Với một người khó đoán định như Tổng thống Donald Trump, mọi thứ đều có thể xảy ra - Ảnh: AFP
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Axios on HBO ghi hình ngày 29-10, ông Trump tuyên bố ông muốn chấm dứt việc công nhận công dân với những trẻ em ra đời ở Mỹ nhưng cha mẹ không phải công dân Hoa Kỳ.
Phát biểu này rõ ràng vi phạm Hiến pháp, gây chia rẽ, đẩy mạnh khuynh hướng chống di dân
OMAR JADWAT (giám đốc Dự án quyền di dân của Liên đoàn Dân quyền Mỹ - ACLU)
Vi hiến?
Tháng 7-1868, sau khi được 3/4 số bang phê chuẩn, Tu chính án thứ 14 được chính thức đưa vào Hiến pháp Mỹ. Tu chính án này đã giải quyết vấn đề của thời kỳ tiền nội chiến về quyền công dân của nhóm người Mỹ gốc Phi bằng tuyên bố: "Tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc nhập quốc tịch Mỹ... đều là công dân và là công dân của bang nơi họ sinh sống".
Tuy nhiên, khi được phỏng vấn, nói về việc trẻ em sinh ra tại Mỹ là công dân Mỹ, ông Trump đã nói: "Thật là buồn cười. Thật là buồn cười. Điều này phải chấm dứt thôi".
Ông Trump cho biết đã tham khảo với các cố vấn pháp lý và một sắc lệnh hành pháp "đang được soạn thảo" để có thể chấm dứt tình trạng này. Ông không nói rõ khi nào sẽ ký, tuy nhiên, theo CNN và nhiều chuyên gia, một sắc lệnh rõ ràng như thế chắc chắn đối đầu với vô số vụ kiện lên tới Tòa án tối cao.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan phát biểu trên Đài phát thanh Kentucky không đồng tình với tổng thống: "Điều đó rõ ràng là không thể được. Không thể chấm dứt quyền công dân lúc mới sinh bằng một sắc lệnh hành pháp". Theo ông Ryan, cần một quy trình vô cùng dài để thay đổi Tu chính án số 14.
Giáo sư Garrett Epps, chuyên gia về hiến pháp của Đại học Baltimore, bình luận: "Tổng thống nói rằng ông ấy có thể bằng cách nào đó thay đổi nội dung Tu chính án bằng một sắc lệnh hành pháp, nhưng chúng tôi coi đó là một tuyên bố ngông cuồng".
Theo giáo sư Epps, đây là chiêu trò mới của ông Trump để củng cố lợi thế chính trị trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần tới và có thể ông Trump sẽ không bao giờ thực sự có thể ký được sắc lệnh này.
Còn thượng nghị sĩ Mark Warner - Đảng Dân chủ, đại diện bang Virginia - nhận xét "ngài tổng thống có quyền tạo ra tranh luận", nhưng "cần lưu ý rằng ông ấy sẽ vi phạm Hiến pháp. Không một chuyên gia về pháp lý nào sẽ cho rằng điều này có thể thành sự thật".
4,5 triệu "em bé mỏ neo"
Dù tất cả mọi chuyện còn đang ở thì tương lai, ý định của ông Trump thực sự khiến một bộ phận dân chúng sống bên ngoài nước Mỹ hết hồn.
Họ là những người có đủ điều kiện xin visa đi Mỹ, có khả năng tài chính hùng mạnh để trả chi phí đắt đỏ khi sinh con mà không có bảo hiểm y tế ở nước sở tại và các chi phí khác khi sống nhiều tháng trước và sau khi sinh con ở Hoa Kỳ.
Có một thuật ngữ cho việc này, đó là "du lịch đẻ" (birth tourism) với công thức chung: có thai - xin visa đi Mỹ - đẻ con - con có quốc tịch Mỹ.
Người ta lo sợ ông Trump có ý định nghiêm túc chứ không chỉ là kiếm lợi thế chính trị, vì ông khá khó đoán. Hơn nữa, một số tuyên bố gây tranh cãi của ông từng bước thành sự thật như việc xây bức tường biên giới với Mexico, rút Mỹ ra khỏi một số hiệp định đa phương, chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, chiến tranh thương mại với Trung Quốc...
Việc chấm dứt "du lịch đẻ" cũng là một trong những lời hứa trước đây khi ông Trump tranh cử tổng thống.
Theo báo cáo của Văn phòng ngân sách Quốc hội (CBO) năm 2017, có sự bùng nổ số trẻ em người nước ngoài sinh ra ở Mỹ và được tự động trao quyền công dân.
Những em bé này được gọi bằng cụm từ "em bé mỏ neo" (anchor baby) và trong tương lai có thể bắt đầu thủ tục nhập cảnh cho một lượng người thân không giới hạn từ nước ngoài vào Mỹ - gọi là di dân theo chuỗi.
Những người mới qua tiếp tục bảo lãnh cho những người thân khác cùng sang. Trung bình cứ mỗi hai người di cư mới sẽ đưa 7 người họ hàng khác nhập cư.
Có ít nhất 4,5 triệu "em bé mỏ neo" dưới 18 tuổi ở Mỹ. Con số này không bao gồm hàng triệu "em bé mỏ neo" khác đã trên 18 tuổi hoặc những trẻ hiện đang sống ở nước ngoài cùng bố mẹ. Con số 4,5 triệu "em bé mỏ neo" cũng lớn hơn số lượng 4 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm ở Mỹ.
Ngoài Mỹ, còn có khoảng 30 nước trên thế giới có luật này, trong đó có Canada.
* Anh Q.M. (cựu du học sinh ở Mỹ, người Việt Nam, có con gái 16 tuổi quốc tịch Mỹ):
Có thể vấp nhiều phản đối
Vợ tôi sinh con vào buổi tối ở Virginia. Bệnh viện tự thông báo cho một cơ quan chuyên phụ trách các vấn đề kiểu như hộ tịch ở Việt Nam vì chúng tôi là người nước ngoài. Sáng hôm sau, cơ quan này đến gặp vợ chồng tôi lấy thông tin để làm khai sinh cho bé. Khoảng ba tuần sau, họ gửi giấy khai sinh đến nhà. Giấy khai sinh này là bằng chứng quốc tịch Mỹ của con.
Năm 2002, tôi về nước và vẫn giữ quốc tịch Mỹ của con vì thời điểm này Việt Nam chưa công nhận song tịch. Con tôi vẫn mang quốc tịch Mỹ suốt thời gian 16 năm cháu sống ở Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, tôi đưa con sang Mỹ học lớp 11. Mọi thủ tục của cháu được nhà trường xử lý như đối với công dân Mỹ. Cháu được miễn học phí và miễn phí bảo hiểm đến 18 tuổi.
Tôi có một người bạn cũng sinh con ở Mỹ khi đi du học. Lúc trở về, cũng vào thời điểm Việt Nam chưa công nhận song tịch, anh làm giấy xác nhận bỏ quốc tịch Mỹ cho con với Đại sứ quán Việt Nam. Mới đây, bé vào lớp 10 và anh cho con đi du học Mỹ. Khi lãnh sự hỏi bé sinh ra đâu, cháu trả lời là ở Mỹ, họ nói cháu về tìm lại giấy khai sinh và dùng giấy khai sinh đó làm hộ chiếu Mỹ. Họ giải thích rằng cha mẹ không có quyền từ bỏ quốc tịch của con, nên dù bao nhiêu năm nay cháu mang hộ chiếu Việt Nam nhưng phía Mỹ vẫn công nhận cháu là công dân.
Ý định của ông Trump có thể vấp phải nhiều sự phản đối và khó thành hiện thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận