Con người luôn đắm chìm trong tình yêu với hai mắt bị băng kín. Mãi đến khi tình yêu đạt mức cân bằng tối thượng, nó sẽ thăng hoa thành sản phẩm tinh thần, gọi là “hôn nhân”.
Hôn nhân còn là sự kết hợp độc đáo của các cá thể về mặt xã hội, gia đình, tôn giáo một cách hợp pháp nhằm duy trì dòng giống, tránh tẩu tán đồng thời làm gia tăng tài sản gia tộc. Tùy vào mỗi quốc gia, vùng miền, tầng lớp, tôn giáo, văn hóa… có những phong tục truyền thống hôn nhân khác nhau. Chúng có thể sẽ “hoá phép” tình yêu thành thần tiên nhưng cũng có thể làm cho cho đời sống hơi nhuốm màu… quái dị.
Hôn nhân và chuyện chăn gối hài hước, kỳ dịNhững hôn lễ trên trời, dưới đấtNhững cuộc "kiểm tra" trinh tiết kỳ lạ
Hiện nay, nhiều sắc tộc trên thế giới vẫn duy trì những tập tục hôn nhân kỳ quái, độc đáo đến lạ thường. Những tập tục quái dị không chỉ gây chấn động mà còn thách thức niềm tin quý báu của chúng ta về một lễ cưới mang màu “hồng” hạnh phúc và hi vọng.
Phóng to |
Tahanj (áo hồng) lấy người chồng 25 tuổi khi cô chỉ mới 6 tuổi. Bạn học cùng lớp, Ghada (áo xanh), cũng là nạn nhân của tục lấy chồng khi còn là con nít - Ảnh: Reuters |
Nghiêm cấm yêu người cùng thị tộc
Ngôi làng Ghanavati, khu vực Rohtah, bang Haryana, Ấn Độ cấm những người sống cùng khu vực kết hôn với nhau. Nhưng Nidhi 20 tuổi và anh Dharmender Barak, 23 tuổi đã bất chấp mọi cảnh báo, thậm chí những lời đe dọa tính mạng để đến với nhau.
Cả hai rời làng đến thủ đô Dehli lẩn trốn. Gia đình hai bên đã thuyết phục, đưa ra nhiều đề nghị, hứa hẹn bỏ qua và chấp thuận tình yêu của đôi trẻ. Tuy nhiên ngay khi Dharmender cùng Nidhi quay về, họ bị trói và xét xử tại nhà cô Nidhi. Cô bị tra tấn đến chết, thi thể được hỏa thiêu trên cánh đồng. Về phía Dharmender có phần man rợ hơn, không những bị tra tấn đến gãy xương, họ tiếp tục hành hạ anh đến chết và chặt cả đầu. Thi thể được bó lại và ném trước cửa nhà.
Cha và chú cô gái cũng chính là người đã ra tay tàn sát dã man đứa con và đứa cháu tội nghiệp này. Sau đó, họ thản nhiên dự tiệc như thể chưa có chuyện gì xảy ra.
Ông Anil Kumar, phó cảnh sát trưởng khu vực Rohtah, cho biết: “Chúng tôi đã bắt bốn bị can liên quan đến cuộc tàn sát dã man và sự việc này vẫn tiếp tục điều tra. Thi thể cô gái bị thiêu đã được tìm thấy và đang được khám nghiệm".
Tuy nhiên, người đứng đầu hội đồng làng Gathwala, cũng là người giám sát 63 hội đồng làng khác, nhấn mạnh với chính quyền: “Luật Gotra phải được duy trì để gìn giữ phong tục và truyền thống hôn nhân ở Bắc Ấn và dĩ nhiên các hội đồng làng vẫn nắm quyền thực thi điều luật này".
Cái chết đau thương của Dharmender và Nidhi đã dấy lên cảnh báo về thực trạng giết người để bảo vệ thanh danh dòng tộc ở Ấn Độ. Theo ước tính, hằng năm tại đây có tới hơn 1.000 người bị trừng phạt vì vi phạm các quy tắc về tầng lớp trong mối quan hệ hôn nhân gia đình.
“Hồi môn” - bản án tử cho các nàng dâu xấu số
Trong "bản đồ" hôn nhân thế giới, “của hồi môn” đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng vô tội, nhấn chìm số phận người con gái đến tận cùng đau đớn. Theo số liệu thống kê Cục tội phạm quốc gia Ấn Độ, trong những năm gần đây từ năm 2012, có khoảng 7.000-8.000 phụ nữ bị gia đình chồng thiêu sống vì không mang đủ của hồi môn. Riêng ở Pakistan con số cũng lên đến 3.000 phụ nữ bị thiêu sống vì hủ tục đó.
Hầu hết các vụ thiêu sống cô dâu đều được ngụy trang bằng một số tai nạn sơ sẩy như nổ ga, cháy nhà…, những cái chết không người đối chứng là bằng chứng ngoại phạm mà những gia đình chồng tham lam mong mỏi.
Khi gả con gái, một số gia đình cô dâu ở một số vùng Ấn Độ “buộc” phải cống nạp cho nhà chồng của hồi môn, tiền hay hàng hóa hoặc cả hai. Nếu bên gia đình nhà gái không đáp ứng đầy đủ, mọi tức giận nhà chồng được trút lên đầu người con gái ngay khi về họ về làm dâu, trường hợp đó cũng thường gặp tại một số vùng khác của Ấn Độ.
Điển hình cho vấn nạn này là câu chuyện thương tâm của chị Annu Devi, sống huyện Dumka, thuộc miền Đông Ấn Độ đã gây làn sóng phản kháng của người phụ nữ giành quyền bình đẳng và nhân phẩm trong hôn nhân. Cảnh sát địa phương cho biết chị Annu Devi 22 tuổi bị chồng mình đổ dầu hỏa lên người, thiêu sống tại chỗ khi chị đang cho đứa con sơ sinh bú.
Ông Raghuni Rana, cha của cô gái, cho biết: “Hiện nay gia đình bên ấy vẫn còn yêu sách đòi của hồi môn: tivi, xe máy mặc dù tôi đã cắt cho họ 16 mẫu đất làm sính lễ hồi môn.”
Để che giấu hành vi tội ác, các gia đình nhà chồng đã dựng nên hiện trường giả, đặt cô gái cùng đứa trẻ sơ sinh bị bỏng nặng ngồi cạnh lò sưởi. Nghe tiếng kêu cứu, hàng xóm đã phát hiện đưa cô cùng đứa trẻ đến bệnh viện nhưng cả hai đã tử vong trên đường. Ông Nirmal Kumar Mishra, giám đốc cảnh sát địa phương, cho biết đó là tội ác ghê tởm và tôi sẽ đưa tất cả những người liên quan ra trước pháp luật.
Khuôn mặt biến dạng của chị Olga Rubio, sống tại Ấn Độ cũng là một trong những hệ lụy của hủ tục đốt cô dâu vì hồi môn. Lòng tham vô đáy của gia đình chồng đã thay đổi toàn bộ cuộc đời chị Olga Rubio, biến cuộc sống vợ chồng trở thành cảnh “địa ngục trần gian”.
Mẹ chồng ra sức xỉ vả, đánh đập thậm chí bày mưu hãm hại cô gái. Bà nhốt cô vào một gian bếp sặc mùi gas, sau đó lệnh cho cô mở bếp, nấu nước pha trà. Ngọn lửa kéo theo vụ nổ ga lớn đã cướp đi toàn bộ khuôn mặt, cơ thể bị bỏng nặng, thậm chí trải qua gia đoạn nguy cơ đến tính mạng. Khi đứng trước pháp luật, họ khai báo cô gái bị cháy trong khi nấu ăn, không có chứng cớ rõ ràng, cơ quan chức trách không tài nào cáo buộc hành động dã man gia đình chồng cô.
Tục hôn nhân ở một số vùng tại phía tây Bengal cho rằng nếu con gái lấy chồng sớm, gia đình sẽ tránh được việc chi nhiều cho của hồi môn. Vì vậy, đa phần những bé gái tại đây buộc phải về nhà chồng khi chỉ vỏn vẹn 10 -14 tuổi.
Thậm chí, một số bé gái trở thành nạn nhân vấn nạn lạm dụng lao động và tình dục. Ngoài ra, vì cơ thể của các bé gái chưa hoàn toàn trưởng thành, nếu phải sinh nở sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cô Alemtsahye Gebrekidan, 38 tuổi hiện sống tại London, Anh từng là nạn nhân việc tảo hôn vì của hồi môn tại đất nước Ethiopia khi cô vừa tròn 10 tuổi. Cô cho biết được gia đình gả từ khi mình 10 tuổi, mang thai lúc 13 tuổi và trở thành góa bụa lúc 14 tuổi.
Cô nghẹn ngào kể lại quãng đời đen tối ấy: “Khi tôi đang vui đùa cùng một số bạn bên ngoài sân, mẹ tôi gọi vào và nói tôi phải lấy chồng sớm. Hai tuần sau đó cuộc hôn nhân diễn ra, chồng tôi là một cậu bé 16 tuổi. Tôi đã trải qua những giờ phút đen tối nhất cuộc đời, và mãi đến tận hôm nay không bao giờ quên được. Sau đêm tân hôn tôi bị chấn thương tâm lý. Ngoài ra, hằng ngày tôi phải đi lấy nước rất xa, đốn củi và nấu nướng cho gia đình chồng. 13 tuổi tôi mang thai một bé trai, đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất. Vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên lúc mang thai lẫn khi sinh con tôi cũng vô cùng đau đớn.”
14 tuổi, chồng cô mất, cô trở thành một góa bụa nuôi con. Cuộc sống đưa đẩy và cô không ngừng nỗ lực vươn lên. Hiện nay cô trở thành người của tổ chức cứu trợ trẻ em bị tảo hôn và giúp đỡ những bé gái cùng cảnh ngộ tại đất nước Ethiopia.
Dở khóc, dở cười với tập tục “đa phu, đa thê”
Trái ngược với các hủ tục hôn nhân hà khắc tại cộng đồng các làng Bắc Ấn, Tây Tạng nổi tiếng với những gia đình sống theo chế độ “đa phu”. Truyền thống này được cho là cách tốt nhất để giữ nguyên phần đất đai của gia đình chồng, hạn chế việc chia nhỏ và tẩu tán tài sản gia tộc khắp nơi.
Tashi Sangmo là nhân chứng sống của tập tục này. Hiện cô sinh sống trong một gia đình có hai người chồng - cũng là anh em ruột với nhau, tại ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya. Lần đầu tiên, Tashi được gả cho anh Mingmar Lama, 14 tuổi.
Sau đó, cô cũng đồng ý lấy em trai của anh Mingmar. Đám cưới thường được sắp đặt cho người con trai lớn nhất trong gia đình và dĩ nhiên cho phép người em trai sau này có cơ hội cưới người “chị dâu”. Một số trường hợp em trai quá nhỏ, các “bà vợ” sẽ kiêm luôn chức năng nuôi dưỡng những người chồng tương lai của mình
Sangmo cho biết: “Mọi thứ trở nên dễ dàng khi chúng tôi cùng chung một gia đình, không phải chia sẻ bất kỳ thứ gì với nhiều bà vợ. Hai anh em họ có trách nhiệm kiếm tiền và tôi là người quyết định sẽ làm gì với số tiền này. Chúng tôi có ba cháu trai và không thể biết ai trong hai người là cha đẻ thật sự của chúng”.
Trên thực tế, phụ nữ Tây Tạng rất tự do về kinh tế và tình dục do bản thân có thể sở hữu tài sản riêng. Tiếng nói người phụ nữ trong gia đình được coi trọng.
Một trường hợp tương tự tại vùng Dehradun, phía Bắc Ấn Độ, một bà vợ có tới năm ông chồng, và cả năm người đều là anh em ruột thịt với nhau. Văn hóa hôn nhân “đa phu” tại đây xuất phát cũng vì lý do tránh chia nhỏ đất đai gia đình trong hôn nhân.
Cô Rajo Verma, 21 tuổi, được gả vào gia đình có năm anh em ruột và cô cũng đồng ý lấy cả năm người. Cuộc sống gia đình khá vui vẻ, thậm chí họ còn ngủ chung giường với nhau. Người anh cả Bajiu 32 tuổi, chia sẻ: “Chúng tôi rất hạnh phúc vì đây là gia đình lớn. Và giữa chúng tôi không hề xảy ra bất kỳ chuyện ghen tuông hay đố kỵ”.
Rajo hiện có một bé trai 2 tuổi, bản thân cô cũng không rõ ba cháu là ai trong số năm người chồng. Cô cho biết: “Tôi quan hệ với cả năm ông chồng trong cùng một thời điểm. Ban đầu tôi có chút ngượng ngùng, sau dần thành quen. Tôi không thiên vị một ai và đối xử công bằng với tất cả. Phong tục đa phu vốn tồn tại từ xa xưa tại làng, chính mẹ tôi cũng từng là vợ của một gia đình ba anh em trai".
Theo nghiên cứu hôn nhân thế giới, tại một số bộ tộc ở đất nước Nigieria, người đàn ông được kính nể và tôn trọng dựa trên tổng số bà vợ mà anh ta sở hữu. Tại đây mỗi người đàn ông đều có từ mười cô vợ trở lên, thậm chí càng lớn tuổi, họ càng nhiều vợ, con số có thể lên đến 20-30 người. Các cô gái trong tộc cho biết hô luôn sùng bái những đàn ông có nhiều vợ, thật vinh dự nếu được các quý ông ấy chọn làm vợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận