến chống Mỹ nên bà Sự và gia đình ba liệt sĩ Phan Thị Trung, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Văn Kính đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để được công nhận chế độ chính sách thương binh và liệt sĩ. Nhưng từ đó đến nay chưa trường hợp nào được giải quyết.

Ngày 1-3-2010, Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Lộc có công văn khẳng định: “Việc công nhận liệt sĩ cho ba trường hợp Phan Thị Trung, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Văn Kính thuộc trách nhiệm của Công ty Xăng dầu khu vực 3 - Tổng công ty Xăng dầu quân đội vì cả ba người nói trên được điều động làm việc tại công trình 18, Cục Xăng dầu - Tổng cục Hậu cần”.

Tháng 4-2011, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng cục Hậu cần đã trực tiếp về làm việc với bà Sự và thân nhân gia đình ba trường hợp trên cùng với đơn vị liên quan của địa phương. 

Sau đó, từ năm 2011 - 2013, Tổng công ty Xăng dầu quân đội và Tổng cục Hậu cần cũng đã có các văn bản gửi các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Nghệ An về việc đề nghị lập hồ sơ giải quyết chế độ chính sách tồn đọng trong kháng chiến cho các trường hợp trên.

Trong đó nêu rõ: “Căn cứ vào các giấy tờ hiện có và các nhân chứng chứng kiến trận bom thảm sát (ngày 21-5-1968) đã sát hại nhiều thanh niên xung kích và nhân dân địa phương, trong đó có ba thanh niên xung kích đang làm nhiệm vụ cất giấu xăng dầu cho đơn vị tại Bãi Dộp thuộc xã Nghi Kiều... Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần đề nghị các cơ quan, ban ngành tỉnh Nghệ An lập hồ sơ đề nghị xem xét giải quyết chế độ theo chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước cho ba trường hợp trên”.

Ông Trần Văn Sao, chủ tịch xã Nghi Văn, cho biết: “Trước đó hồ sơ ba gia đình liệt sĩ đã có nhưng do cán bộ chính sách của xã cuối năm 2014 gặp tai nạn tử vong nên bị thất lạc hồ sơ. Trường hợp của bà Sự và các gia đình này vẫn còn đầy đủ các nhân chứng thời điểm đó và chúng tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này lên cấp trên nhưng nghe bảo vướng mắc quy định từ thông tư 28 của Bộ LĐ-TB&XH nên vẫn chưa giải quyết được”. 

Theo bà Hồ Thị Thủy - trưởng phòng người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, thông tư 28 yêu cầu phải có giấy tờ điều động công tác gốc thời điểm xảy ra sự việc hoặc bia mộ được đục ghi liệt sĩ ngay tại nơi hi sinh và các ngôi mộ đó không được di dời đến vị trí khác.

Nhưng lực lượng dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến... địa phương thời kỳ chiến tranh được điều động đi làm nhiệm vụ làm gì có giấy tờ. 

“Do đó, với các trường hợp như trên, chúng tôi rất muốn giải quyết cho các gia đình nhưng vướng quy định tại thông tư 28 nên cũng gặp khó. Sắp tới sẽ sửa đổi thông tư, chúng tôi cũng mong muốn quy định này sẽ sửa đổi hợp lý hơn để có thể giải quyết được cho các trường hợp thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng vì không còn giấy tờ gốc” - bà Thủy nói.

“Đã gần 20 năm gia đình tôi làm hồ sơ để chị gái tôi được công nhận là liệt sĩ. Mẹ tôi cũng hằng ngày mong mỏi chị tôi được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, ghi nhận công lao trong kháng chiến. Vậy mà thời gian cứ trôi đi, chị tôi chưa được công nhận liệt sĩ thì mẹ tôi đã ra người thiên cổ, có lẽ bà nhắm mắt chưa yên” - ông Nguyễn Văn Du (64 tuổi, trú tại xóm 5B, xã Nghi Văn, em trai nữ dân quân Nguyễn Thị Hương) ngậm ngùi nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:

Nói vướng thông tư 28 là chưa đúng

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Tôi chưa biết các trường hợp cụ thể này nhưng nói vướng thông tư 28 mà không được công nhận là chưa đúng. Những quy định trong thông tư 28 chưa phải là điều kiện tiên quyết, còn nhiều quy định, điều khoản khác để áp dụng sao cho phù hợp với từng đối tượng. Trả lời như vậy là địa phương chưa làm hết trách nhiệm, vướng ở đâu thì gỡ ở đó, phải hỗ trợ hết mình cho những người có công với cách mạng”.

Ông Diệp cũng cho biết thêm thông tư 28 mới triển khai thực tiễn hơn một năm và cũng có nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Sắp tới hai bộ (Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng) cùng với các địa phương tổ chức sơ kết một năm thực hiện. “Chúng tôi đang làm rất khẩn trương việc này, sau sơ kết điều gì chưa phù hợp thì sửa đổi” - ông Diệp nói.

 

HỒ VĂN - HOÀNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên