02/03/2013 11:25 GMT+7

"Hết chuyện" khi đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm

HẢI ĐĂNG - ÁNH HỒNG ghi
HẢI ĐĂNG - ÁNH HỒNG ghi

TT - Trong một văn bản vừa được gửi Thủ tướng và các bộ ngành, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) đề xuất “đánh thuế thu nhập ở những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng” nhằm “chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất kinh doanh”.

gGXLpI2n.jpgPhóng to
Đánh thuế thu nhập với khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng chắc chắn ảnh hưởng đến người gửi tiền và thanh khoản của NH - Ảnh: T.Đạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề xuất này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc thực thi biện pháp này không những ảnh hưởng đến người gửi tiền, các ngân hàng (NH) mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

VN vẫn đang trong giai đoạn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm. Huy động được nguồn tiết kiệm của dân sẽ góp phần tăng nguồn vốn để cho vay sản xuất kinh doanh. Việc đánh thuế thu nhập đối với khoản tiền gửi tiết kiệm chắc chắn cản trở nguồn vốn này. Đâu phải cứ đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm thì người có tiền sẽ đem số tiền đó đi đầu tư sản xuất kinh doanh. Còn muốn dòng tiền chuyển vào sản xuất kinh doanh, theo tôi, trước hết mặt bằng lãi suất phải thật sự thấp, càng thấp càng tốt, rồi môi trường đầu tư phải tốt, cơ hội kinh doanh phải nhiều...

Trong thực tế, khi có cơ hội, những người có tiền ít thì người ta đầu tư nhỏ và có tiền nhiều thì đầu tư lớn, thậm chí vay thêm vốn tín dụng để đầu tư. Ngay cả những người đầu tư sản xuất kinh doanh khi có khoản dư nào đó cũng đem gửi tiết kiệm. Không phải ai cũng có kỹ năng kinh doanh, nên khi có được một khoản tích lũy nhất định, những người này gửi tiết kiệm như là kênh an toàn nhất để bảo toàn vốn.

Đừng vì lợi ích cục bộ

Có thể HoRea đưa ra kiến nghị này với mục đích hướng đồng vốn vào kênh bất động sản nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của thị trường này, nhưng đây là đề xuất chưa thuyết phục. Giải quyết câu chuyện của bất động sản không đơn giản như vậy. Vì thị trường này giống như một cỗ xe sa vào vùng lầy, để cỗ xe này di chuyển cần thời gian và nhiều biện pháp, chứ cái gốc không nằm ở việc đánh thuế người gửi tiết kiệm.

* Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:

Gián tiếp gây khó cho sản xuất kinh doanh

Tiền gửi tiết kiệm là đầu vào quan trọng và chủ yếu của các NH thương mại, gián tiếp là đầu vào của các doanh nghiệp. Hiện nay nguồn vốn vay của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào các NH, tỉ lệ phụ thuộc này lên đến 80%. Do vậy, nếu đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm như đề xuất, nguồn vốn huy động của các NH sẽ bị ảnh hưởng; từ đó ảnh hưởng đến nguồn vốn vay của các doanh nghiệp.

Chưa kể nếu lãi tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên bị đánh thuế, người dân sẽ lách luật bằng cách chia nhỏ khoản tiền gửi ra hoặc rót vốn vào ngoại tệ, vàng khiến nguồn vốn của NH sẽ giảm. Hệ quả là doanh nghiệp khó vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Cần nói thêm là từ chuyện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đến chuyện đổ vốn vào bất động sản là một khoảng cách khá xa, nhất là khi kênh này đang đóng băng như hiện nay. Nên hiểu rằng bất động sản tắc không phải do người dân dồn vốn vào việc gửi tiết kiệm mà do sản phẩm, giá cả không hợp lý, không đáp ứng đúng nhu cầu của người dân.

* PTS Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM):

Ai đảm bảo tiền vào sản xuất kinh doanh?

Nếu bảo rằng tiền gửi tiết kiệm không vào sản xuất kinh doanh là không hiểu về hoạt động NH. Trong thực tế, tiền tiết kiệm là nguồn chủ lực cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. NH gom tiền gửi tiết kiệm của dân rồi cho vay lại để doanh nghiệp đầu tư. Tiền tiết kiệm là dòng tiền được đưa vào sản xuất kinh doanh một cách có định hướng, đúng địa chỉ, có sự kiểm soát rủi ro.

Giả sử đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm được thực thi thì hậu quả vô cùng lớn vì không loại trừ nhiều người sẽ rút tiền, lấy tiền đâu để doanh nghiệp vay đầu tư sản xuất kinh doanh.

Cũng không ai đảm bảo dân đem tiền về để đầu tư sản xuất kinh doanh hay chuyển sang tiết kiệm bằng... vàng, USD, bất động sản hoặc đổ vào chứng khoán. Nếu dòng tiền chỉ đổ vào những lĩnh vực này, nền kinh tế càng gặp nguy hơn. Nhà nước chỉ dùng công cụ thuế để tạo nguồn thu cho ngân sách, điều tiết thu nhập chứ không phải để nắn dòng tiền. Công cụ để nắn dòng tiền chính là lãi suất ở các thị trường.

Đánh thuế tiết kiệm, sản xuất kinh doanh càng bế tắc hơn

Việc đánh thuế thu nhập đối với tiền gửi tiết kiệm được những nước tiên tiến áp dụng (không phân biệt ít hay nhiều) nhưng người ta thừa tiền, lãi suất tiền gửi chưa đến 1%/năm, NH chỉ là người giữ hộ. Còn ở VN, chúng ta đang muốn giảm lãi suất đầu ra. Mà muốn giảm lãi suất đầu ra phải giảm lãi suất đầu vào, tức là lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Nếu chúng ta đánh thuế trên khoản tiền gửi tiết kiệm này, lãi suất đầu vào không những không giảm mà thậm chí còn tăng lên. Khi đó lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, không những bất động sản mà nhiều ngành khác cũng không dám vay để đầu tư.

Có thể nói việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là một cách ngăn chặn chứ không hướng dòng tiền chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị giết chết chứ không phải khuyến khích.

Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, VN là một trong số ít những quốc gia trên thế giới không đánh thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Với mặt bằng lãi suất trong năm 2012, một khoản tiền tiết kiệm 10 tỉ đồng sẽ cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng nhưng họ không phải đóng thuế.

Trong khi đó, nếu số tiền này được đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ tạo thêm công ăn việc làm, đem lại nguồn thu cho ngân sách thông qua thuế và bản thân người có tiền. Như vậy, chúng ta không thu thuế thu nhập trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm vô hình trung sẽ khuyến khích gửi tiết kiệm chứ không khuyến khích bỏ tiền vào sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi không kỳ vọng nếu thực thi sắc thuế này thì dòng tiền sẽ vào thị trường bất động sản, mà là hướng nó vào nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Liệu nó có vào sản xuất kinh doanh dịch vụ hay vào vàng, ngoại tệ? Theo tôi, Nhà nước đang thực hiện chủ trương siết chặt thị trường ngoại tệ và vàng, thậm chí tới đây gửi vàng vào NH không những không được nhận lãi mà còn phải tốn phí. Do đó không có chuyện dòng tiền sẽ vào hai lĩnh vực này, còn sang các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản hay bất cứ ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ nào thì cũng tốt cả.

HẢI ĐĂNG - ÁNH HỒNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên