14/12/2017 13:32 GMT+7

Hệ thống ‘Vòm sắt’ của Israel có thật sự trứ danh hiệu quả?

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Với tỉ lệ đánh chặn thành công đạn pháo, tên lửa được cho là lên đến gần 90%, các nhà sản xuất vũ khí của Israel ca ngợi "Vòm Sắt" là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn đáng tin cậy nhất thế giới.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vừa xác nhận đã đánh chặn 2 đạn pháo bắn vào thành phố Sderot của nước này vào tối 13-12 sau khi một loạt đạn pháo được phóng từ Dải Gaza vào miền nam Israel trong 6 đêm liên tiếp.

Theo các nhân viên y tế Israel, vụ bắn đạn pháo trên không gây ra bất kỳ thiệt hại nào, chỉ khiến một người đàn ông 30 tuổi bị thương nhẹ khi đang tìm chỗ trú ẩn tại thành phố Sderot và 2 người khác đã được các nhân viên y tế chữa trị do bị sốc.

Hệ thống ‘Vòm sắt’ của Israel có thật sự trứ danh hiệu quả? - Ảnh 1.

Tên lửa nhỏ thuộc hệ thống Vòm Sắt phóng đi từ tàu INS Lahav của Israel. Ảnh được quân đội Israel công bố ngày 28-11 - Ảnh: REUTERS

Mang tên Vòm Sắt (Kipat Barzel theo ngôn ngữ Israel), hệ thống lá chắn tên lửa của Israel thật ra không phải là lưới sắt phủ trên bầu trời nước này để cho tên lửa, đạn pháo đối phương không thể rơi xuống.

Nó thực ra là mạng lưới chống các cuộc tấn công tên lửa, đạn pháo tầm ngắn bao gồm hơn chục hệ thống phóng tên lửa bố trí khắp lãnh thổ Israel, đặc biệt xung quanh Dải Gaza - nơi thường xuyên xuất phát các quả đạn pháo, tên lửa phóng sang Israel.

Hệ thống Vòm Sắt được lắp đặt từ tháng 3-2011, gần thành phố Beersheba ở phía Nam của Israel - cách dải Gaza 40 km và được cho là có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Theo khẳng định của chính quyền Israel, Vòm Sắt đã giúp ngăn chặn ít nhất 1.000 tên lửa nhỏ, đạn pháo bắn đi từ Dải Gaza.

Nhờ hệ thống phòng thủ này mà dù thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công "mồ côi" từ Dải Gaza, nhưng cuộc sống ở các thành phố của Israel tiếp diễn gần như bình thường.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel - Nguồn: Youtube

Hệ thống ‘Vòm sắt’ của Israel có thật sự trứ danh hiệu quả? - Ảnh 3.

Dàn phóng tên lửa thiết lập ở miền trung Israel. Ảnh chụp ngày 14-11 - Ảnh: REUTERS

Một số hệ thống phòng thủ tên lửa khác đã được triển khai ở miền nam Israel để đối phó với tên lửa bắn từ phía Palestine. Đến nay, khoảng 13 hệ thống được triển khai, tạo thành mái vòm hoàn chỉnh, bảo vệ hoàn toàn Israel khỏi các cuộc tấn công tầm ngắn.

Vòm Sắt là cấu phần chống tên lửa tầm ngắn của hệ thống phòng thủ chống tên lửa gồm ba tầng của Israel. 

Hai cấu phần khác bao gồm hệ thống phòng không David’s Sling, hiện vẫn đang được phát triển, dự định nhằm bắn hạ các mục tiêu tầm trung trong khí quyển, bao gồm cả khu vực trên Địa Trung Hải; và hệ thống tên lửa Arrow, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa trong không gian.

Hệ thống ‘Vòm sắt’ của Israel có thật sự trứ danh hiệu quả? - Ảnh 4.

Tên lửa nhỏ thuộc hệ thống Vòm Sắt phóng đi từ tàu INS Lahav của Israel. Ảnh được quân đội Israel công bố ngày 28-11. Với thêm các tàu có thể phóng tên lửa đánh chặn, hệ thống vòm bảo vệ của Israel thêm toàn diện - Ảnh: REUTERS

Ngay sau khi tên lửa đối phương được phóng, ra-đa của Vòm Sắt sẽ theo dõi quỹ đạo, tính toán điểm tác động của chúng và phóng một loại tên lửa mà trong vòng vài giây sẽ khóa mục tiêu vào tên lửa, đạn pháo của đối phương (theo tọa độ được tính toán) và bắn hạ nó.

Mỗi dàn tên lửa đều có hệ thống ra-đa phát hiện và theo dõi đường đi của tên lửa/đạn pháo đối phương. Nếu đánh giá cho thấy tên lửa/đạn pháo đối phương có khả năng rơi vào khu vực dân cư thì hệ thống đánh chặn sẽ thực thi lệnh cho phóng đi tên lửa Tamir phá hủy từ trên không. Nếu tên lửa/đạn pháo đối phương không rơi vào khu vực dân cư hoặc chạm đến công trình xây dựng của Israel thì nó sẽ được cho "rơi tự do, tự hủy".

Hệ thống ‘Vòm sắt’ của Israel có thật sự trứ danh hiệu quả? - Ảnh 5.

Bộ phận phân tích và ra lệnh phóng tên lửa trong hệ thống Vòm Sắt. Mọi tính toán đều có máy tính và con người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng - Ảnh: REUTERS

Theo báo Le Monde của Pháp, khi xác định tên lửa/đạn pháo đối phương gây nguy hiểm thì vị chỉ huy dàn phóng tên lửa sẽ là người đưa ra quyết định bắn tên lửa đánh chặn chứ không phải tiến hành tự động.

Tiến trình này diễn ra trong vòng khoảng 2 phút và tên lửa đánh chặn Tamir thường sẽ phá hủy đạn pháo đối phương ở gần điểm dự kiến rơi và địa điểm được tính toán sau cho gây tổn hại ít nhất dưới mặt đất.

Hệ thống tên lửa phòng thủ là sản phẩm của công ty Rafael của Israel. Mỗi hệ thống có bộ phận điều khiển phóng và 3 dàn phóng với 20 tên lửa Tamir mỗi dàn. Các hệ thống này đều có thể di chuyển cơ động và chỉ mất vài giờ có thể tác chiến ở điểm mới theo lệnh từ bộ tư lệnh quân đội Israel.

Hệ thống ‘Vòm sắt’ của Israel có thật sự trứ danh hiệu quả? - Ảnh 6.

Tên lửa Tamir bắn đi từ một dàn phóng trên lãnh thổ Israel - Ảnh: AFP

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt do hãng Rafael giới thiệu - Nguồn: Youtube

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Israel sử dụng Vòm Sắt chẳng khác dùng "dao mổ trâu giết gà" vì giá cả đắt đỏ của toàn hệ thống. Một phép so sánh nhỏ: giá một lần phóng tên lửa Tamir trung bình là 50.000 USD trong khi đạn pháo bắn đi từ Dải Gaza giá chỉ khoảng 1.000 USD.

Nhưng các kiến trúc sư của công trình Vòm Sắt tuyên bố đã tiết kiệm cho Israel hàng tỉ USD thiệt hại vật chất và tác động kinh tế, cũng như bảo vệ sinh mạng cho người dân.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel được ước tính giá hàng tỉ USD nhưng thông tin cho biết Mỹ đã góp phần tài trợ ban đầu khá hào phóng. Năm 2014, Mỹ đã giúp Israel 220 triệu USD cho hệ thống này, chưa kể mức trợ giúp quân sự hàng năm hơn 3 tỉ USD.

Hệ thống ‘Vòm sắt’ của Israel có thật sự trứ danh hiệu quả? - Ảnh 8.

Sơ đồ hệ thống xe ra-đa phát hiện (phải) - xe trung tâm điều khiển hệ thống (giữa) và các dàn phóng tên lửa sẽ phối hợp đồng bộ trong vòng tối đa 2 phút để quyết định bắn hạ hay không tên lửa/đạn pháo đối phương - Ảnh: AFP

Quân đội Israel (Tsahal) từng khẳng định hệ thống phòng thủ của mình là hữu hiệu, minh chứng qua chiến dịch Trụ cột phòng vệ tiến hành vào tháng 11-2012. Nhật báo New York Times của Mỹ dẫn số liệu cho biết 84% đạn pháo bắn đi từ Dải Gaza sang lãnh thổ Israel đã bị phá hủy, tức 421 lần can thiệp thành công so với 58 lần thất bại.

Các tính toán cho thấy hiệu quả của Vòm Sắt phụ thuộc vào khoảng cách tên lửa/đạo pháo đối phương: hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ càng cao với các đạn pháo/tên lửa trong tầm bắn 4 km - 70 km. Những loại tên lửa nhỏ hiện đại như Fajr-5, mà nhóm Hamas bắt đầu có được sẽ khiến "Vòm Sắt" lúng túng.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên